Ông Tập và Thủ tướng Ấn Độ giữ khoảng cách trong lần đầu giáp mặt kể từ xung đột biên giới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước đã gặp 12 nhà lãnh đạo trong cuộc hội đàm một đối một bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Lãnh đạo các nước thành viên và đối tác của SCO chụp ảnh chung tại Samarkand, Uzbekistan vào tuần trước. Trong ảnh, ông Tập đứng cạnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tuy nhiên, ông Tập đã không có bất cứ cuộc tiếp xúc trực tiếp nào với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ chỉ tham gia chụp ảnh chung cùng lãnh đạo các nước thành viên và đối tác SCO ở Samarkand, Uzbekistan và tham gia các cuộc hội đàm đa phương, theo SCMP.
Hội nghị thượng đỉnh SCO là lần đầu tiên ông Tập và ông Modi giáp mặt nhau kể từ cuộc đụng độ biên giới Trung Quốc - Ấn Độ năm 2020. Hai nhà lãnh đạo không chào nhau sau khi chụp ảnh chung cùng nhóm các lãnh đạo nước thành viên SCO.
Đây là diễn biến đáng chú ý sau khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ thông báo đạt thỏa thuận rút quân khỏi biên giới Gogra-Hotsprings phía tây dãy Himalaya vào ngày 8/9, hai năm sau các cuộc đụng độ ở biên giới khiến quan hệ giữa hai nước lao dốc.
Cuộc đụng độ chết người ở thung lũng Galwan vào ngày 15/6/2020 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc ghi nhận 5 binh sĩ hy sinh.
Wang Dehua, cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ vẫn cần thời gian để cải thiện trên cơ sở New Delhi vẫn thực thi chính sách đối ngoại cân bằng.
Ở Samarkand, Uzbekistan, ông Tập cam kết ủng hộ Ấn Độ trở thành nước giữ ghế Chủ tịch luân phiên của SCO vào năm tới.
Các lãnh đạo nước thành viên SCO chụp ảnh chung. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Ông Wang nói vấn đề lớn nhất hiện nay giữa hai nước là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. "Ấn Độ tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn, còn Trung Quốc nghĩ Ấn Độ tạo ra sự thách thức trên nhiều lĩnh vực", ông Wang nhận định, nêu ví dụ là vấn đề biên giới. "Cả hai nước cần kiên nhẫn hơn trong mối quan hệ song phương", ông Wang nói thêm.
Mặc dù Ấn Độ chủ trương thực thi chính sách ngoại giao cân bằng và tự chủ, nhưng Trung Quốc ngày càng lo ngại về sự tham gia của Ấn Độ vào các nhóm do Mỹ dẫn đầu trong khu vực.
Ấn Độ là thành viên nhóm Bộ Tứ kim cương (Quad) cùng với Mỹ, Nhật Bản và Úc. Ấn Độ cũng là thành viên nhóm I2U2 ở Trung Đông, với các thành viên gồm Mỹ, Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). I2U2 được xây dựng nhằm mục đích tăng cường hợp tác về công nghệ và thúc đẩy các nguồn lực quan trọng như nước, thực phẩm và năng lượng.
Giống như Trung Quốc, Ấn Độ tăng mua dầu giá rẻ từ Moscow và là quốc gia có mối quan hệ quốc phòng sâu rộng với Nga. Đầu tháng này, Ấn Độ cũng gửi binh sĩ tới tham dự cuộc tập trận Vostok 2022 cùng Nga và Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ Washington. Tuy nhiên, Ấn Độ tuần trước cũng tham gia tập trận cùng Nhật Bản và Mỹ.
Sau khi hai nước đạt thỏa thuận rút quân, Trung Quốc đã dời căn cứ tiền phương ở biên giới lùi lại 2km tính từ khu vực tranh chấp. Các hình ảnh vệ tinh do công ty Maxar ở Mỹ thu thập, cũng cho thấy Trung Quốc đã rút quân khỏi nhiều khu vực tại hồ Pangong.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là “mục tiêu” của Ankara.