Ông Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng Bí thư Trung Quốc và chân dung 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị
Ngày 23/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX họp phiên đầu tiên, bầu Bộ Chính trị gồm 25 thành viên và Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên. Ông Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ 3.
Nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 3 của ông Tập Cận Bình sẽ kéo dài đến tháng 3/2028 (đối với nhiệm kỳ chủ tịch nước, còn nhiệm kỳ tổng bí thư sẽ kết thúc vào năm 2027). Ông Tập Cận Bình sẽ 74 tuổi khi Trung Quốc tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 21.
Bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX gồm các ông Tập Cận Bình, Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hộ Ninh, Thái Kỳ, Lý Hi và Đinh Tiết Tường, Xinhua đưa tin.
Ông Tập Cận Bình
Theo bài viết “Hồ sơ: Tập Cận Bình - người dẫn dắt Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hành trình mới” mà Xinhua đăng tải ngày 6/11/2021, ông Tập Cận Bình (sinh ngày 15/6/1953) luôn đi cùng người dân, củng cố Đảng, khiến Trung Quốc mạnh mẽ, tạo nền tảng mới cho đổi mới, đóng góp cho cộng đồng toàn cầu, thúc đẩy hoàn thành 2 mục tiêu 100 năm của đất nước.
Năm 1974 tại làng Lương Gia Hà, tỉnh Thiểm Tây, ông Tập gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1975, ông được nhận vào Đại học Thanh Hoa danh tiếng ở Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, ông lần đầu tiên làm việc tại văn phòng chung của Quân ủy Trung ương trước khi chuyển đến tỉnh Hà Bắc vào năm 1982. Năm 2007, ông Tập trở lại Bắc Kinh, trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và sau đó trở thành Phó chủ tịch nước. Ông giám sát các lĩnh vực bao gồm xây dựng Đảng, công tác tổ chức, các vấn đề Hong Kong và Macao, và chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Ở tuổi 59, ông được bầu làm Tổng Bí thư vào tháng 11/2012. Năm 2021 là năm thứ 9 của chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” mang dấu ấn của ông Tập. Hơn 20 quan chức cấp cao và giám đốc điều hành trong lĩnh vực tài chính đã bị trừng phạt hoặc bị điều tra trong năm 2021.
Năm 2016, tại phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 xác định vị thế của ông Tập là hạt nhân của Ban Chấp hành Trung ương và của toàn đảng. Vào tháng 10/2017, Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới chính thức được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ 19. Tư tưởng này đã được ghi nhận trong Điều lệ Đảng và Hiến pháp Trung Quốc. Hai tuần sau khi được bầu làm Tổng bí thư, ông Tập đưa ra chủ thuyết “Giấc mộng Trung Hoa” về sự trẻ hóa đất nước, chấn hưng dân tộc. Ông đã thiết kế một mô hình hiện đại hóa của Trung Quốc với đặc điểm là một con đường phát triển đổi mới, có sự phối hợp, xanh và mở dành cho tất cả mọi người. Đến nay, thành tựu ấn tượng nhất của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới là hoàn thành “mục tiêu 100 năm lần thứ nhất”, cụ thể là xây dựng được xã hội khá giả toàn diện, chấm dứt nghèo đói cùng cực vào năm 2021.
Năm 2013, ông Tập nêu quan điểm "xây dựng cộng đồng nhân loại chung vận mệnh", đề xuất một cách tiếp cận mới đối với quan hệ quốc tế dựa trên sự hợp tác cùng có lợi và nguyên tắc đạt được tăng trưởng chung thông qua thảo luận và phối hợp trong quản trị toàn cầu. Cùng năm đó, ông nêu sáng kiến Vành đai-Con đường. Những năm gần đây, ông đưa ra Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu…
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua.
Ông Lý Cường
Ông Lý Cường sinh tháng 7/1959, là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIX, Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Ông từng là Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô. Với sự nghiệp xuyên suốt từng lãnh đạo ba đơn vị hành chính cấp tỉnh vùng Hoa Đông là Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang, ông được nhận định là một chính trị gia phát triển kinh tế phụ tá ông Tập.
Ông Lý Cường. Ảnh: Xinhua.
Ông Triệu Lạc Tế
Ông Triệu Lạc Tế sinh tháng 3/1957, là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa XIX, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Trước khi về trung ương công tác vào tháng 11/2012, trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, ông là Tỉnh trưởng tỉnh Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hải và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thiểm Tây. Tháng 10/2017, ông trở thành thành viên trẻ nhất trong 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và giữ cương vị Bí thư Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Ông Triệu Lạc Tế. Ảnh: Xinhua.
Ông Vương Hộ Ninh
Ông Vương Hộ Ninh sinh tháng 10/1955, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa XIX, phụ trách công tác đảng, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo kiến thiết văn minh, tinh thần trung ương, Trưởng Tiểu ban sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội Đảng XX. Ông được coi là “túi khôn lý luận” của Trung Nam Hải, là “quốc sư” lập thuyết cho 3 nhà lãnh đạo gồm Giang Trạch Dân (“Ba đại diện”), Hồ Cẩm Đào (“Quan điểm phát triển khoa học”) và Tập Cận Bình (“Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, “Giấc mộng Trung Hoa”).
Ông Vương Hộ Ninh. Ảnh: Xinhua.
Ông Thái Kỳ
Ông Thái Kỳ sinh tháng 12/1955, là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIX, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh. Ông có bằng cử nhân giáo dục chính trị, thạc sĩ pháp luật kinh tế, tiến sĩ kinh tế học. Năm 2017, Bộ Chính trị bổ nhiệm ông làm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh. Việc bổ nhiệm này đã phá vỡ gần như mọi quy ước trong chức vụ - Thái Kỳ không là Ủy viên Trung ương Đảng, cũng không là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng và đảm nhận một chức vụ trong hoàn cảnh bình thường, được sự nhất trí của các thành viên Bộ Chính trị. Năm 2017, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, rồi được bầu vào Bộ Chính trị.
Ông Thái Kỳ. Ảnh: Xinhua.
Ông Lý Hi
Ông Lý Hi sinh tháng 10/1956, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Ông dành phần lớn thời gian công tác ở Tây Bắc Trung Quốc, từng là Bí thư Thành ủy căn cứ cách mạng Diên An, tỉnh Thiểm Tây. Ông cũng từng giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh và Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh. Năm 2011, ông được điều đến Thượng Hải giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Thượng Hải; năm 2013, ông được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Năm 2014, ông lại được điều về tỉnh Liêu Ninh làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, quyền Tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh. Năm 2014, ông trở thành Tỉnh trưởng. Năm 2015, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh. Tại Đại hội Đảng lần thứ XIX, ông đắc cử Ủy viên Bộ Chính trị. Năm 2017, ông được điều tỉnh Quảng Đông làm Bí thư Tỉnh ủy.
Ông Lý Hi. Ảnh: Xinhua.
Ông Đinh Tiết Tường
Ông Đinh Tiết Tường sinh tháng 9/1962, là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông từng là thư ký của ông Tập Cận Bình khi ông Tập làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải năm 2007, sau đó theo ông Tập đến Bắc Kinh vào tháng 5/2013 làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. Ông Tường là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 19, Bí thư Ban Bí thư.
Ông Đinh Tiết Tường. Ảnh: Xinhua.
Nguồn: [Link nguồn]
Điều lệ đảng Cộng sản TQ sửa đổi tán thành “vị trí hạt nhân” của Chủ tịch Tập Cận Bình trong Ban Chấp hành Trung ương đảng, lần đầu tiên đề cập kiên quyết chủ...