Ông Tập Cận Bình đối mặt phép thử chính trị lớn nhất

Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương ở Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 này thực sự là phép thử chính trị lớn nhất với ông Tập Cận Bình sau 4 năm cầm quyền.

Ông Tập Cận Bình đối mặt phép thử chính trị lớn nhất - 1

Ông Tập Cận Bình cùng cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào cách đây 2 năm ở Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa.

Sau 4 năm, ông Tập Cận Bình đã củng cố hình ảnh là một lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời lãnh tụ Mao Trạch Đông và nổi lên là lãnh đạo thế giới sau hội nghị G20 ở Hàng Châu. Ông Tập cũng rất tự tin trong kế sách chấn hưng Trung Quốc của mình khi sắp sửa tới lễ kỉ niệm 67 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt phép thử chính trị lớn nhất trong phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương cuối tháng 10 tới. Tại đây, chương trình nghị sự cho đại hội toàn quốc lần thứ 19 sẽ được thông qua. Với vai trò là Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập đang thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết ý muốn tiếp tục duy trì quyền lực trong vòng 5 năm tới.

Hiện nay, ông Tập Cận Bình đang trải qua thời điểm khó khăn nhằm chấn hưng nền kinh tế quy mô lớn thứ hai toàn cầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm. Các nhà kinh tế gọi đây là “bẫy thu nhập trung bình” và có thể khiến Trung Quốc không thể đuổi kịp GDP đầu người với các quốc gia hùng mạnh khác.

Ông Tập Cận Bình đối mặt phép thử chính trị lớn nhất - 2

Ông Tập Cận Bình duyệt binh đội danh dự trong lễ kỉ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật năm 2015.

Tháng 7 vừa qua, Bộ chính trị Trung Quốc tuyên bố phiên họp toàn thể lần thứ 6 sẽ tập trung vào xây dựng đảng, tác phong của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nhà nước, đặc biệt là Ủy ban Trung ương, Bộ chính trị và Ban thường vụ Bộ chính trị.

Giới phân tích nhận định ông Tập sẽ triệu tập các cuộc họp kín nhằm khởi động quá trình chuẩn bị cho đại hội toàn quốc vào mùa thu năm sau. Thời điểm đó, rất nhiều quan chức cấp cao dự kiến sẽ về hưu.

4 năm qua, ông Tập Cận Bình đã thực hiện chiến dịch tu dưỡng đạo đức và chống tham nhũng quy mô lớn nhằm cải thiện niềm tin suy giảm với đảng và củng cố quyền lực cá nhân.

Giới phân tích dự báo ông Tập sẽ tìm người thay thế 5 thành viên trong Ban thường vụ Bộ chính trị khi họ sẽ về hưu, trừ ông và Thủ tướng Lí Khắc Cường.

6 thành viên khác trong Bộ chính trị 25 người sẽ về hưu do quá tuổi quy định. Điều này đồng nghĩa chỉ còn 12 thành viên của Bộ chính trị chạy đua cho 5 chiếc ghế trong Ban thường vụ. Tương tự, 250 ủy viên trong Ủy ban Trung ương sẽ phấn đấu cho 11 chiếc ghế trong Bộ chính trị.

Steve Tsang từ Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc đại học Nottingham (Anh) cho biết ông Tập sẽ sử dụng đại hội toàn quốc lần thứ 19 để mở đường cho lựa chọn nhân sự tương lai. Kì họp toàn thể lần thứ 6 này là bước chuẩn bị quan trọng cho sự kiện chính trị năm 2017.

Ông Tập Cận Bình đối mặt phép thử chính trị lớn nhất - 3

Ông Tập giới thiệu các thành viên trong Ban thường vụ Bộ chính trị tháng 11.2012.

“Ông Tập Cận Bình sẽ triệu tập phiên họp kín để khẳng định một cách rõ ràng nhất về người kế nhiệm, không loại trừ khả năng ông sẽ tự đề xuất bản thân trở thành người tiếp tục nắm quyền cho tới năm 2022”, Tsang nói.

Giới quan sát cho rằng tính chính danh của Tập Cận Bình với vai trò Tổng bí thư giúp ông trở thành lãnh đạo quyền lực nhất từ thời Mao Trạch Đông. Câu hỏi đặt ra chỉ là liệu Tập Cận Bình đã tập trung đủ quyền lực chính trị cần thiết để đề xuất người kế nhiệm hoặc chính sách trong đại hội toàn quốc lần thứ 19 hay chưa. Đặng Tiểu Bình trước đây dù thiếu tính chính danh (ông là lãnh tụ nhưng không nắm chức danh nguyên thủ quốc gia hay đứng đầu chính phủ) nhưng vẫn thể hiện quyền lực tối thượng của mình.

Ông Tập Cận Bình đối mặt phép thử chính trị lớn nhất - 4

Ông Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo cấp cao tham dự triển lãm kỉ niệm 80 năm cuộc Vạn Lý Trường Chinh.

Trương Lập Phàm, một sử gia đảng Cộng sản Trung Quốc từng công tác tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết ông Tập đang hứng chịu một làn sóng ngầm trong nội bộ đảng. Nhiều phe nhóm trong nội bộ không thực sự phục ông Tập.

“Ông Tập Cận Bình hứng chịu sự phản kháng trong đảng do chính sách gây tranh cãi và nhiều người chỉ chờ ông Tập mắc lỗi”, sử gia Trương nhận định.

Trương Minh, giáo sư chính trị khoa học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng mâu thuẫn nhiều nhất quanh chính sách và quan điểm cánh tả của ông Tập: “Tương lai chính trị Trung Quốc chưa bao giờ lung lay dữ dội như hiện nay khi nội bộ đảng tồn tại quá nhiều mâu thuẫn”.

Steve Tsang đặt câu hỏi quanh khả năng Tập Cận Bình có thể xóa bỏ hoàn toàn những chỉ trích trong nội bộ đảng hay không khi kì đại hội sắp tới diễn ra vào năm sau.

Trong 4 năm nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã đạt nhiều bước tiến trong việc thúc đẩy hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc và biến mình thành lãnh đạo thế giới. Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu tháng 9 vừa qua giúp ông thể hiện hình ảnh cá nhân trên vũ đài chính trị thế giới. Đây được xem là sự kiện chính trị mang tầm quốc tế quan trọng nhất dưới thời Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình đối mặt phép thử chính trị lớn nhất - 5

Ông Tập bắt tay cùng các đại biểu tham dự đại hội lần I của đơn vị tên lửa Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tháng 9.2016.

Ông Tập cũng nhận được ít nhiều đồng tình của cộng đồng quốc tế với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và sự thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á. Sự phê chuẩn chính thức của ông Tập và Barack Obama với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại hội nghị G20 rất được quốc tế khen ngợi. Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết cắt giảm phát thải khí CO2 bằng 60% của năm 2005 trong 25 năm tới.

Dù vậy, chính sách ngoại giao láng giềng của ông Tập Cận Bình có nhiều bước thụt lùi khi để xảy ra mâu thuẫn với những cường quốc khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia. 10 thành viên ASEAN cũng có mối quan hệ không tốt đẹp với Trung Quốc thời gian qua.

Sự kiện đánh dấu thất bại lớn nhất của Tập Cận Bình là phán quyết của tòa trọng tài quốc tế phủ quyết hoàn toàn cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là bước lùi ngoại giao lớn nhất với Trung Quốc trong 60 năm qua và ảnh hưởng của nó sẽ được cảm nhận rõ nét hơn trong thời gian tới.

Căng thẳng khu vực cho thấy nghi kị và mất niềm tin giữa những nước láng giềng với Trung Quốc ngày một gia tăng và sự phản kháng trước vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình đối mặt phép thử chính trị lớn nhất - 6

Ông Tập ở St.Peterburg dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2013.

Ông Tập Cận Bình hiện nay vẫn coi thành tựu lớn nhất của ông là “Giấc mơ Trung Hoa”. Trong số này có hai mục tiêu quan trọng là xây dựng một xã hội tương đối khá giả vào năm 2021 và tạo dựng nền kinh tế phồn vinh, hiện đại năm 2049. Tất nhiên để đạt được ước muốn này, ông Tập sẽ phải trải qua rất nhiều bước chuyển kinh tế-xã hội khó khăn.

Sau hàng thập kỉ phát triển kinh tế ngoạn mục với mức tăng trưởng 2 con số, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm phát. Tất cả các dấu hiệu tăng trưởng kinh tế trong 2 năm qua đều thể hiện dấu hiệu sụt giảm.

Trong số những thách thức đó là một thị trường chứng khoản sụt giá, xuất khẩu giảm do nhu cầu quốc tế cạn dần, áp lực đồng nội tệ và sự thoái vốn của đồng ngoại tệ. Nghiêm trọng hơn cả là nợ công gia tăng.

Nếu Tập Cận Bình không có giải pháp cho nền kinh tế giảm phát, nghi ngờ sẽ xuất hiện quanh việc thực hiện mục tiêu đầu tiên của “Giấc mơ Trung Hoa”.

Ông Tập Cận Bình đối mặt phép thử chính trị lớn nhất - 7
Ông Tập Cận Bình trong hội nghị G20 vừa diễn ra đầu tháng 9 tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Phép thử chính trị khác với Tập Cận Bình là cải cách các doanh nghiệp vốn nhà nước nhằm chuyển dịch từ một nền kinh tế kế hoạch, nhà nước quản lý sang một nền kinh tế do thị trường điều tiết. Áp lực về “bẫy thu nhập trung bình” mà các quốc gia Đông Á và Mỹ Latinh gặp phải cũng là điều Trung Quốc hết sức lo ngại.

Năng lực lèo lái khỏi vùng xoáy “thu nhập trung bình” sẽ xác định rõ ràng hơn Chủ tịch Trung Quốc có đủ khả năng thực hiện giấc mơ chấn hưng của mình hay không.

Các chuyên gia nhận định trong 3 năm qua không hề xuất hiện bất kì cải cách kinh tế đột phá nào dù đảng Cộng sản Trung Quốc từng đưa ra một chương trình tham vọng cuối năm 2013. Hai năm vừa rồi, chính quyền Bắc Kinh chỉ củng cố hơn vị trí của doanh nghiệp nhà nước bằng việc mua bán, sát nhập, mở rộng quy mô và thị trường ở một số lĩnh vực thay vì cổ phần hóa.

Lĩnh vực tài chính, tiền tệ chứng kiến sự thay đổi chậm chạp với độ mở tài khoản vốn, thị trường hóa ngoại hối và lãi suất còn ì ạch.

Giới quan sát đồng ý rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể thực hiện ước mơ hiện đại hóa của mình nếu lãnh đạo nước này vượt qua các thử thách nền kinh tế định hướng thị trường và tái cấu trúc thể chế chính trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN