Ông Tập Cận Bình "đánh" tham nhũng đến thủ đô Bắc Kinh
Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối cùng cũng lan tới thủ đô Bắc Kinh. Quan chức cấp cao đầu tiên bị điều tra là bà Lu Xiwen, Phó bí thư Thành ủy Bắc Kinh.
Theo Bussiness Insider, ngày 11.11, Ủy ban Thanh tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) cho hay, bà Lu Xiwen, Phó Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng” - cụm từ thường dùng để chỉ tham nhũng ở Trung Quốc.
"Đại tỷ" của giới quan chức ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc bà Lu Xiwen.
Việc bà Lu bị điều tra đồng nghĩa với việc đến nay, 31 tỉnh, thành phố cấp trung ương của Trung Quốc đều có ít nhất một “con hổ” – cụm từ được dùng để chỉ những quan chức cấp cao của Trung Quốc là mục tiêu trong chiến dịch chống tham nhũng.
Bà Lu, năm nay 60 tuổi, đã làm công chức tại thủ đô Bắc Kinh kể từ khi tốt nghiệp đại học và trải qua nhiều vị trí từ thấp đến cao. Bà được xem là "nhân vật quyền lực số 3" trong đội ngũ lãnh đạo ở Bắc Kinh và được giới quan chức ở thủ đô Trung Quốc gọi là "đại tỷ". Lần xuất hiện trước công chúng gần đây nhất của bà Lu là vào ngày 6.11 khi tham gia hội nghị học tập mở rộng của Tổ trung tâm lý luận chính phủ thuộc Thành ủy Bắc Kinh.
Thông tin Phó Bí thư Thành ủy Bắc Kinh bị điều tra tham nhũng được đưa ra trong bối cảnh CCDI vừa tuyên bố điều tra ông Ai Baojun, Phó thị trưởng Thượng Hải trước đó chỉ một ngày. Giống như bà Lu, ông Ai là “con hổ” đầu tiên của Thượng Hải bị “sờ gáy” trong chiến dịch chống tham nhũng của do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động cách đây 3 năm.
Chân dung ông Ai Baojun, cựu Phó Thị trưởng Thượng Hải vừa bị ủy ban chống tham nhũng sờ gáy.
Gần đây, CCDI vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh các cuộc điều tra tham nhũng trái với một số dự báo trước đó cho rằng, ông Tập Cận Bình sẽ không duy trì chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” quá lâu. Việc hai quan chức cấp cao tại Bắc Kinh và Thượng Hải lần lượt là “kinh đô” chính trị và kinh tế của Trung Quốc “ngã ngựa” trong hai ngày liên tiếp cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập vẫn đang diễn ra quyết liệt.
Chỉ trong tháng 11 này, đã có 5 quan chức cao cấp, gồm 3 quan chức cấp tỉnh và 2 giám đốc doanh nghiệp quốc doanh bị điều tra.
Trong ngành tài chính, hơn chục nhân vật quyền lực cũng bị “sờ gáy” trong mấy tháng gần đây sau đợt sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Vợ của ông Ai, người mới qua đời một tuần trước vì suy thận, cũng bị điều tra vì nghi vấn thao túng thị trường chứng khoán trong mùa hè năm nay.
Theo Giáo sư Wu Luluan thuộc Viện Nghiên cứu giáo dục Hong Kong, có khả năng ông Tập sẽ duy trì đà chống tham nhũng ít nhất cho tới cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo một phần diễn ra vào năm 2017.
Chiến dịch chống tham nhũng của Củ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là còn kéo dài ít nhất cho tới năm 2017.
“Một số người cho rằng, ông ấy sẽ dừng lại sau khi Chu Vĩnh Khang (cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc) phải vào tù, nhưng không phải như vậy. Nếu ông ấy dừng lại vào thời điểm đó, thì chiến dịch chống tham nhũng sẽ chỉ là một cuộc đấu đá quyền lực. Nhưng ông ấy đã quyết tâm thực hiện đến cùng”, ông nói.
Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” được ông Tập Cận Bình khởi động cách đây 3 năm và đã khiến hàng nghìn quan tham trên khắp Trung Quốc “ngã ngựa”. Bên cạnh chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, ông Tập còn chủ trương phát động chiến dịch săn cáo để bắt các tham quan khác bỏ trốn ra nước ngoài.