Ông Tập Cận Bình chỉ đạo quân đội gia tăng sức ép quân sự gần Đài Loan
Theo các nguồn thạo tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo quân đội nước này gia tăng sức ép quân sự ở khu vực tây nam Đài Loan.
Hãng thông tấn Kyodo News dẫn các nguồn thạo tin ngày 5-10 cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo quân đội nước này gia tăng sức ép quân sự ở khu vực tây nam Đài Loan.
Theo các nguồn tin, ông Tập đưa ra chỉ đạo trên tại cuộc họp gần đây của Quân ủy Trung ương, cơ quan quân sự cao nhất của Trung Quốc, sau khi sáu quốc gia - Mỹ, Nhật, Anh, Canada, Hà Lan, New Zealand – mới đây đã tiến hành các cuộc tập trận chung gần Đài Loan với sự tham gia của ba tàu sân bay.
Ông Tập chỉ đạo quân đội gia tăng sức ép quân sự gần Đài Loan
Theo các nguồn tin, tại Quân ủy Trung ương, ông Tập - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Trung Quốc - nói rằng Trung Quốc cần thể hiện rằng nước này "luôn sẵn sàng chiến đấu".
“Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đại lục muốn tránh một cuộc đối đầu trực diện với Mỹ” - các nguồn tin cho hay.
(Từ trái qua): Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SLATE/GETTY IMAGES
Theo Kyodo News, ông Tập được cho là có suy nghĩ rằng các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển phía tây nam Okinawa, tỉnh cực nam của Nhật Bản, giữa hải quân sáu nước được tiến hành nhằm ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc thống nhất Đài Loan, cũng như có động thái giành quần đảo Senkaku (cách Nhật gọi) / Điếu Ngư (cách Trung Quốc gọi).
Trung Quốc từ ngày 1-10 đến nay đã liên tục điều số lượng lớn máy bay quân sự vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, nỗ lực được cho là rõ ràng nhằm vào các cuộc tập trận do sáu quốc gia tiến hành.
Hôm 4-10, Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc liên quan vụ 56 máy bay quân sự của Bắc Kinh xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, nhấn mạnh động thái này làm suy yếu hòa bình và ổn định của khu vực.
Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 4-10, Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng sức ép và sự cưỡng bức về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan.
"Cam kết của chúng tôi với Đài Loan là vững chắc và góp phần duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và trong khu vực" – bà Psaki nói.
Vụ xâm nhập của 56 máy bay, mức cao kỷ lục trong một ngày kể từ khi Đài Loan bắt đầu tiết lộ các động thái tương tự của Bắc Kinh từ tháng 9-2020, đã nâng tổng số lượng máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ của hòn đảo trong tháng này là 149 chiếc.
“Thế giới đã chứng kiến rằng Trung Quốc đang vi phạm hòa bình khu vực và gây sức ép với Đài Loan” - ông Tô Trinh Xương, người đứng đầu nhánh hành pháp của Đài Loan, hôm 5-10 nói, đồng thời kêu gọi người dân tại hòn đảo “xích lại gần nhau như một và làm hòn đảo trở nên thật vững chắc”.
Theo Kyodo News, vào tháng 3-1996, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay tiến vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía nam của Đài Loan để giải quyết các mối đe dọa của Trung Quốc đối với hòn đảo này trước cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên.
Ba tàu sân bay cùng tập trận gần Đài Loan
Theo trang tin Stars and Stripes, ba hàng không mẫu hạm, gồm hai tàu sân bay của Mỹ và một tàu của Anh - trong số 17 tàu chiến của sáu quốc gia - Anh, Canada, Nhật, Hà Lan, New Zealand và Mỹ - cuối tuần qua đã tiến hành huấn luyện chung ở biển Philippines.
Cuộc tập trận giữa hải quân sáu nước tại biển Philippines. Ảnh: HẢI QUÂN ANH
Theo thông cáo báo chí của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật (JMSDF), hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ, cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh hôm 2-10 đã cùng hiện diện ở phía tây nam Okinawa, với sự tháp tùng của các tàu thuộc hải quân sáu nước tham gia.
Thông cáo cho biết quá trình huấn luyện, diễn ra đến hết ngày 3-10, bao gồm các nội dung phòng không, tác chiến chống tàu ngầm, diễn tập chiến thuật và diễn tập thông tin liên lạc.
Phía hải quân Mỹ có sự tham gia của các tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Shiloh, USS Chafee, USS The Sullivans và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Lake Champlain. Các tàu của các quốc gia khác gồm tàu khu trục, tàu hộ vệ và tàu tiếp tế.
Thông cáo dẫn các hình ảnh về cuộc huấn luyện cho thấy ba tàu sân bay cùng tàu khu trục trực thăng JS Ise của Nhật đã dẫn đầu 13 tàu khác di chuyển trong vùng biển.
Theo Stars and Stripes, cuộc huấn luyện kết thúc khi quân đội Trung Quốc điều 16 máy bay chiến đấu trên vùng biển phía nam Đài Loan, cách Okinawa chưa đầy 400 hải lý.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất, đồng thời xem Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ của họ với Mỹ.
Trung Quốc đã tăng cường áp lực quân sự và ngoại giao đối với Đài Loan kể từ khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn lần đầu nhậm chức vào năm 2016, cũng như tìm cách buộc Đài Bắc phải chấp nhận yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, trước sự báo động của cả Đài Bắc và Washington.
Việc Trung Quốc và Đài Loan thiếu các kênh liên lạc làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng hai bờ eo biển, một chuyên gia quốc...
Nguồn: [Link nguồn]