Ông Putin nói về cách Nga đáp trả sau khi Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tầm trung
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Moscow đang xem xét lại các loại vũ khí để đáp trả Mỹ trong bối cảnh Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) về cơ bản đã không còn tồn tại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây cho biết, Nga có thể nối lại sản xuất và triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên toàn cầu.
Các loại vũ khí này bị hạn chế bởi hiệp ước INF. Mỹ rút khỏi hiệp ước INF vào năm 2019 và Nga sau đó cũng đưa ra quyết định tương tự. Cho đến nay, Nga chưa nối lại sản xuất và chưa cân nhắc triển khai các loại vũ khí này.
Ông Putin đưa ra tuyên bố trong cuộc họp với các thành viên Hội đồng An ninh Nga. "Hành động thù địch" của Mỹ khiến Moscow phải xem xét lại lập trường liên quan đến vũ khí theo hiệp ước INF, ông Putin nói trong cuộc họp.
“Ngày hôm nay, chúng ta sẽ xem lại các bước mà Nga nên thực hiện liên quan đến hiệp ước cấm triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên mặt đất”, Putin tuyên bố.
“Nga đã giữ lời hứa không sản xuất hoặc triển khai các tên lửa này miễn là Mỹ không làm điều tương tự”, ông Putin nói. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau khi Mỹ triển khai các tên lửa như vậy ở nước ngoài.
“Chúng ta biết Mỹ không chỉ sản xuất các hệ thống tên lửa này mà còn đưa tới châu Âu để tập trận. Cách đây không lâu, Mỹ cũng đưa hệ thống này tới Philppines. Không rõ họ đã rút các tên lửa đó khỏi Philippines hay chưa”, ông Putin giải thích.
Loại vũ khí Mỹ mà ông Putin đề cập là hệ thống tên lửa tầm trung Typhon. Hệ thống có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk trên đất liền với tầm bắn lên tới 2.500km. Với các hệ phóng Typhon, lục quân Mỹ lần đầu tiên sở hữu năng lực tấn công tầm xa tương tự như hải quân.
Hệ thống tên lửa tầm trung Typhon mà Mỹ đưa tới Philippines tập trận.
“Có vẻ như chúng ta cần bắt đầu sản xuất các hệ thống vũ khí tấn công và dựa trên tình hình thực tế, xem xét triển khai để đảm bảo an ninh, nếu cần thiết”, ông Putin nói.
Hiệp ước INF do Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, cấm các bên triển khai tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên mặt đất với tầm bắn từ 500 – 5.500km. Hiệp ước này không cấm các vũ khí phóng từ biển hoặc trên không.
Do hạn chế của hiệp ước, các tên lửa đạn đạo Iskander của Nga bị giới hạn tầm bắn ở phạm vi dưới 500km. Kể từ năm 2019, hiệp ước về cơ bản đã không tồn tại sau quyết định của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Nguồn: [Link nguồn]
Xung đột Nga – Ukraine là “chủ đề nóng” trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Donald Trump.