Ông Putin nói gì về thời hạn chấm dứt chiến sự tại Ukraine?
Trong cuộc họp báo tại Turkmenistan ngày 29/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không thay đổi mục tiêu trong chiến sự tại Ukraine.
“Không có gì thay đổi”, ông Putin nhấn mạnh đồng thời tái khẳng định mục tiêu cuối cùng của chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine nhằm “giải phóng Donbass, bảo vệ người dân tại đây và tạo điều kiện đảm bảo an toàn của Nga”.
Tổng thống Putin cho biết dù mục tiêu của chiến dịch quân sự không đổi nhưng những chiến thuật được áp dụng để đạt được các mục tiêu này có thể thay đổi dựa trên những gì quân đội Nga coi là phù hợp. Đồng thời, ông Putin khẳng định chiến dịch quân sự của Nga đang diễn ra theo đúng kế hoạch.
“Tôi không nói về hạn chót. Tôi không bao giờ nói như vậy bởi vì đây là cuộc sống, là thực tế. Việc ra hạn chót là sai lầm, bởi nó còn phụ thuộc vào cường độ chiến sự, mà cường độ thì lại liên quan trực tiếp tới khả năng thương vong. Và chúng tôi trước tiên và trên hết cần phải nghĩ về việc bảo toàn mạng sống cho các binh sĩ của mình”, Tổng thống Nga nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh - Điện Kremlin
Bình luận về phát biểu của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg về việc liên minh đã chuẩn bị cho khả năng xung đột với Nga từ năm 2014, ông Putin cho rằng đây không phải là thông tin mới. Theo ông Putin, từ lâu, Mỹ đã tìm kiếm đối thủ bên ngoài để có thể tập hợp đồng minh xung quanh Washington và Nga phù hợp với vị trí đó hơn Iran.
Trước đó, ngày 29/6 ông Stoltenberg cho biết NATO đã gia tăng chi tiêu quân sự và tăng số binh sĩ triển khai tại Đông Âu từ năm 2014 để phòng ngừa xảy ra xung đột với Nga.
‘Sự thực là chúng tôi đã chuẩn bị cho điều này từ 2014. Đó là lý do chúng tôi gia tăng sự hiện diện tại khu vực phía đông của liên minh, lý do các đồng minh NATO bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng và tại sao chúng tôi tăng cường mức độ sẵn sàng”, ông Stoltenberg nói.
Theo số liệu của NATO, các thành viên châu Âu của liên minh và Canada đã tăng chi tiêu quân sự thêm 1,2%-5,9% mỗi năm từ 2014. Tuy nhiên, hiện chỉ có 10 trong số 30 thành viên của NATO đạt là mức chi tiêu cho quốc phòng tương đương 2% GDP.
Mức gia tăng chi tiêu dễ thấy nhất là tại Đông Âu và các nước Baltic, với Ba Lan, Litva, Estonia, Latvia, Cộng hòa Séc, Slovakia và Romania lần đầu tiên đạt mức chi 2% GDP cho quốc phòng trong năm 2022.
Ngoài ra, cũng trong ngày 29/6, các thành viên NATO đạt đồng thuận về Khái niệm Chiến lược mới, coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất” với liên minh.
Nguồn: [Link nguồn]
Phát biểu trong chuyến thăm Turkmenistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời câu hỏi về một số bình luận gây chú ý gần đây của Thủ tướng Anh Boris Johnson.