Ông Putin ký sắc lệnh về trả đũa các nước 'không thân thiện'
Các cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự, văn phòng đại diện của các cơ quan, tổ chức nước ngoài "không thân thiện" sẽ bị hạn chế hoặc cấm thuê mướn nhân viên người Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 23-4 đã ký sắc lệnh về việc trả đũa các hành vi không thân thiện của các thực thể nước ngoài đối với Nga, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Theo thông báo của Điện Kremlin, ông Putin đã ký sắc lệnh liên quan tới các "phái đoàn ngoại giao và cơ quan lãnh sự, văn phòng đại diện của cơ quan hoặc tổ chức nước ngoài" có hành vi chống lại nhà nước, cá nhân hoặc tổ chức của Nga, gọi chung là "các nước ngoài không thân thiện".
Theo đó, "các nước ngoài không thân thiện" sẽ bị hạn chế - hoặc nếu trong trường hợp nhất định sẽ bị cấm - thuê mướn, sử dụng người lao động là công dân Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS
Chính phủ Nga được giao nhiệm vụ định ra số lượng nhân viên người Nga mà các cơ quan, văn phòng đại diện của nước ngoài có thể thuê mướn tại Nga.
Sắc lệnh nêu rõ số nhân viên trong các cơ quan, văn phòng đại diện nước ngoài vượt quá số lượng quy định của chính quyền Moscow, dù đã có hợp đồng trước khi sắc lệnh được ký ban hành, sẽ phải bị chấm dứt hợp đồng. Sắc lệnh này không ảnh hưởng tới các nhân viên ngoại giao, lãnh sự hay công dân của nước đặt văn phòng đại diện tại Nga.
Chính phủ Nga còn có nhiệm vụ lập một danh sách "các nước ngoài không thân thiện" và giám sát việc thực hiện lệnh hạn chế hay lệnh cấm, cũng như đảm bảo quyền lợi của công dân Nga bị cơ quan, văn phòng đại diện nước ngoài chấm dứt hợp đồng lao động do sắc lệnh này.
Sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày được công bố chính thức, tức ngày 23-4, và được thực thi cho tới khi các biện pháp đáp trả này được hủy bỏ.
Điện Kremlin lưu ý rằng sắc lệnh này phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật Nga, bao gồm một đạo luật liên bang về "biện pháp đáp trả các hành vi không thân thiện của Mỹ và các nước khác".
Sắc lệnh của Nga được ban hành giữa lúc Moscow đang đối mặt với nhiều làn sóng trục xuất nhân viên ngoại giao Nga.
Đức, Ba Lan và Thụy Điển trục xuất ba nhân viên ngoại giao Nga để đáp trả việc Moscow trục xuất ba nhà ngoại giao châu Âu vì liên quan tới biểu tình đòi thả nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny.
Mỹ trục xuất 10 nhân viên ngoại giao Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử và tấn công mạng.
Ukraine trục xuất "một nhà ngoại giao cấp cao" của Nga sau khi Nga tạm giữ và trục xuất một tổng lãnh sự quán Ukraine vì cáo buộc gián điệp.
Mới đây nhất, Cộng hòa Czech trục xuất 18 nhân viên ngoại giao Nga vì cáo buộc mật vụ Nga dính líu tới hai vụ nổ kho đạn dược ở quốc gia Trung Âu này. Vì "sự đoàn kết với Cộng hòa Czech", Slovakia, Lithuania, Latvia và Estonia đã trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga.
Các động thái này kéo theo một loạt biện pháp trả đũa "có qua có lại" giữa Nga và các quốc gia trên, khiến quan hệ giữa Moscow và phương Tây càng thêm căng thẳng.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói sẵn sàng thảo luận về quan hệ song phương với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.