Ông Putin đồng ý rút lực lượng Nga khỏi Armenia

Nga quyết định rút một phần lực lượng quân sự khỏi nước đồng minh Armenia trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước ngày càng lạnh nhạt.

Ông Putin phát biểu trong lễ duyệt binh hôm 9/5 ở Moscow (ảnh: TASS)

Ông Putin phát biểu trong lễ duyệt binh hôm 9/5 ở Moscow (ảnh: TASS)

Hôm 9/5, hãng thông tấn Interfax (Nga) đưa tin, Tổng thống Putin đồng ý rút lực lượng Nga và lính biên phòng khỏi nhiều khu vực khác nhau ở Armenia, theo yêu cầu của Yerevan.

Theo Interfax, Armenia đã yêu cầu lực lượng biên phòng Nga rút khỏi sân bay Yerevan của nước này, bắt đầu từ ngày 1/8.

Người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – cho biết, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đạt được thỏa thuận về việc Nga rút quân.

“Mùa thu năm 2020, theo đề nghị của Yerevan, quân đội và lực lượng biên phòng của chúng tôi được triển khai tới một số khu vực của Armenia. Hiện nay, do tình hình thay đổi, Armenia không còn nhu cầu (hỗ trợ) nữa. Vì vậy, Tổng thống Putin đã đồng ý với đề nghị rút quân”, ông Peskov nói hôm 8/5.

Tuy nhiên, theo đề nghị của Yerevan, lực lượng biên phòng Nga vẫn đóng tại biên giới Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, ông Peskov cho biết thêm.

Hãng tin Sputnik Armenia cho hay, ông Putin và ông Pashinyan đã nhất trí rằng, các lực lượng của Nga sẽ rút khỏi 5 khu vực ở Armenia.

Trước đó, hồi giữa tháng 4, Nga thông báo rút 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình khỏi Nagorno-Karabakh, vùng lãnh thổ mà Azerbaijan giành quyền kiểm soát từ lực lượng ly khai thân Armenia vào tháng 9 năm ngoái.

Sau chiến thắng của Azerbaijan, quan hệ giữa Nga và Armenia trở nên căng thẳng. Armenia cho rằng Nga chưa hành động đủ mạnh mẽ để hỗ trợ đồng minh, theo Reuters.

Ngày 23/2, Armenia thông báo đình chỉ tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu.

Hôm 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Armenia – bà Ani Badalyan – cho biết, Armenia sẽ hạn chế tài trợ cho các hoạt động của CSTO trong năm 2024.

“Armenia sẽ không tham gia nghị quyết của CSTO ngày 23/11/2023 về vấn đề ngân sách cho năm 2024 và dừng tài trợ cho các hoạt động của khối. Tuy nhiên, chúng tôi không phản đối việc thông qua nghị quyết này”, bà Ani Badalyan nói.

Dẫn lời một nguồn tin từ CSTO (giấu tên), TASS hôm 8/5 đưa tin, CSTO đã biết về quyết định ngừng tài trợ của Armenia, nhưng vẫn coi nước này là thành viên.

“Đây không phải tin tức mới. Chúng tôi đã biết về điều đó. Nhưng Armenia vẫn là một thành viên của CSTO”, nguồn tin cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Armenia đồng ý trả lại một số ngôi làng cho Azerbaijan - diễn biến được 2 bên mô tả là "cột mốc quan trọng" trong tiến trình thiết lập hòa bình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Quốc – Interfax, TASS ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN