Ông Putin đặt "hạn chót" buộc phương Tây phải mua khí đốt Nga bằng đồng rúp
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, nếu đến thời hạn này mà các quốc gia “không thân thiện” vẫn từ chối thanh toán bằng đồng rúp, họ sẽ bị Nga ngừng cung cấp khí đốt.
Tuyên bố buộc phương Tây chuyển sang mua khí đốt Nga bằng đồng rúp của ông Putin được cho là nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow (ảnh: RT)
RT hôm 28.3 đưa tin, Tổng thống Nga Putin đã ấn định thời điểm phương Tây phải chuyển sang dùng đồng rúp để mua khí đốt từ nước này là ngày 31.3.
Ông Putin đã ủy quyền cho chính phủ, ngân hàng trung ương và ngân hàng Gazprombank thực hiện các bước cần thiết để buộc “các nước không thân thiện” chuyển tất cả thanh toán đối với khí đốt của Nga sang đồng rúp, Điện Kremlin thông báo.
“Biện pháp này áp dụng với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác đã áp đặt biện pháp trừng phạt chính phủ, công dân Nga”, thông báo trên trang web chính thức của Điện Kremlin cho hay.
Trước đó, hôm 23.3, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố sẽ tìm cách buộc những nước “không thân thiện” phải mua khí đốt Nga bằng đồng rúp.
Nga hiện cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ của châu Âu. Theo một số chuyên gia, việc Nga buộc nhiều nước thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng rúp có thể khiến thương mại châu Âu trở nên hỗn loạn. Động thái của Nga được đưa ra khi nước này rơi vào tình trạng thiếu USD do các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.
Trong một diễn biến khác, nhằm tăng cường quan hệ thương mại với Nga mà không vấp phải rào cản bởi đồng USD, Ấn Độ hôm 28.3 tuyên bố đang tìm cách để thanh toán các hợp đồng với Nga bằng đồng rupee.
“Thỏa thuận này sẽ cho phép Ấn Độ và Nga giao dịch mà không phụ thuộc vào đồng USD”, A Sakthivel – Chủ tịch Liên đoàn các công ty xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) – nói với CNBC.
Theo ông Sakthivel, Ấn Độ có thể hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Nga. Các nhà xuất khẩu và đầu tư của Ấn Độ được cho là đang có cơ hội tiếp cận thị trường Nga khi nhiều doanh nghiệp phương Tây rút khỏi. Việc thanh toán bằng đồng rupee cũng cho phép Ấn Độ tiếp tục nhập khẩu nhiên liệu và hàng hóa Nga.
Năm 2021, Ấn Độ đã nhập khẩu hơn 6,9 tỷ USD hàng hóa Nga, bao gồm vũ khí khí, thiết bị quân sự, nhiên liệu, phân bón, kim cương…
Hôm 14.3, Ấn Độ đã ký hợp đồng mới để mua 3 triệu thùng dầu của Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Mặc dù cố gắng giữ thái độ trung lập, nhưng trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, châu Phi có thể phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất.