Ông Putin cảnh báo Mỹ
Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Nga sẽ hành động nếu Mỹ triển khai các tên lửa tầm xa tới lãnh thổ Đức.
Ông Putin dự lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga (ảnh: Reuters)
Hôm 28/7, phát biểu trước các thủy thủ Nga và nhiều quan chức đến từ Trung Quốc, Algeria và Ấn Độ trong Ngày Hải quân ở thành phố St. Petersburg, ông Putin cho biết, Nga có thể tái sản xuất vũ khí hạt nhân tầm trung và tầm ngắn, nếu Mỹ triển khai tên lửa tới Đức.
Hồi đầu tháng 7, Mỹ và Đức ra tuyên bố chung cho biết, Mỹ sẽ đưa các loại vũ khí tầm xa tới Đức từ năm 2026, bao gồm tên lửa SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và một số vũ khí siêu vượt âm đang được phát triển.
Những tên lửa này đều có tầm bắn trên 500km và từng bị cấm phát triển theo Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) mà Mỹ từng ký với Liên Xô vào năm 1988.
Trong bài phát biểu hôm 28/7, ông Putin gọi động thái nêu trên của Mỹ là “đáng chú ý” và có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tên lửa kiểu Chiến tranh Lạnh.
Theo ông Putin, việc Mỹ triển khai các loại tên lửa như SM-6, Tomahawk tới Đức có thể đe dọa “nhiều cơ sở chính quyền và quân sự quan trọng của Nga”.
“Thời gian bay của các loại tên lửa như vậy, trong tương lai có thể trang bị đầu đạn hạt nhân, tới lãnh thổ của chúng tôi là khoảng 10 phút”, ông Putin nói.
“Tình hình này gợi nhớ đến các sự kiện trong Chiến tranh Lạnh, liên quan đến việc triển khai tên lửa tầm trung Pershing của Mỹ ở châu Âu”, ông Putin nói.
Theo Tổng thống Nga, mặc dù Moscow từ lâu đã không còn duy trì tâm lý Chiến tranh Lạnh, nhưng Mỹ “không làm vậy”.
Ông Putin nhấn mạnh, nếu Mỹ đưa tên lửa tới Đức, Nga sẽ đáp trả tương xứng.
“Nếu Mỹ quyết thực hiện kế hoạch, chúng tôi cần tự cởi trói bản thân khỏi cam kết đơn phương mà chúng tôi từng đặt ra về khả năng triển khai vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn”, ông Putin nói.
Ông Putin cho biết, Nga đang trong giai đoạn cuối của quá trình “phát triển nhiều hệ thống vũ khí tầm trung”.
“Chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng trong việc triển khai các vũ khí đó, khi xét đến hành động của Mỹ cũng như các vệ tinh của họ ở châu Âu và trên thế giới”, ông Putin nói.
Tàu chiến Nga tham gia duyệt binh (ảnh: RT)
Năm 1983, Mỹ triển khai 108 tên lửa Pershing II tới Tây Đức trong tư thế sẵn sàng đối đầu với Liên Xô. Với độ chính xác cao, tên lửa Pershing II được cho là có thể ngăn chặn khả năng triển khai tên lửa răn đe hạt nhân của Liên Xô.
Trước đó, ở châu Âu, Liên Xô cũng bố trí một số tên lửa đạn đạo tầm trung RSD-10, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Pershing II và RSD-10 trở thành chủ đề “nóng” trong các cuộc đàm phán Mỹ - Liên Xô suốt những năm 1980.
Nhận ra không bên nào có thể chiến thắng đối phương trong một cuộc đối đầu hạt nhân, Mỹ và Liên Xô buộc phải nhượng bộ lẫn nhau bằng Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký vào năm 1988. Theo đó, Mỹ và Liên Xô ngừng sử dụng tên lửa Pershing II và RSD-10, cũng như cắt giảm vũ khí tầm trung.
Năm 2019, chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi INF sau khi cáo buộc Nga phát triển tên lửa 9M729 có tầm bay khoảng 5.000 km. Nga phủ nhận cáo buộc và khẳng định loại tên lửa này chỉ có tầm bắn 480 km.
Nga sau đó cũng tuyên bố rút khỏi INF nhưng vẫn tôn trọng tinh thần của hiệp ước này.
Quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch bí mật nhằm “hạ thấp uy tín” của vắc xin Trung Quốc trên khắp châu Á và Trung Đông.
Nguồn: [Link nguồn]