Ông Lý Cường - ứng viên sáng giá cho ghế Thủ tướng Trung Quốc là ai?

Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, mọi ánh mắt đổ dồn vào nhân vật có thể là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí Thủ tướng.

Mọi dự đoán dồn về Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), khoảnh khắc ông Lý Cường – Bí thư Thành Ủy Thượng Hải đi ngay sau Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bước ra Đại Lễ Đường Nhân dân khi tên của các thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị được công bố tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa XX.

Và khi Hãng thông tấn Trung ương Trung Quốc - Tân Hoa Xã công bố danh sách thứ tự 7 thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, tên ông Lý Cường, 63 tuổi được xếp ngay sau tên của Chủ tịch, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đó là lúc giới chuyên gia và các nhà quan sát cho rằng, có thể ông Lý được xếp ở vị trí thứ 2 trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX và có thể là lựa chọn để kế nhiệm ông Lý Khắc Cường trở thành Thủ tướng Trung Quốc.

Trước đó, mỗi khi dự đoán về ứng viên Thủ tướng Trung Quốc, cũng đã có nhiều chuyên gia nhắc tới tên Lý Cường.

Ông Lý sinh năm 1959, tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Thuở thiếu thời, ông từng làm việc tại một trạm thủy lợi ở địa phương sau đó chuyển đến làm việc cho nhà máy sản xuất dụng cụ.

Là một trong những công nhân được học hành tốt nhất, ông Lý đã tiếp tục theo học Trường Đại học Nông nghiệp Chiết Giang chuyên về cơ giới hóa nông nghiệp vào năm 1978. Công việc đầu tiên ông đảm nhiệm khi ra trường là văn thư trong Đoàn Thanh niên vào năm 1983. Trong vòng một năm, ông được thăng chức và phụ trách công tác thanh niên của quận.

ông Lý Cường – Bí thư Thành Ủy Thượng Hải đi ngay sau Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bước ra Đại Lễ Đường Nhân dân,

ông Lý Cường – Bí thư Thành Ủy Thượng Hải đi ngay sau Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bước ra Đại Lễ Đường Nhân dân,

Khi chuyển tới cơ quan dân chính Chiết Giang vào năm 1984, ông phụ trách về phúc lợi nông thôn trong 12 năm và chứng kiến sự thay đổi của tỉnh Chiết Giang khi chính sách cải cách, mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu có hiệu lực.

Sau một thời gian ngắn làm việc tại Sở thương mại của Chiết Giang, ông Lý Cường được bầu làm Bí thư Thành ủy Ôn Châu vào năm 2002. Khi ấy ông mới 43 tuổi, người trẻ nhất nhận vị trí này trong hơn ba thập kỷ.

Một doanh nhân người Ôn Châu nhiều lần gặp gỡ với ông Lý đánh giá ông là một vị Bí thư Thành ủy luôn ủng hộ doanh nghiệp với “đôi tai chịu lắng nghe” và tư duy thực tế. Sau này, trong giai đoạn 2003-2005, ông Lý Cường học thêm thạc sĩ tại Đại học Bách Khoa Hong Kong.

Các dấu mốc sự nghiệp đáng chú ý tiếp theo là tháng 1/2013 khi ông Lý Cường được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Chiết Giang, ba năm sau trở thành bí thư tỉnh ủy Giang Tô. Tháng 10/2017, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Tâm phúc của Chủ tịch Tập Cận Bình

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), nếu được chọn ở cương vị người đứng đầu Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Lý Cường sẽ là quan chức hàng đầu Quốc vụ viện giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện nhiệm vụ hồi phục nền kinh tế Trung Quốc vốn đang gặp nhiều thách thức vì các quy định phòng tránh dịch Covid-19 nghiêm ngặt, nhu cầu tiêu dùng yếu và căng thẳng với Mỹ cùng các nước phương Tây.

Ông Lý Cường không chỉ là người có kinh nghiệm phát triển và quản lý kinh tế vùng trong hàng thập kỷ mà quan trọng hơn cả, ông có được lòng tin rất lớn từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – tờ SCMP dẫn lời các nhà phân tích cho biết.

Ông Deng Yuwen – Cựu Phó Tổng Biên tập tờ Study Times (tờ báo chính thức của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc) cho biết: “Ông Lý Cường có quan hệ thân thiết với Chủ tịch Tập. Nếu trở thành Thủ tướng, ông Tập có thể mở thêm không gian, giao thêm quyền lực để quản lý kinh tế hơn cho ông Lý Cường”.

Mối quan hệ của ông Lý Cường và Chủ tịch Tập bắt đầu từ năm 2004 khi ông Tập là Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang còn ông Lý là trợ lý. Ông Lý đảm nhiệm vai trò này trong 3 năm cho đến khi ông Tập chuyển sang làm Bí thư Thượng Hải.

Trong những năm ở Chiết Giang, ông Lý đã tháp tùng Chủ tịch Tập trong hầu như tất cả các chuyến thị sát, chau chuốt lại tất cả các bài phát biểu của ông Tập bao gồm bài bình luận trên trang báo đảng của tỉnh. Bài viết này sau đó được đính kèm trong một cuốn sách và được các đảng viên lưu truyền, coi đây những chỉ dấu về tư tưởng của Chủ tịch Tập.

Ông Lý cũng góp sức hỗ trợ soạn thảo và trình bày định hướng chính sách của ông Tập tại tỉnh Chiết Giang với cách tiếp cận “chiến lược 2 lần 8” bao gồm 8 lợi thế của Chiết Giang và 8 hành động tương ứng.

Rất nhiều trong những chính sách này đã được phát triển thành “Tư tưởng Kinh tế Tập Cận Bình” – kim chỉ nam để xác định đường lối chính sách kinh tế đất nước của Đảng cầm quyền Trung Quốc.

Ông Qiao Yide, Phó Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Thượng Hải đánh giá ông Lý không chỉ đóng vai trò là một người thực thi mà trong 5 năm qua bản thân ông có nhiều sáng kiến táo bạo để cải thiện kinh tế như hạ thấp ngưỡng cho phép người nước ngoài được cấp phép cư trú tại Thượng Hải và tạo ra 5 thị trấn mới để giảm tình trạng thiếu hụt nguồn cung đất đai.

Khi ông Lý “nối gót” Chủ tịch Tập, trở thành Bí thư Thành ủy Thượng Hải vào năm 2017, không giống người tiền nhiệm Han Zheng (vốn đi lên từ nhiều chức vụ ở địa phương) ông Lý là người từ nơi khác về Thượng Hải. Song chỉ trong thời gian ngắn, ông nhanh chóng giành được sự ủng hộ của các quan chức chính quyền thành phố với lối làm việc thực tế, nói là làm. Nhiều quan chức Thượng Hải còn mô tả ông là người cởi mở, cấp tiến.

Trong một cuộc họp năm 2019, ông Lý từng phát biểu chỉ đạo, đề nghị giới chức địa phương phải thay đổi thái độ, văn hóa và phong cách làm việc để có thể thu hút các công ty nước ngoài chuyển trụ sở tới Thượng Hải. Cuộc họp đó diễn ra vào đúng thời điểm Hong Kong đang rúng động vì bất ổn xã hội và Thượng Hải cạnh tranh với Singapore để thu hút các công ty nước ngoài từ Hong Kong chuyển sang.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, theo chuyên gia y tế cấp cao của Thượng Hải (giấu tên), ông Lý cũng đạt được những thành tựu nhất định. Trước khi biến chủng Omicron dễ lây lan xuất hiện, trong suốt năm 2020 - 2021, thành phố Thượng Hải đã cân bằng rất tốt giữa kiểm soát virus và phát triển kinh tế.

Sau này, khi biến chủng Omicron siêu lây nhiễm bùng phát, ông Lý cùng giới chức địa phương có thể đã lưỡng lự khá lâu trước khi chính thức công bố lệnh phong tỏa nên phần nào nhỡ mất cơ hội để ngăn chặn sớm virus. Theo chuyên gia y tế trên, tại thời điểm đó, ít người hiểu rõ về phương thức lây nhiễm của Omicron và giới chức Thượng Hải lo ngại nếu phản ứng thái quá sẽ dẫn tới cái giá rất đắt về kinh tế.

Có tư tưởng hướng tới sáng tạo, công nghệ hiện đại

Một yếu tố quan trọng ở ông Lý rất phù hợp với đường lối của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đó là tập trung vào sáng tạo, công nghệ hiện đại. Đây là những động lực kinh tế được ông Tập nêu ra trong báo cáo tại Đại hội đảng lần thứ XX.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, một Giám đốc điều hành về công nghệ rất ca ngợi thành tựu của ông Lý Cường với ngành công nghiệp bán dẫn của Thượng Hải. Trong thời gian ông làm Bí thư, năm 2021, giá trị ngành công nghiệp bán dẫn tại Thượng Hải chiếm ¼ của toàn Trung Quốc.

Vị Giám đốc này cho rằng, Bí thư Thượng Hải đã vận dụng tốt kiến thức khi theo học thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Hong Kong cùng những kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Bí thư thành ủy Thượng Hải Lý Cường thăm nhà máy Gigafactory, gặp Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk.

Bí thư thành ủy Thượng Hải Lý Cường thăm nhà máy Gigafactory, gặp Giám đốc điều hành Tesla - Elon Musk.

Một giám đốc điều hành khác kể lại, ông Lý từng tới thăm các công ty công nghệ như iQIYI và miHoYo hồi đầu tháng 6, ngay sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, chân thành hỏi han doanh nghiệp có cần bất cứ hỗ trợ gì để vượt qua đại dịch hay không, đồng thời khuyến khích các đơn vị này tập trung vào tự phát triển công nghệ và các dự án của mình.

Trong thời gian ông Lý làm Bí thư, Thượng Hải cũng đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài khổng lồ, trong đó nổi bật là khoản đầu tư nhà máy Gigafactory trị giá 50 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 7 tỉ USD) của hãng xe điện Tesla.

Một quan chức Thượng Hải từng tương tác trực tiếp với ông Lý đã rất ấn tượng với cách ông thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp cao. “Chúng tôi rất ấn tượng về phong cách làm việc không cầu kỳ của ông Lý. Ông thường xuyên đi thị sát để đốc thúc công việc, luôn ủng hộ các doanh nghiệp và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cửa tiếp cận thị trường” – quan chức này nói.

Ông Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng Bí thư Trung Quốc và chân dung 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị

Ngày 23/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX họp phiên đầu tiên, bầu Bộ Chính trị gồm 25 thành viên và Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên. Ông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần (Theo SCMP) ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN