Ông Dmitry Medvedev: Tên lửa siêu thanh Oreshnik có thể làm thay đổi tiến trình xung đột Ukraine
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, trong cuộc phỏng vấn với Al Arabiya, nhận định rằng việc Mátxcơva sử dụng tên lửa Oreshnik sẽ làm thay đổi tiến trình của cuộc xung đột Ukraine.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. (Ảnh: Tass)
Theo ông Medvedev, bất kỳ kịch bản leo thang nào cũng có thể xảy ra ở Ukraine vì những gì phương Tây đang làm. "Họ cần hiểu rằng họ đang chiến đấu cùng phe với Ukraine. Họ không chỉ chiến đấu bằng cách cung cấp cho Ukraine vũ khí và tiền bạc. Mà họ còn tham gia trực tiếp vào các hoạt động quân sự, vì họ giúp xác định các mục tiêu ở Nga và chỉ đường cho tên lửa do Mỹ và châu Âu sản xuất, hiện đang được sử dụng bởi quân đội Ukraine. Họ đang chiến đấu chống lại Nga. Vì vậy, không thể loại trừ bất cứ kịch bản nào", ông Medvedev nói.
Trong khi đó, ông Sergey Karakayev - chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược Nga - cho biết ngoài Ukraine, hệ thống tên lửa Oreshnik còn có khả năng tấn công các mục tiêu trên toàn châu Âu
"Hệ thống tên lửa siêu thanh này có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào với hiệu suất cao, từ mục tiêu biệt lập đến mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt. Với phạm vi hoạt động rộng lớn, nó có thể tấn công các mục tiêu trên toàn châu Âu, điều này khiến nó trở nên khác biệt so với các vũ khí tầm xa có độ chính xác cao khác", ông Karakayev tuyên bố trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng hàng đầu của Nga, giám đốc điều hành các công ty quốc phòng và các nhà phát triển vũ khí.
Cũng tại cuộc họp này, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận, rằng một số hệ thống Oreshnik hiện đang được thử nghiệm tại Nga và quyết định bắt đầu sản xuất hàng loạt đã được đưa ra. Các hệ thống Oreshnik sẽ được chuyển giao cho Lực lượng Tên lửa chiến lược của Nga trong những tháng tới.
"Như các bạn đã biết, chưa quốc gia nào trên thế giới có loại vũ khí như vậy", ông Putin nói. “Các quốc gia khác đang nghiên cứu phát triển vũ khí tương tự, nhưng họ sẽ không có hệ thống này trong ít nhất một hoặc hai năm nữa. Và chúng ta đã có nó ngày hôm nay. Đây là một lợi thế quan trọng".
Ông Putin cũng nhấn mạnh đến khả năng tiên tiến của tên lửa, tuyên bố rằng hiện tại không có đối thủ nào về mặt biện pháp đối phó hoặc đánh chặn. “Không có phương tiện nào có thể chống lại hoặc đánh chặn một tên lửa như vậy trên thế giới ngày nay,” ông tuyên bố.
Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine thông báo sẽ tổ chức họp khẩn vào ngày 26/11, sau vụ Nga phóng tên lửa Oreshnik nhằm vào một cơ sở quốc phòng của Ukraine tại Dnepropetrovsk.
(NLĐO) - Một cựu sĩ quan Lục quân Mỹ cho rằng việc Nga tấn công Ukraine bằng tên lửa siêu vượt âm đã gửi “một thông điệp mạnh mẽ” tới Mỹ và chính...
Nguồn: [Link nguồn]