Ông chủ đích thực của phe cực hữu Đức
Bjorn Hocke, một cựu giáo viên lịch sử, là chính trị gia cực hữu thành công nhất của Đức kể từ Thế chiến 2. Không giống những nhân vật khác trên chính trường Đức, ông Hocke thực hiện một chiến thuật khác. Trong các bài phát biểu của mình, ông chỉ trích mạnh mẽ những người nhập cư, người Hồi giáo, các quan chức Liên minh châu Âu.
Với những người chỉ trích ông, Hocke là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền dân chủ hậu chiến của Đức.
Một người cực đoan cánh hữu
Hơn bất kỳ người nào khác, ông chịu trách nhiệm cho sự biến đổi của đảng Alternative fur Deutschland (AfD) từ một phong trào hoài nghi châu Âu, tự do về kinh tế thành một đảng bản địa, bài Hồi giáo, phủ nhận biến đổi khí hậu. Năm 2020, Thomas Haldenwang - người đứng đầu cơ quan tình báo trong nước của Đức - được hỏi liệu Bjorn Hocke có phải là “một người cực đoan cánh hữu” hay không. Ông này đã trả lời: “Bjorn Hocke là một người cực đoan cánh hữu”.
Ông Bjorn Hocke trong một cuộc vận động bầu cử cho đảng AfD tại tiểu bang Thuringia.
Tháng 4/2013, ngay sau khi đảng AfD được thành lập, Hocke đã thành lập chi nhánh Thuringia của đảng và nhanh chóng định vị mình là người đứng đầu một liên minh lỏng lẻo được gọi là The Wing. Tự phong là “phong trào kháng cự chống lại sự xói mòn bản sắc Đức”, The Wing đã tận dụng số lượng đảng viên để đẩy AfD đi xa hơn về phía hữu. Nhiều thành viên cũng có vẻ háo hức hạ thấp quá khứ Đức Quốc xã của Đức. Các nhà lãnh đạo AfD khi đó coi chủ nghĩa cấp tiến của Hocke là một gánh nặng; tuy nhiên, những nhà lãnh đạo đó đều đã rời khỏi đảng để phản đối Hocke.
Vài tháng sau, đảng AfD đã giành được gần 1/4 số phiếu bầu ở Thuringia, vượt qua đảng CDU và gần gấp 3 lần số phiếu của đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Hocke đã đưa đảng AfD đến gần hơn với quyền lực thực sự hơn bất kỳ nơi nào khác trên cả nước.
5 năm sau, những tiếng nói chỉ trích Hocke trong AfD từng phổ biến trên các phương tiện truyền thông Đức đã tan biến. Vài tháng sau hội nghị đảng năm 2022, nơi Hocke đã làm bẽ mặt những người đồng lãnh đạo đảng, Tino Chrupalla và Alice Weidel, bằng cách tài trợ cho một nghị quyết giải tán EU, Der Spiegel tuyên bố ông là “ông chủ thực sự” của AfD. Dưới ảnh hưởng của Hocke, đảng này thường xuyên được thăm dò là đảng được ưa chuộng thứ hai của nước Đức, vượt xa các đảng phái trong liên minh trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz. AfD đã giành được một chính quyền quận ở Thuringia và một chính quyền thành phố ở vùng lân cận Saxony. Ngày 1/9/2024, cuộc bầu cử ở hai tiểu bang này và sau đó trong tháng tại Brandenburg, cũng ở phía Đông, có thể đưa AfD trở thành đảng lớn nhất trong một hoặc nhiều cơ quan lập pháp tiểu bang.
Sinh ra và lớn lên ở Tây Đức nhưng ông Hocke đã xây dựng căn cứ của mình tại Đông Đức. Thành công của ông đến từ khả năng diễn đạt nỗi thất vọng và lo lắng của nhiều người dân trong một khu vực mà niềm tin vào các thể chế đã bị lung lay do mất việc làm và lương hưu, sự sụp đổ của một hệ thống tư tưởng từng được mô tả là không thể chối cãi và sự phân biệt đối xử được nhận thức từ một phương Tây kiêu ngạo. Trên hết, Hocke đã chuyển những sự phẫn nộ này sang những người di cư và người xin tị nạn, những người mà ông mô tả là “những kẻ ăn nhờ ở đậu đang hút hết tiền của người nộp thuế”. Nhưng, thật trớ trêu, bàn thân ông lại sinh ra trong một gia đình tị nạn.
Trước khi Đức Quốc xã bị đánh bại, biên giới của Đức trải dài về phía Đông đến tận Litva hiện nay. Trong những biến động cuối cùng của cuộc chiến, Hồng quân Liên Xô đã trục xuất hàng triệu người Đức khỏi các tỉnh phía Đông của đất nước, những nơi này đã sớm trở thành một phần của Ba Lan. Việc hòa nhập những người Vertriebene, hay “người bị trục xuất”, là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất của nước Đức sau chiến tranh. Họ phải vật lộn để tìm nhà ở tại các thành phố bị đánh bom. Thức ăn và công việc luôn khan hiếm. Phương ngữ của họ, mặc dù dễ hiểu, lại có vẻ kỳ lạ đối với người Tây Đức.
Ông Bjorn Hocke và kiểu chào tân phát xít.
Sau khi học lịch sử và thể thao tại trường đại học, Hocke nhận công việc giảng dạy tại trường Martin Buber ở một thị trấn nhỏ phía Nam Frankfurt. Tọa lạc tại nơi mà ông gọi là “tòa nhà bê tông xấu xí”, ngôi trường được đặt theo tên của nhà triết học và nhà thần học Do Thái này không phải lúc nào cũng có danh tiếng tốt.
Hocke bắt đầu công việc của mình vào năm 2001, khi phe cực hữu vẫn còn ở ngoài rìa chính trị. Ở tuổi 29, với mái tóc vàng và vóc dáng lực lưỡng, ông tạo nên sự tương phản mạnh mẽ với những đồng nghiệp lớn tuổi hơn. Nhưng, các sinh viên sớm phát hiện ra một nét bảo thủ. “Các sinh viên - nhiều người có xuất thân là người di cư - không tiếp thu được những mối quan tâm về giáo dục của tôi, bao gồm cả việc truyền tải các truyền thống văn hóa của Đức và châu Âu”, ông nói trong cuốn sách “Never Twice in the Same River” của mình, được xuất bản dưới dạng một cuộc phỏng vấn với nhà báo cánh hữu Sebastian Hennig. Mặc dù ông nói rằng vẫn giữ mối quan hệ tốt với hầu hết sinh viên “bất kể xuất thân xã hội hay dân tộc của họ”, ông nhìn một cách hoài nghi những người đồng nghiệp “mơ về một xã hội đa văn hóa và hát bài ca cao cả về cái gọi là “sự đa dạng””.
Năm 2008, khi 36 tuổi, ông chuyển đến Bornhagen, một thị trấn ở Thuringia. Thời điểm đó, ông đang giảng dạy tại một trường học cách đó 20 phút lái xe, qua biên giới Đông-Tây cũ, ở tiểu bang Hesse miền trung. Quãng đường đi làm của ông đi qua một trong những nơi chia rẽ sâu sắc nhất trong xã hội Đức: Thuringia có tổng sản phẩm khu vực bình quân đầu người thấp thứ hai của Đức; Hesse có tổng sản phẩm khu vực bình quân đầu người cao thứ ba. Thành phố lớn nhất của bang Hesse là Frankfurt, được biết đến là một trung tâm tài chính, nơi đặt trụ sở Bundesbank của Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu. Ngược lại, Thuringia sớm được biết đến với tổ chức ngầm Quốc xã, một nhóm khủng bố đã sát hại 9 người nhập cư và 1 cảnh sát trong nửa đầu thập kỷ.
Trong những năm trước khi chuyển đến Thuringia, hầu như không có hồ sơ công khai nào về quan điểm chính trị của Hocke, nhưng vào năm 2018, Die Zeit đã phát hiện bằng chứng thuyết phục rằng ông đã tiếp xúc với các nhóm cực hữu trong giai đoạn này. Tờ báo đưa tin rằng Hocke được Thorsten Heise, một nhà hoạt động trong đảng Dân chủ Quốc gia (NDP) tân Quốc xã, hỗ trợ trong quá trình chuyển đến Bornhagen. Những người hàng xóm nói với tờ báo rằng ông Heise thường xuyên đến thăm Hocke. Đáng lên án hơn, một đoạn video xuất hiện cho thấy Hocke đang hô vang khẩu hiệu trong một cuộc tuần hành tân Quốc xã ở Dresden vào ngày kỷ niệm vụ đánh bom thành phố năm 2010.
Nếu từng có thời điểm Hocke cần các kênh truyền thông ngầm để bày tỏ quan điểm của mình thì điều đó đã thay đổi vào năm 2013 với sự thành lập đảng AfD. Được thành lập để ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro, đảng này lấy tên theo lời khẳng định của cựu Thủ tướng Angela Merkel rằng “không có giải pháp thay thế” nào cho các gói cứu trợ cho Nam Âu. Hocke đã thành lập chi nhánh Thuringian của đảng và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang vào mùa thu năm 2014. Tháng 3 năm sau, ông đã trở nên nổi tiếng toàn quốc khi đồng tác giả “tuyên bố Erfurt”, lên án định hướng của AfD dưới thời người đồng sáng lập Bernd Lucke và đặt nền móng cho những gì sau này trở thành The Wing.
Hai lần bị trục xuất khỏi đảng
Tháng 5/2015, Lucke cố gắng trục xuất Hocke khỏi đảng sau khi Hocke nói với các nhà báo rằng ông không cho rằng mọi thành viên của NPD - đảng tân Quốc xã mà Heise tham gia - có thể được phân loại là cực đoan. Tuy nhiên, tại đại hội đảng vào tháng 7, Lucke đã bị loại để ủng hộ nhà lãnh đạo mới Frauke Petry, người theo đường lối cứng rắn, và các thủ tục tố tụng chống lại Hocke đã sớm bị hủy bỏ.
Tháng 11/2015, Hocke xuất hiện tại một sự kiện do một nhóm chuyên gia tư vấn do Gotz Kubitschek, một nhà xuất bản cánh hữu và trí thức nổi tiếng, tổ chức. Trong bài phát biểu của mình, Hocke đã phác thảo những gì ông gọi là “chiến lược sinh sản” khác nhau của người châu Phi và người châu Âu. Trong khi người châu Phi “nhắm đến việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể” và di cư đến các khu vực khác, thì người châu Âu làm ngược lại, sinh ít con hơn và tận dụng tối đa môi trường của họ. Sự va chạm của hai “chiến lược” này đòi hỏi một sự đánh giá lại cơ bản về định hướng của chính sách tị nạn và nhập cư của Đức. Hơn một năm sau đó, tại phòng khiêu vũ Watzke lịch sử của Dresden, ông đã có bài phát biểu khét tiếng nhất của mình. Ông bác bỏ chính sách tưởng nhớ Holocaust của Đức, gọi đó là “cơ chế đối phó ngu ngốc”, tuyên bố rằng người Đức sở hữu “tâm lý của một dân tộc đã hoàn toàn bị đánh bại”. Ông kêu gọi thay đổi 180 độ trong “chính trị tưởng nhớ”, ủng hộ cách tiếp cận “đưa chúng ta tiếp xúc với những thành tựu to lớn của những người đi trước”.
Bài phát biểu tại Dresden đã thúc đẩy một nỗ lực thứ hai nhằm loại Hocke khỏi AfD, lần này do đồng minh cũ của ông là Frauke Petry dẫn đầu. Petry gọi Hocke là “gánh nặng cho đảng”. Hội đồng liên bang của đảng tuyên bố rằng ông “có sự gần gũi quá mức với chủ nghĩa Quốc xã”. Bất chấp những lời chỉ trích gay gắt, Hocke một lần nữa thoát khỏi việc bị trục xuất. Tháng 5/2018, sau hơn một năm đấu tranh nội bộ trong đảng, Hội đồng trọng tài chi nhánh Thuringia của AfD đã bác bỏ yêu cầu của đảng liên bang về việc bắt đầu quá trình loại bỏ Hocke. Vào thời điểm đó, Petry, giống như Lucke trước đây, đã rời khỏi AfD.
Sự kiện này củng cố tiếng tăm của Hocke như là quyền lực thực sự đằng sau chi nhánh AfD ở Thuringia. Madeleine Henfling, một chính trị gia thuộc đảng Xanh và là Phó Chủ tịch Quốc hội vùng Thuringia, nói rằng Hocke dường như đang kiểm soát chặt chẽ chi nhánh địa phương của đảng mình. “Những người bất đồng chính kiến hoặc là nhanh chóng từ chức, hoặc là bị buộc phải rời đi”, bà nói. Bà chỉ ra một cuộc tranh chấp gần đây giữa Hocke và nhà lập pháp AfD địa phương - Karlheinz Frosch - về danh sách ứng cử viên cho các cuộc bầu cử cấp quận. Không hài lòng với Frosch, Hocke đã lập một danh sách riêng, được gọi là Alternative for the District, để chạy đua với ông ta. Frosch rời AfD ngay sau đó và phàn nàn rằng: “Đối với phe cực hữu cực đoan của đảng, Hocke giống như một bố già”.
Bernd Lucke, người đồng sáng lập đảng AfD.
Tháng 3/2020, vài tháng sau thành tích mạnh mẽ của AfD trong cuộc bầu cử tại tiểu bang Thuringia, cơ quan tình báo trong nước của Đức cho biết họ đang giám sát The Wing. Quyết định chưa từng có trong lịch sử hiện đại của đất nước này đã được chứng minh là hợp lý trong một báo cáo dài 436 trang, trong đó nhắc đến Hocke hơn 600 lần. Trong một thất bại khác của AfD, đại dịch COVID-19 ban đầu đã khiến người Đức tập hợp xung quanh Thủ tướng Merkel. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2021, AfD mất 11 ghế. Ông Olaf Scholz, đảng viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đã lãnh đạo liên minh trung tả với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do theo chủ nghĩa thị trường lên nắm quyền.
Nhưng, sự suy yếu này trong vận mệnh của AfD chỉ là tạm thời. Khi đại dịch kéo dài, liên minh của ông Scholz rơi vào tình trạng mâu thuẫn nội bộ và sự chấp thuận giảm mạnh đối với các chính sách từ việc lắp đặt máy bơm nhiệt thân thiện với khí hậu đến cách xử lý lạm phát và chiến tranh ở Ukraine. Tháng 9/2023, Thuringia lại trở thành tâm điểm chú ý khi CDU địa phương bỏ phiếu cùng với AfD, lần này là để giảm thuế tài sản. Đây không phải là lần đầu tiên trung hữu phá vỡ “bức tường lửa” - nguyên tắc mà không đảng chính thống nào có thể hợp pháp hóa cực hữu bằng cách hợp tác với họ. Nhưng, lần này, phản ứng tương đối nhẹ nhàng.
Lần đầu tiên, một đảng cực hữu tại Đức đã giành chiến thắng tại cuộc bầu cử cấp bang kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Chiến thắng của đảng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) trong cuộc bầu cử tại bang miền Đông Thuringen được đánh giá là “quả bom nổ chậm” đối với các đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz.
Nguồn: [Link nguồn]