Ông Biden nói không hỗ trợ Ukraine chiến đấu cơ F-16, quan chức Mỹ nói vẫn có thể
Nếu như theo đúng các kịch bản viện trợ vũ khí gần đây, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối gửi chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine có thể chỉ là tạm thời, các quan chức Mỹ nói trên tờ New York Times.
Mỹ vẫn có thể gửi tới Ukraine các chiến đấu cơ F-16, nhưng chưa phải là bây giờ.
Đối với Ukraine, Mỹ và các đồng minh NATO có một kịch bản viện trợ vũ khí đang lặp đi lặp lại. Đầu tiên, Kiev đề nghị các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí hiện đại. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói không, gợi ý các nước đồng minh NATO có thể gửi vũ khí.
Nhưng các nước thành viên châu Âu từ chối gửi loại vũ khí có thể khiến căng thẳng leo thang với Nga, trừ khi Mỹ gửi vũ khí trước. Và sau nhiều tháng cân nhắc, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe BIden bắt đầu cung cấp các vũ khí mà trước đó từng nói không, mở đường để các đồng minh làm điều tương tự.
Kịch bản này đã lặp đi lặp lại khi Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không Patriot, xe chiến đấu bộ binh, xe tăng chủ lực và trong tương lai rất có thể sẽ là chiến đấu cơ.
Đối với chiến đấu cơ F-16, ông Biden đã nói "không", nhưng các quan chức Mỹ giấu tên nói rằng, quan điểm này chỉ là tạm thời, New York Times cho biết.
Ở phía sau hậu trường, các quan chức Mỹ nói Washington vẫn đang để ngỏ khả năng, thậm chí tìm kiếm một sự đồng thuận để các đồng minh châu Âu gửi chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, theo New York Times.
Theo các quan chức Mỹ giấu tên, Đan Mạch và Hà Lan mới là hai quốc gia châu Âu có khả năng cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, không phải Ba Lan.
Hà Lan hiện sở hữu 40 chiếc F-16 và đang chuyển dần sang sử dụng tiêm kích tàng hình F-35 hiện đại hơn, nên việc cung cấp các chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine là hoàn toàn khả thi, các quan chức Mỹ nói với New York Times.
Vấn đề hiện tại không chỉ là các đồng minh chờ Mỹ bật đèn xanh mà Washington cũng cần cam kết cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine để thể hiện sự đoàn kết vững mạnh trong nội bộ liên minh.
"Nếu chúng tôi nói sẽ cung cấp cho Ukraine loại vũ khí này, các đồng minh sẽ đưa ra cam kết tương tự", Evelyn Farkas, quan chức Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói. “Các đồng minh phương Tây không muốn Nga trút cơn thịnh nộ vào một quốc gia cụ thể trong liên minh NATO".
Tháng trước, Anh cam kết cung cấp cho Ukraine 14 xe tăng chủ lực Challengers. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ để thuyết phục các đồng minh châu Âu nên sau đó Mỹ đã tuyên bố gửi tới Ukraine 31 xe tăng Abrams. Đến lúc này, Đức mới đồng ý chuyển các xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, giới chức Mỹ cho biết.
Trước mắt, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn để dành giải pháp cung cấp chiến đấu cơ cho tương lai, theo New York Times.
F-16 là một trong những chiến đấu cơ được chế tạo với số lượng lớn nhất trên thế giới, rất nhiều đồng minh của Mỹ sở hữu nên không khó để Ukraine vận hành và bảo trì, New York Times cho biết.
Mỹ muốn ưu tiên cung cấp các hệ thống phòng không trước, sau đó đến xe bọc thép và xe tăng, từ đó đánh giá mức độ tác chiến rồi mới cân nhắc đến chiến đấu cơ.
Ukraine đang muốn Mỹ sớm quyết định việc chuyển giao chiến đấu cơ F-16. Yurii Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine, tuần trước nói các phi công nước này "mất vài tuần" để học cách điều khiển chiến đấu cơ F-16, nhưng cần "6 tháng" để hoàn toàn thành thạo cách vận hành.
Ukraine ngày 1/2 cảnh báo Nga có thể chuẩn bị phát động một đợt tiến công mới với "căng thẳng leo thang ở mức tối đa".
Nguồn: [Link nguồn]