Ông Biden và ông Tập Cận Bình không còn là "bạn cũ" như 9 năm về trước
Sau khi ứng viên Joe Biden được các hãng truyền thông Mỹ xướng tên là Tổng thống đắc cử, nhà hàng Yaoji Chaogan ở Bắc Kinh lại trở thành tâm điểm chú ý.
Ông Biden từng xây dựng mối quan hệ thân thiện với "người bạn cũ" là ông Tập Cận Bình/
Đây là nhà hàng có tuổi đời hàng chục năm, phục vụ món ăn truyền thống tại một khu phố cổ ở thủ đô Trung Quốc. 9 năm trước, ông Biden, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama, đã đến ăn trưa tại nhà hàng này cùng cháu gái Naomi.
Ở thời điểm đó, ông Biden vừa có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Tập Cận Bình. Những hình ảnh ông Biden tươi cười được đăng tải trên khắp trang báo Trung Quốc vào ngày hôm sau, thể hiện sự ấm áp và thân thiện của một Phó Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm kéo dài 6 ngày đến Trung Quốc vào mùa hè năm 2011.
Trong chuyến thăm năm 2011, ông Biden có nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiện với ông Tập, người được dự báo sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào. Ở thời điểm đó, ông Tập có rất ít mối quan hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Ông Tập và ông Biden đã dành nhiều giờ trò chuyện và còn gặp nhau trong nhiều chuyến thăm cấp cao sau này. Ở Trung Quốc, khi nhắc đến mối quan hệ giữa ông Tập và ông Biden, người ta thường nói rằng đó là mối quan hệ của “hai người bạn cũ”.
Nhiều kênh truyền thông nước ngoài đặt câu hỏi về mối quan hệ Mỹ-Trung khi ông Biden lên nắm quyền. Nhưng còn một câu hỏi quan trọng hơn mà ít được chú ý, đó là ông Tập có quan điểm như thế nào?
“Ông Tập rõ ràng có thể cảm thấy thoải mái hơn. Ông ấy biết rất rõ về ông Biden”, nguồn tin trong chính phủ Trung Quốc nói trên tạp chí Nikkei của Nhật Bản. “Cả hai đã xây dựng mối quan hệ bạn bè từ cách đây 9 năm nên ông Tập hiểu rõ tính cách của ông Biden. Ít nhất thì ông Biden cũng không khó lường như ông Trump”.
Ông Biden tới dùng bữa tới nhà hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 2011.
Trong 6 ngày thăm Trung Quốc năm 2011, ông Biden ở lại Bắc Kinh 3 ngày, bao gồm ngày gặp gỡ ông Tập. Ông Biden sau đó đến thăm Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên và có bài phát biểu ở đây. Trong suốt chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ, ông Tập luôn là người đi cùng ông Biden.
Cả ông Tập và ông Biden còn nhiều lần trò chuyện, không chỉ ở Bắc Kinh mà còn ở Tứ Xuyên và cùng nhau dùng bữa. Dù có thể không phải là bạn thân, nhưng cả hai đã biết khá rõ về tính cách của nhau.
Trong chuyến thăm năm đó, ông Biden không quên gửi lời cảm ơn chân thành đến Trung Quốc.
Trong bài phát biểu tại Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô, ông Biden nói: "Tôi muốn giới thiệu với các bạn hai thành viên gia đình tháp tùng tôi trong chuyến đi này, con dâu tôi Kathleen Biden và cháu gái tôi Naomi Biden”.
"Sẽ thích hợp hơn nếu tôi nói Naomi dẫn tôi đến Trung Quốc, vì cô bé đã học tiếng Trung được 5 năm. Tôi đã lắng nghe cô bé rất nhiều trong chuyến đi này”, ông Biden nói thêm.
Ông Biden cũng nhắc đến một thành viên khác trong gia đình, người đã học tiếng Trung Quốc ở Đại học Havard, có một năm trau dồi ngoại ngữ ở Bắc Kinh và sau này làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ về quan hệ Mỹ-Trung.
Chuyến thăm của ông Biden được coi là đặt nền móng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm về sau.
Tháng 2.2012, nửa năm sau khi ông Biden thăm Trung Quốc, ông Tập cũng có chuyến thăm đến Mỹ. Ông Biden là người đưa ông Tập tới Nhà Trắng để gặp Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama. Cuộc gặp kéo dài trong 85 phút.
Ông Biden dùng bữa với ông Tập ở Thành Đô năm 2011.
Ông Biden sau đó dẫn ông Tập đến Los Angeles, thông báo ký thỏa thuận để mở đường cho các bộ phim Hollywood đổ bộ vào Trung Quốc.
Nhưng mối quan hệ thân thiện mà ông Biden xây dựng với ông Tập thay đổi kể từ khi ông Tập trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu ở Trung Quốc vào năm 2013.
Năm đó, ông Biden cũng đem theo một cô cháu gái đến Trung Quốc. Đó là Finnegan, em gái của Naomi. Nhưng cuộc gặp không diễn ra tốt đẹp như kỳ vọng vì Trung Quốc đơn phương áp đặt Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông.
6 tháng trước đó, tháng 6.2013, ông Tập có chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ với tư cách là Chủ tịch Trung Quốc. Tại một resort ở Palm Springs, bang California, ông Tập nói với ông Obama: “Thái Bình Dương có đủ không gian cho cả Trung Quốc và Mỹ”, gợi ý rằng hai quốc gia nên cùng hợp tác chia sẻ lợi ích và mối quan tâm ở Thái Bình Dương.
Đó cũng là giai đoạn đánh dấu mối quan hệ Mỹ-Trung đạt tới đỉnh. Bởi sau cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden vào cuối năm 2013, Mỹ đã ngừng sử dụng cụm từ “mối quan hệ giữa hai cường quốc”, khi nhắc đến Trung Quốc.
Ông Biden đã hi vọng ông Tập là một nhà lãnh đạo cởi mở, duy trì quan hệ thân thiện. Nhưng khi ông Tập tỏ ra cứng rắn, ông Biden cũng không còn cách nào khác là phải thay đổi lập trường.
Ông Obama gặp ông Tập ở Nhà Trắng vào tháng 2.2012.
Có thể nói, mối quan hệ Mỹ-Trung đã bắt đầu chuyển hướng trở nên căng thẳng hơn trong một thời gian dài, trước khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2016, thúc đẩy khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết”.
Ngày nay, Trung Quốc không hề che dấu tham vọng vươn ảnh hưởng ra toàn cầu, thay thế Mỹ trong vai trò là siêu cường. Chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden chắc chắn sẽ phải có kế hoạch đáp trả tương xứng, vì khoanh tay đứng nhìn sẽ không phải là lựa chọn thích hợp.
Khi ông Biden đến dùng bữa tại nhà hàng Yaoji Chaogan cách đây 9 năm, ông không gọi món hầm gan và nội tạng lợn nổi tiếng của nhà hàng vì không phù hợp với người Mỹ, dù được đánh giá rất ngon ở Trung Quốc.
Khi nhắc đến chính sách đối ngoại sắp tới với Trung Quốc, chắc chắn ông Biden cũng sẽ có phương án riêng. Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trong khu vực đang rất chờ đợi chính sách mới của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden.
_________
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Katsuji Nakazawa, đăng tải trên tạp chí Nikkei. Ông Nakazawa là phóng viên kỳ cựu của tạp chí Nhật, từng có 7 năm công tác ở Trung Quốc trước khi trở thành trưởng văn phòng đại diện của Nikkei ở Trung Quốc.
Ông Joe Biden – người vừa đắc cử Tổng thống Mỹ – hôm 12.11 có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide về...
Nguồn: [Link nguồn]