Ông Biden tiết lộ điều nói với ông Putin về "vũ khí hạt nhân ở Ukraine"

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Vũ khí hạt nhân “quay trở lại” Ukraine là một trong những mối lo ngại hàng đầu của Nga, ông Joe Biden – Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm – tiết lộ.

Ông Biden và ông Putin trong một cuộc gặp (ảnh: EPA)

Ông Biden và ông Putin trong một cuộc gặp (ảnh: EPA)

Trả lời trong cuộc phỏng vấn của MSNBC (kênh truyền hình Mỹ) hôm 17/1, ông Biden cho biết, Mỹ đã đảm bảo với Tổng thống Nga Putin rằng Ukraine sẽ không thể có được vũ khí hạt nhân.

“Vũ khí hạt nhân ở châu Âu khiến nhiều nước, kể cả Nga, lo ngại”, ông Biden nói.

Ông Biden cho biết, trong một cuộc thảo luận, ông Putin đã yêu cầu Mỹ không đưa vũ khí hạt nhân vào Ukraine và ngăn nước này gia nhập khối quân sự NATO.

“Tôi đã trả lời rằng, (vũ khí hạt nhân) không phải vấn đề. Chúng tôi đã đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi Ukraine. Không còn vũ khí hạt nhân nào ở đó nữa. Và chúng tôi cũng không đưa vũ khí hạt nhân quay trở lại”, ông Biden nói, không tiết lộ thời gian và địa điểm cuộc thảo luận với Tổng thống Nga.

“Những gì ông ấy (Putin) muốn là tái lập khối Warsaw. Tôi không thể để điều đó xảy ra”, ông Biden nói, đề cập đến khối quân sự từng là đối trọng với NATO, do Liên Xô dẫn đầu.

Về vấn đề Ukraine có thể gia nhập NATO, ông Biden từ chối trả lời.

Theo Kyiv Independent, năm 1994, Ukraine đã ký Bản ghi nhớ Budapest. Theo thỏa thuận, Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh và Nga.

Trước khi ký Bản ghi nhớ Budapest (ngày 5/12/1994), Ukraine sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới.

Theo RT, mặc dù Ukraine đã từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng việc giới lãnh đạo Kiev ngày càng xích lại gần NATO và thi hành những chính sách chống Nga, là nguyên nhân khiến Moscow phải mở chiến dịch quân sự đặc biệt.

Từ cuối tháng 2/2022, chính quyền của ông Biden đã viện trợ Ukraine khoảng 183 tỷ USD, cả bằng tiền và vũ khí, thiết bị quân sự. Nga và Ukraine hiện vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung để chấm dứt cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ 4.

Ukraine từng sở hữu vũ khí hạt nhân (ảnh: Mil.ru)

Ukraine từng sở hữu vũ khí hạt nhân (ảnh: Mil.ru)

Ông Trump mang lại thỏa thuận “tốt hơn”?

Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Antony Blinken cho rằng, chính quyền của ông Trump có thể làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình “tốt” và “mạnh mẽ” để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

“Tôi tin rằng chính quyền mới sẽ ở một vị thế tốt hơn và có thể thúc đẩy một thỏa thuận nếu người Ukraine mong muốn và lựa chọn”, Kyiv Independent hôm 17/1 dẫn lời ông Blinken.

“Ông Trump đã nói về những thỏa thuận tốt và mạnh mẽ. Tôi tin rằng chúng ta có cơ hội để đạt được điều đó”, ông Blinken nói.

Ông Trump, người sắp nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1, đã nhiều lần tuyên bố rằng sẽ thúc đẩy đàm phán để nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga – Ukraine. Trump cho biết ông có mối quan hệ cá nhân tốt với Tổng thống Nga Putin.

Tuy nhiên, một số người ở Kiev lo ngại rằng, dưới áp lực của ông Trump, Ukraine có thể bị buộc phải nhượng bộ về lãnh thổ nếu đàm phán với Nga, theo Reuters.

Truyền thông Nga đưa tin, Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công mới vào khu vực Belgorod của Nga bằng 5 tên lửa đạn đạo ATACMS.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam - Kyiv Independent ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN