Ông Biden không nên xóa di sản ngoại giao của ông Trump
Thời gian ông Trump làm tổng thống đã để lại cho ông Biden nhiều di sản cùng cơ hội để ông có thể tận dụng và phát triển thêm trong nhiệm kỳ năm sau.
Như đã được dự báo từ trước, chính sách đối ngoại của tổng thống tân cử Joe Biden trong nhiệm kỳ tới nhiều khả năng sẽ tập trung vào việc đảo ngược những di sản ngoại giao của người tiền nhiệm Donald Trump trong suốt bốn năm qua.
Tổng thống Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử ở bang Florida hồi tháng 10. Ảnh: AP
Theo trang tin US News, cổng thông tin chính thức của chiến dịch tranh cử của ông Biden thường sử dụng các cụm từ như “khôi phục sự lãnh đạo nghiêm túc của nước Mỹ”, “cải thiện quan hệ với các đồng minh của chúng ta” hay “sửa chữa những sai lầm trong quá khứ”. Dù vậy, nhiều nhà phân tích lo ngại lối tư duy trên sẽ dẫn đến một chính sách đối ngoại thất bại hoặc lãng phí những cơ hội mà ông Biden lẽ ra đã có thể kế thừa từ ông Trump.
Hé lộ hướng đi mới của ông Biden
Dựa vào những phát ngôn của ông Joe Biden, rõ ràng các kế hoạch sắp tới của ông sẽ lấy nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama làm xuất phát điểm, bỏ qua thời kỳ ông Trump, từ đó xây dựng các chính sách liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên, hay mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Kế hoạch này cũng sẽ bao gồm sa thải gần như toàn bộ những quan chức đối ngoại thời ông Trump, thay thế bằng các nhân vật mà ông Biden đánh giá là sẽ phù hợp hơn.
Dĩ nhiên, theo chuyên gia Michael O’Hanlon thuộc Viện Brookings (Mỹ), việc một tổng thống mới nhậm chức muốn xóa bỏ di sản quá khứ là hoàn toàn bình thường và đã từng xảy ra trong quá khứ. Đơn cử, ngay sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức vào năm 2001, ông cũng lập tức đảo ngược một loạt chính sách, cả đối nội lẫn đối ngoại, của người tiền nhiệm Bill Clinton. Điều quan trọng là tổng thống đó biết nên giữ lại cái nào sẽ có ích cho quốc gia và cho nhiệm kỳ của mình.
Ông Biden nên giữ lại những gì của ông Trump?
Trước mắt, US News cho rằng giải quyết vấn đề Iran nhiều khả năng nằm trong những ưu tiên hàng đầu của ông Biden. Ông từng cam kết sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, vốn được xem là một thành tựu ngoại giao dưới thời chính quyền Tổng thống Obama. Nước Mỹ dưới thời ông Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran. Động thái trên đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các đồng minh của Mỹ, những nước cũng là các bên tham gia thỏa thuận.
Cơ hội để ông Biden làm tốt hơn Theo US News, có lẽ di sản cuối cùng và ý nghĩa nhất mà ông Biden sẽ thừa hưởng lại từ người tiền nhiệm đó là ông Trump trong thời gian tại vị đã chứng minh cho thế giới thấy Mỹ hoàn toàn có thể và sẽ sẵn sàng rời bỏ bất kỳ nước nào không biết trân trọng những lợi ích khi làm đồng minh hoặc đối tác với nước này. “Các đối tác, đồng minh sẽ tích cực hợp tác với Mỹ hơn và cũng sẽ thận trọng khi thử thách sự kiên nhẫn của Mỹ. Cùng với đó, họ cũng lo ngại sẽ bị Mỹ bỏ rơi và vì thế sẽ có thái độ hòa giải hơn với chúng ta. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để ông Biden có thể làm tốt hơn” - TS Jon Alterman thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đánh giá. Ông Alterman cho hay thực tế trên được phản ánh sâu sắc nhất tại châu Á, nơi các đồng minh lâu năm của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật lo ngại sẽ bị bỏ lại và phải một mình đối mặt với một Trung Quốc đầy tham vọng. “Nỗi sợ này theo thời gian cũng sẽ phủ bóng lên châu Âu và Trung Đông, những khu vực mà cả Nga và Trung Quốc đều có các chiến lược của riêng họ” - ông Alterman nói thêm. |
Tuy nhiên, trên thực tế, một số điều khoản trong thỏa thuận nói trên về hạn chế Iran phát triển chuẩn bị hết hạn vào cuối năm nay, trong khi các điều khoản khác sẽ hết hạn dần vào năm 2023 và 2025. Một số cố vấn nhận định rằng nếu chỉ đơn giản quay lại các điều khoản ban đầu của thỏa thuận, đây sẽ là hành động không mấy khôn ngoan của chính quyền Biden bởi ông và đội ngũ của mình sẽ bỏ lỡ cơ hội thuyết phục Tehran ký kết thỏa thuận mới.
Về đối sách với Trung Quốc, ông Biden có thể sẽ ưu tiên tận dụng hệ thống đồng minh, đối tác đông đảo nhằm tạo sức ép chung lên Bắc Kinh, điều mà ông Trump không làm được trong nhiệm kỳ vừa rồi. Tuy nhiên, ông Biden cũng nên cân nhắc mở rộng thêm chiến lược đối đầu cứng rắn và trực diện với Trung Quốc của ông Trump.
“Hầu hết giới quan sát đều đồng ý rằng chính quyền ông Biden nên kết hợp cả các nỗ lực đa phương cùng các sức ép đơn phương nhằm kiềm chế Trung Quốc hiệu quả hơn, chẳng hạn như siết chặt hoạt động của Tập đoàn Huawei” - chuyên gia phân tích Matthew Bey thuộc Công ty tư vấn rủi ro Stratfor (Mỹ) nhận định.
Ông Bey nói thêm rằng dù có thể thương chiến Mỹ - Trung đến nay đã hạ nhiệt đáng kể nhưng điều đó không đồng nghĩa là hai nước đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hòa hoãn, bởi hai bên vẫn còn rất nhiều xung đột lợi ích chiến lược chưa giải quyết được. “Mỹ vẫn nên tiếp tục duy trì các biện pháp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh chấp nhận từ bỏ tham vọng thay đổi trật tự của họ” - chuyên gia Bey nêu rõ.
Mặt khác, nhiều ý kiến còn tin rằng tình trạng bất ổn ở nước láng giềng của Trung Quốc là Triều Tiên cũng sẽ khiến ông Biden có những chính sách gần gũi với chính sách của ông Trump. Trước đây, ông Trump thường khẳng định nhờ cách làm ngoại giao cứng rắn của ông cùng mối quan hệ cá nhân giữa ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã giúp hai lần thượng đỉnh song phương diễn ra suôn sẻ.
Dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, chúng ta cũng sẽ chứng kiến thêm nhiều căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung gia tăng trên các vấn đề như kinh tế, chính trị, địa chiến lược,... trong các năm tới. Cựu quyền phó đại diện thương mại Mỹ WENDY CUTLER |
“Chính ông Obama đã thừa nhận với ông Trump năm 2016 khi họ gặp nhau tại Nhà Trắng rằng chính sách với Triều Tiên của ông đã thất bại. Nói cách khác, nếu chấm dứt các sáng kiến của ông Trump và quay lại thực hiện những gì ông Obama từng làm thì không thuyết phục được Bình Nhưỡng” - chuyên gia Michael O’Hanlon nói.
Theo chuyên gia này, một hướng tiếp cận thực tế hơn cho chính quyền ông Biden sẽ là nối lại các cuộc đàm phán, nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế cho Triều Tiên với điều kiện là Bình Nhưỡng cam kết không sản xuất thêm vũ khí hạt nhân mới. “Bản thân là một người có tài ăn nói, tôi cho rằng ông Biden rồi cũng sẽ xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp với ông Kim như ông Trump từng làm được” - ông O’Hanlon nhận định.•
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào cuối tuần...