Ông Biden khó xử vì lãnh đạo Nga – Trung sẽ dự thượng đỉnh G20
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối diện với lựa chọn khó khăn sau khi Indonesia thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ dự thượng đỉnh G20 cuối năm nay. Liệu ông Biden nên dự sự kiện với hai đối thủ mà ông đang tìm cách cô lập, hay từ chối hội nghị quan trọng này và bỏ qua cơ hội định hình kết quả.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Bloomberg)
Khi chuẩn bị cho thượng đỉnh vào tháng 11, ông Biden đối diện với thực tế là những nước như Indonesia từ chối chọn bên vì xung đột ở Ukraine, bất chấp sức ép từ Washington, đồng thời cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều có lỗi khi gây căng thẳng ở khu vực.
Dù gì thì đó cũng là thông tin mà ông Biden không muốn nghe từ Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo. Việc lãnh đạo Nga và Trung Quốc đến Bali mở ra khả năng đối diện trực tiếp giữa hai ông Putin và Biden. Dù tránh bắt tay, hai người cũng khó tránh việc phải đứng chung sân khấu trong các cuộc gặp, màn chụp ảnh chung hay những sự kiện kỷ niệm.
Với việc thông báo lãnh đạo Nga – Trung sẽ dự G20, ông Jokowi đã từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Biden rằng cộng đồng quốc tế phải quay lưng với ông chủ Điện Kremlin vì quyết định mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông Biden lâu nay vẫn vận động để loại Nga khỏi G20, và trước đó giới chức Mỹ gây sức ép để Indonesia loại ông Putin khỏi thượng đỉnh ở Bali.
Điều trở nên rõ ràng là những nước như Indonesia không muốn làm theo kế hoạch đó, giống như cách họ từ chối tham gia với phương Tây để dừng hợp tác kinh tế, thương mại với Nga. Họ cũng ngày càng lo ngại hơn vì căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cho rằng chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gây căng thẳng không cần thiết.
“Ông Biden chắc chắn sẽ đi, và tôi nghĩ câu hỏi đặt ra là ông ấy sẽ đương đầu như thế nào. Tẩy chay không phải một lựa chọn. Chúng ta biết rằng chính quyền Mỹ nghĩ đó sẽ là trao thượng đỉnh cho ông Putin”, Melinda Haring, phó giám đốc Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Thái Bình Dương, nhận định.
Phản ứng trước thông tin mà Tổng thống Indonesia đưa ra, Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng nhắc lại quan điểm của ông Biden, rằng Tổng thống Putin không nên dự thượng đỉnh trong khi xung đột đang tiếp diễn ở Ukraine. Nhưng nếu ông Putin đến, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nên được phép tham dự.
Phát biểu này mở ra khả năng ông Zelensky có thể dự trực tuyến, thay vì đến trực tiếp. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng tham gia bằng hình thức này hồi diễn ra hội nghị ngoại trưởng G20 vào tháng 7.
“Câu hỏi lớn hơn là, nếu ông Zelensky phát biểu ở Bali, điều đó có nghĩa là chấp nhận sự hiện diện của ông Putin tại đó không”, bà Haring nói. Nhà nghiên cứu này dự đoán Tổng thống Ukraine sẽ bỏ qua sự kiện.
Ngay cả những người ủng hộ chính quyền Biden cũng hoài nghi liệu cách tiếp cận đối đầu của ông có hiệu quả không.
“Tôi không nghĩ tổng thống nên tránh họ. Nếu chúng ta không muốn chiến tranh với Nga và Trung Quốc, cách duy nhất là sẵn sàng đối thoại với nhau và tìm xem có cơ hội nào để cải thiện quan hệ hay không”, Leon Panetta, cựu bộ trưởng quốc phòng và giám đốc CIA dưới thời chính quyền Barack Obama, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) do Nga và Trung Quốc dẫn đầu có thể mở rộng thành viên để trở thành đối trọng với G7 – nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới...