Ông Biden khó suôn sẻ với đảng Cộng hòa

Đảng Cộng hòa dưới sự dẫn dắt của thượng nghị sĩ Mitch McConnell có thể sẽ cản trở hoạt động của ông Biden nhiều nhất có thể.

Sau bốn năm với vô số phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, người dân Mỹ có thể mong muốn nhiệm kỳ ông Joe Biden yên ắng hơn. Tuy nhiên, dù ông Trump ra đi thì những đồng minh của ông, dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo phe đa số Cộng hòa thượng nghị sĩ Mitch McConnell vẫn còn đó. Có thể thấy nếu ông Biden không có biện pháp đối thoại hợp lý với đảng Cộng hòa thì bốn năm tới của ông nhiều khả năng cũng sẽ ồn ào không kém của người tiền nhiệm.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (trái) và Tổng thống tân cử Joe Biden (phải) trong một phiên làm việc ở Thượng viện vào tháng 1-2017. Ảnh: AP

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (trái) và Tổng thống tân cử Joe Biden (phải) trong một phiên làm việc ở Thượng viện vào tháng 1-2017. Ảnh: AP

Ẩn số mang tên McConnel

Theo hãng tin Bloomberg, ông McConnell đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào công nhận chiến thắng của ông Biden hoặc thừa nhận chính quyền mới. Và cũng như hầu hết đồng nghiệp trong đảng khác, ông McConnell không lên án những nỗ lực pháp lý đảo ngược kết quả bầu cử của Tổng thống Trump. Bloomberg cảnh báo “phản ứng của đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử là những dấu hiệu đáng lo ngại đối với tham vọng mở ra kỷ nguyên mới đoàn kết và hợp tác lưỡng đảng của ông Biden”.

Theo nhiều quan chức Mỹ từng tiếp xúc với thượng nghị sĩ McConnell thì ông này là chính khách khá kín tiếng và có năng lực, biết lựa chọn thời điểm phù hợp để thể hiện quyền lực của mình. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông McConnell đã không ít lần phản đối gay gắt các chính sách của tổng thống nhưng lại có phần dễ tính hơn trong vấn đề nhân sự, dù không biết sự dễ tính này có còn áp dụng cho ông Biden hay không.

Quy định về chuyển giao quyền lực nêu rõ một số ứng viên nhân sự nội các sẽ phải được Thượng viện phê chuẩn vào ngày tân tổng thống bắt đầu nhiệm kỳ, tức ngày 20-1 năm sau. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, văn phòng của ông McConnell từ chối bình luận. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng ông McConnell đang đợi kết quả vòng bỏ phiếu thứ hai giành ghế thượng nghị sĩ ở bang Georgia, sẽ diễn ra vào ngày 5-1-2021. Hiện đảng Cộng hòa chỉ còn thiếu một ghế nữa là có thể tiếp tục kiểm soát Thượng viện, lúc đó mọi quyết định liên quan đến nhân sự hay chính sách của chính quyền mới sẽ dễ dàng hơn cho ông McConnell.

Một số nhân vật trong đảng Dân chủ đang bắt đầu phát tín hiệu cảnh giác trước thế lực ngày càng lớn của ông McConnell. Trao đổi với đài NBC News, chiến lược gia của đảng Dân chủ - ông Waleed Shahid cảnh báo rằng ông Biden không nên “thực hiện bất cứ thỏa thuận ngầm nào với McConnell” vì rất có thể đảng Cộng hòa sẽ lợi dụng để buộc ông Biden phải có một số nhượng bộ nào đó. Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện cũng kêu gọi ông Biden nên tích cực sử dụng quyền hành pháp để hoàn thành các mục tiêu trong chương trình nghị sự đặt ra, không cần phải thông qua sự phê chuẩn của Thượng viện, tức phải thông qua ông McConnell để tránh bị những rào cản không đáng có.

Thêm một bang bác đơn kiện của ông Trump 

Đài Fox News đưa tin Tòa án Tối cao của bang Wisconsin ngày 3-12 đã bác bỏ một vụ kiện bầu cử do đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump đệ trình nhằm tìm cách hủy bỏ chứng nhận kết quả bầu cử của bang này.

Theo đó, một số thẩm phán tại Tòa án Tối cao Wisconsin chỉ ra rằng vụ kiện này phù hợp hơn nếu được đệ trình lên một trong các tòa án cấp dưới của tiểu bang. Một thẩm phán khác cho biết đôi khi đơn kiến nghị bị từ chối “ngay cả khi có vẻ như đã có vi phạm về luật”.

Thẩm phán Patience Roggensack của Wisconsin cho biết nhiều lúc ông lo ngại rằng công chúng sẽ hiểu sai ý nghĩa của việc các thẩm phán từ chối đơn kiện. “Đôi khi dư luận dường như tin rằng việc chúng tôi từ chối thụ lý một vụ kiện là dấu hiệu cho thấy các cáo buộc là sai hoặc không nghiêm trọng. Trong thực tế, chúng tôi vẫn thường từ chối các đơn đề nghị ngay cả khi có vẻ như một luật nào đó đã bị vi phạm” - ông Roggensack cho biết.

Suốt tám năm cầm quyền của ông Obama, mục tiêu số một và lâu dài của đảng Cộng hòa lúc đó luôn là tìm cách cản trở chương trình nghị sự của ông nhiều nhất có thể, bằng mọi cách và trên mọi lĩnh vực. Do đó, một số người cho rằng mục tiêu này sẽ quay trở lại khi ông Biden lên làm tổng thống. Trước mắt, thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy cho rằng ông McConnell có thể sẽ buộc ông Biden phải đàm phán về mọi vị trí trong nội các hay các thẩm phán tại tòa án của mỗi hạt mà ông Biden muốn bổ nhiệm. Ông Murphy đoán “chúng ta sẽ có một cuộc khủng hoảng hiến pháp chực chờ bùng phát ngay trước mắt..., những màn khẩu chiến gay gắt giữa hai bên”.

 Trục quyền lực Biden - McConnell 

Trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times, ông Chuck Hagel, bộ trưởng quốc phòng dưới thời tổng thống Obama, nhận xét với tình hình hiện nay thì có lẽ chính trị Mỹ sắp tới sẽ bị trục quyền lực Biden - McConnell chi phối mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhìn chung sự khác biệt giữa hai người vẫn có thể kiến tạo ra cơ hội mới “vì lợi ích của quốc gia”, vì “cả hai đều là chính khách chuyên nghiệp và biết được sức mạnh của sự thỏa hiệp”.

Ông Biden và ông McConnell đang trên đường trở thành cặp đôi quyền lực mới của nước Mỹ. Họ đã có một lịch sử đàm phán các thỏa thuận, trải qua nhiều thăng trầm trong quan hệ và từng có lúc coi nhau là bạn. Với một Thượng viện đang bị chia rẽ, các thỏa thuận cá nhân giữa họ sẽ là chìa khóa để đánh giá mức độ hoàn thành các chương trình nghị sự của chính phủ mới.

TS  JEREMY BLACK, ĐH Chicago (Mỹ)

Ngoài ra, còn nhớ ông McConnell từng là nghị sĩ Cộng hòa duy nhất tham dự tang lễ của Beau Biden - con trai ông Biden năm 2015 và gọi ông Biden là “một người bạn thực sự”, “một đối tác đáng tin cậy” trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ ông Obama.

Dưới thời ông Obama, ông Biden dưới vai trò là phó tổng thống thường đứng ra hòa giải phe Cộng hòa tại Thượng viện và Nhà Trắng khi đàm phán hai bên bị bế tắc. Đài NBC News còn dẫn một số nguồn tin nội bộ cho biết trước đây ông Biden và ông McConnell từng đạt được các thỏa thuận về gia hạn cắt giảm thuế, nâng trần nợ và thông qua Đạo luật chữa bệnh thế kỷ 21 (21st Century Cures Act). Tuy nhiên, rất hiếm khi hai bên đàm phán mặt đối mặt với nhau, các cuộc thương lượng thường diễn ra qua điện thoại dưới sự chứng kiến của một số ít nhân viên dưới quyền.

Trong thời gian dài làm thượng nghị sĩ, ông Biden cũng có quan hệ khá tốt đẹp với ông McConnell. Ông Don Graves, người phụ trách mảng chính sách kinh tế và đối nội của ông Biden, nhận xét: “Với sự thân thiện và tôn trọng lẫn nhau, hai ông có thể tìm cách đạt được sự thấu hiểu và đi đến một thỏa thuận. Chưa bao giờ tôi nghĩ họ sẽ bỏ cuộc khi đàm phán”.

Chính cựu tổng thống Barack Obama khi hồi tưởng về những lần làm việc giữa ông với đảng Cộng hòa cũng bày tỏ sự hứng thú đối với những thông tin mô tả về mối quan hệ giữa ông Biden và ông McConnell. “Tôi rất thích thú khi đọc được những thông tin về cách thức hai người đã tạo dựng quan hệ bạn bè. Họ biết nhau từ lâu. Joe Biden thường kể với tôi về sự thân thiện của ông McConnell” - ông Obama nhớ lại.

Tuyên bố bất ngờ của ông Biden khi 3 cựu Tổng thống Mỹ ”chơi lớn” giữa dịch Covid-19

Khi 3 cựu Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ tiêm vắc xin Covid-19 một cách công khai trên truyền hình để chứng minh với người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN