Ông Biden cảnh báo Triều Tiên, đưa tàu ngầm hạt nhân chiến lược tới Hàn Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/4 gửi thông điệp cảnh báo về hậu quả nếu Triều Tiên tấn công Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ.
Ông Biden gặp Tổng thống Hàn Quốc ở Nhà Trắng vào ngày 26/4.
"Một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh hoặc đối tác của Mỹ là điều không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường cho bên thực hiện", ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
Mặc dù vậy, ông Biden cũng nhắc đến giải pháp ngoại giao thực chất với Triều Tiên, hi vọng có bước đột phá trong hoạt động này nhằm hướng đến sự ổn định ở bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu bên cạnh ông Biden, Tổng thống Hàn Quốc nói “hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên không phải là điều tự động xảy ra".
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio mang tên lửa đạo của Mỹ.
Theo ông Yoon, hòa bình có thể đạt được thông qua "sự vượt trội và áp đảo của các lực lượng quân sự".
"Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc sẽ đáp trả nhanh chóng, áp đảo và dứt khoát bằng toàn bộ lực lượng, bao gồm cả vũ khí hạt nhân của Mỹ", ông Yoon nói thêm.
Tổng thống Hàn Quốc hồi tuần này đã có chuyến công du tới Mỹ và gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng vào ngày 26/4. Trong chuyến thăm của ông Yoon, hai bên nhất trí về một hiệp ước răn đe mới, lần đầu tiên trao cho Seoul vai trò trung tâm trong việc hoạch định chiến lược sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc đã cùng công bố "Tuyên bố Washington", gồm một loạt biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước về huấn luyện quân sự, triển khai khí tài chiến lược.
Mỹ cũng sẽ lập ra một nhóm tư vấn để cung cấp cho Seoul thêm thông tin về chính sách hạt nhân của Mỹ, nhưng Washington sẽ giữ toàn quyền kiểm soát vũ khí.
"Mỹ chưa từng thực hiện các bước như thế này kể từ thời kỳ căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh. Thông qua động thái này, chúng tôi thể hiện cam kết rõ ràng với việc mở rộng khả năng răn đe", một quan chức Mỹ nói.
Là một phần trong "Tuyên bố Washington", một tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo sẽ được Mỹ điều tới Hàn Quốc để phô trương sức mạnh. Mỹ cũng sẽ luân phiên đưa tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc. Đây sẽ là lần đầu tiên một tàu ngầm hạt nhân chiến lược Mỹ tới Hàn Quốc kể từ năm 1980.
Đây là loại tàu ngầm được thiết kế để phóng tên lửa đạn đạo với đầu đạn hạt nhân. Các tàu ngầm loại này nằm trong bộ ba hạt nhân, đóng vai trò răn đe chiến lược của Mỹ.
Đổi lại, Hàn Quốc cam kết không theo đuổi chương trình hạt nhân riêng. Trong thỏa thuận đạt được ngày 26/4, Mỹ chưa tính tới việc đặt vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc dù Seoul bày tỏ mong muốn như vậy. Mỹ hiện đang đặt khoảng 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật tại một quốc gia đồng minh NATO ở châu Âu.
Triều Tiên hiện chưa đưa ra phản ứng về động thái mới của Mỹ - Hàn Quốc.
Hôm 21/4, Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui nói Mỹ và phương Tây không thể phủ nhận vị thế là cường quốc hạt nhân toàn cầu của Bình Nhưỡng. Hôm 14/4, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa nhiên liệu rắn mang tên Hwasong-18, được cho là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn bao trùm lãnh thổ Mỹ.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA gọi vụ phóng trên là "thành công phi thường" và là sự cải thiện về năng lực thực hiện cuộc phản công hạt nhân nhanh chóng của nước này.
KCNA hôm 20/3 cũng đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi quân đội Triều Tiên sẵn sàng tấn công hạt nhân chống lại “kẻ thù”, trong bối cảnh Mỹ - Hàn tiến hành “diễn tập xâm lược” Triều Tiên một cách “cuồng loạn”.
"Chỉ khi hoàn thành tư thế sẵn sàng tấn công hạt nhân một cách nhanh chóng, chính xác và diễn ra bất cứ nào, chúng ta mới có thể hoàn thành nhiệm vụ chiến lược là ngăn chặn chiến tranh”, ông Kim Jong Un khi đó nói, theo KCNA.
Nguồn: [Link nguồn]
Triều Tiên tuyên bố, nước này đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thế hệ mới có thể “gây kinh hoàng” cho đối phương.