Ông Abe bị ám sát: Lỗ hổng trong đội ngũ an ninh?
Cảnh sát Nhật Bản đã thành lập nhóm đánh giá vấn đề bảo đảm an ninh trong sự kiện khiến cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát, trong khi Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida nói vấn đề này sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng.
Nghi phạm (thứ hai từ phải sang) đứng sau lưng ông Abe.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cho biết sẽ đánh giá những sai sót trong công tác đảm bảo an ninh cho cựu Thủ tướng Abe Shinzo sau khi ông bị ám sát, theo Japan Times.
NPA cũng tuyên bố xem xét nghiêm túc việc các sĩ quan cảnh sát và nhân viên an ninh khác được giao nhiệm vụ bảo vệ ông Abe không thể ngăn chặn vụ nổ súng.
Nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi bắn ông Abe từ phía sau, khi ông đang phát biểu tại thành phố Nara trong buổi vận động tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Tự do (LPD). Ông Abe được đưa tới điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Nara nhưng qua đời vì vết thương quá nặng.
Theo NPA, ông Abe được đội cận vệ từ bộ phận an ninh của sở cảnh sát tỉnh Nara và các sĩ quan thuộc sở cảnh sát thủ đô Tokyo bảo vệ.
Một quan chức NPA từ chối công bố số nhân viên an ninh và cảnh sát tham gia bảo vệ ông Abe với lý do điều này có thể ảnh hưởng tới công tác đảm bảo an ninh.
“Tôi tin rằng tất cả các nỗ lực đảm bảo an ninh đã được thực hiện, nhưng chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ lưỡng vấn đề này”, Thủ tướng Nhật bản Fumio Kishida nói.
“Đội ngũ an ninh Nhật Bản dường như chỉ tập trung đối phó với những hành vi tấn công liên quan đến vũ khí lạnh như dao kiếm”, Hideto Osanai, thành viên Hiệp hội vệ sĩ quốc tế cho biết, theo Nikkei. "Ở Châu Âu và Mỹ, đội ngũ an ninh còn được đào tạo chuyên sâu để theo dõi các đối tượng khả nghi, theo dõi bất kỳ mục tiêu nào có hành động lạ như giấu tay trong áo, vì có thể đối tượng có súng”.
“Tôi không nghĩ lực lượng an ninh Nhật Bản có đề phòng trường hợp có đối tượng sử dụng súng, vì Nhật Bản có quy định kiểm soát súng nghiêm ngặt”, ông Osanai nói.
Theo Nikkei, các thành viên chính phủ đương nhiệm, các quan chức cấp cao của đảng chính trị, các ứng cử viên thủ tướng và những nhân vật nổi bật khác được Lực lượng An ninh và một bộ phận Cảnh sát Thủ đô Tokyo bảo vệ, mô phỏng theo Cơ quan Mật vụ Mỹ.
Lực lượng an ninh trên được thành lập sau vụ tấn công Thủ tướng Takeo Miki vào năm 1975. Lực lượng an ninh thuộc đơn vị cảnh sát khi đó bắt đầu mặc áo giáp, mang theo vũ khí trấn áp đám đông.
Nghi phạm bị lực lượng an ninh Nhật Bản khống chế.
Là cựu Thủ tướng Nhật Bản từng nắm quyền lâu nhất, ông Abe cũng được bảo đảm an ninh tương tự như các quan chức Nhật Bản đương nhiệm.
Thông thường, trong các buổi diễn thuyết trước đám đông, lực lượng an ninh Nhật Bản sẽ đánh giá an ninh khu vực, ước lượng quy mô đám đông để huy động đội ngũ bảo vệ tương xứng. Địa điểm cũng được kiểm tra trước đề phòng các vật thể khả nghi.
Nhưng có một số yếu tố phức tạp. Các ứng viên hoặc giới chức Nhật Bản tham gia diễn thuyết thường đứng ở những vị trí trên cao để đám đông dễ quan sát. Họ đối mặt với tình huống những người ủng hộ tiến gần để bắt tay.
“Các chính trị gia thường muốn rút ngắn khoảng cách giữa họ và người dân càng nhiều càng tốt", một cựu cảnh sát Nhật Bản có kinh nghiệm với những nhiệm vụ như vậy, nói.
Theo các chuyên gia, đội ngũ đảm bảo an ninh như ở Mỹ đã đi trước Nhật Bản rất xa về khả năng phát hiện và trấn áp những đối tượng khả thi trong đám đông.
Isao Itabashi, chuyên gia chống khủng bố và là người đứng đầu Viện Phân tích và Nghiên cứu tại Hội đồng Chính sách Công ở Nhật Bản, nói: "Cần đánh giá toàn diện về lý do tại sao lực lượng an ninh không phát hiện sớm dấu hiệu đáng ngờ, điều kiện xung quanh địa điểm và việc triển khai các nhân viên an ninh”.
Theo ông Itabashi, lực lượng an ninh bảo vệ ông Abe dường như đã bị động, không chuẩn bị các phương án đối phó tình huống bất ngờ từ trước.
Nguồn: [Link nguồn]
Nghi phạm dường như đã mang theo súng và chờ sẵn ở địa điểm cựu Thủ tướng Shinzo Abe tổ chức phát biểu để thực hiện vụ ám sát.