"Ôm mộng" gia nhập NATO, nước láng giềng bị Nga giáng đòn choáng váng
14 năm trước, đúng ngày khai mạc Thế vận hội Olympic ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Nga buộc phải dùng tới quân đội để giải quyết mối bất hòa với một quốc gia từng thuộc Liên Xô nhưng ôm “giấc mộng” gia nhập NATO.
Bản đồ Nga, Gruzia (Geogria) và các khu tự trị Nam Ossetia – Abkhazia (ảnh: History)
Ngày 8.8.2008, quân đội Gruzia với hàng trăm xe tăng, pháo hạng nặng do Mỹ, NATO và Israel hỗ trợ đã bất ngờ tấn công Nam Osetia – khu vực tự trị được Nga hậu thuẫn và cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới theo dõi. Thời điểm tấn công Nam Osetia đúng ngày khai mạc Thế vận hội Olympic ở Trung Quốc của Gruzia khiến nhiều nước bất ngờ. Tuy nhiên, đòn đáp trả chớp nhoáng của Nga lại khiến Gruzia “chết lặng”, theo Atlantic Council.
Mọi chuyện bắt đầu sau khi Gruzia tách khỏi Liên Xô vào năm 1991, 2 vùng lãnh thổ Nam Ossetia và Abkhazia tuyên bố tách khỏi nước này để trở thành các quốc gia độc lập dưới sự hỗ trợ của Nga. Gruzia không chấp nhận điều này và luôn khẳng định Nam Ossetia, Abkhazia thuộc chủ quyền của mình.
Năm 1992, Nga, Gruzia và Nam Ossetia đạt thỏa thuận giúp các bên ngừng xung đột. Theo đó, Nam Ossetia được trao quyền tự trị với sự giám sát của 3 lực lượng gìn giữ hòa bình trên lãnh thổ.
Mikhail Saakashvili – cựu Tổng thống Gruzia (ảnh: AP)
Năm 2004, Mikhail Saakashvili – một người có quan điểm thân phương Tây, chống Nga – đắc cử Tổng thống Gruzia và tuyên bố giành lại Nam Ossetia, Abkhazia bằng mọi giá. Ông Saakashvili đã nỗ lực hiện đại hóa quân đội Gruzia để thực hiện lời hứa của mình.
Năm 2008, tận dụng cơ hội khi Tổng thống Mỹ George W.Bush (Bush con) để ngỏ khả năng giúp Gruzia gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU), ông Saakashvili quyết tâm giành lại Nam Ossetia bằng vũ lực để chứng tỏ tiềm lực quân sự quốc gia.
Bất chấp những lời cảnh báo từ Nga, từ giữa năm 2008, Gruzia liên tục tăng quân tới sát Nam Ossetia. Ngày 1.8.2008, quân đội Gruzia và lực lượng quân sự Nam Ossetia nổ ra xung đột. Người dân Nam Ossetia nhanh chóng sơ tán sang lãnh thổ Nga. Moscow cảnh báo sẽ can thiệp quân sự nếu người Nga và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Nam Ossetia bị tấn công.
Chiến sự ác liệt khi Gruzia tấn công Nam Ossetia (ảnh: Reuters)
Theo History, ngày 7.8.2008, Tổng thống Saakashvili có bài phát biểu trước toàn dân Gruzia, thề giành lại Nam Ossetia và Abkhazia. Rạng sáng ngày 8.8, quân đội Gruzia ồ ạt tiến vào bao vây Tskhinvali – thủ phủ Nam Ossetia. Tới trưa cùng ngày, quân đội và các lực lượng đặc nhiệm Gruzia đã chiếm được hầu hết vị trí trọng yếu ở Tskhinvali. Tuy nhiên, cầu Gupta – tuyến huyết mạch trọng yếu kết nối Nga với Tskhinvali – lại chưa bị chiếm đóng.
Ngay trong lúc quân đội Gruzia giành thế thắng trên chiến trường, Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev đã triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Liên bang Nga. Vladimir Putin – người khi đó đang giữ chức Thủ tướng Nga – được cho là đứng sau quyết định đưa quân đội Nga tham chiến ở Nam Ossetia.
Quân đội Gruzia bước đầu kiểm soát Nam Ossetia (ảnh: Reuters)
Với cáo buộc Gruzia tấn công căn cứ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Ossetia và khiến 2 binh sĩ thiệt mạng, chiều ngày 8.8, Moscow điều 2 đơn vị thiết giáp với 20.000 quân, 500 xe tăng thuộc Tập đoàn quân số 58 rầm rập tiến về Nam Ossetia. Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, 2 đơn vị này đã bao vây Tskhinvali. Không quân Nga cũng liên tục bắn phá pháo binh, xe tăng Gruzia.
Theo TASS, tới ngày 9.8, quân Nga đã áp đảo hoàn toàn quân đội Gruzia ở Tskhinvali. Với nỗ lực giành lại thế kiểm soát Tskhinvali, Gruzia tăng quân và mở thêm 3 đợt tấn công lớn nhưng đều bị đánh bật ra.
Từ ngày 10 – 12.8.2008, quân đội Nga liên tục tấn công, đẩy lùi quân Gruzia khỏi Nam Ossetia. Không quân Nga thậm chí còn không kích cả vào một số mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Gruzia.
Chiều ngày 12.8.2008, Tổng thống Gruzia Saakashvili chấp nhận đàm phán hòa bình, ông Dmitry Medvedev ra lệnh cho quân đội ngừng bắn và tuyên bố “kẻ xâm lược đã bị trừng trị thích đáng”, RT viết. Sự kiện quân đội Nga – Gruzia giao chiến ở Nam Ossetia được giới nghiên cứu lịch sử gọi là “cuộc chiến 5 ngày”. Trên thực tế, với lực lượng áp đảo cả về vũ khí lẫn khả năng chiến đấu, quân đội Nga chỉ mất vài giờ đồng hồ để định đoạt cục diện chiến trường Nam Ossetia.
Theo giới chuyên gia quốc tế, với hơn 30.000 quân và hàng trăm xe tăng, khí tài hạng nặng, Gruzia đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch tấn công Nam Ossetia. Ý đồ của ông Saakashvili là chứng minh cho NATO thấy Gruzia đủ sức mạnh trở thành “tiền đồn” chống Nga và xứng đáng gia nhập tổ chức này. Việc Gruzia chọn thời điểm ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh để tấn công Nam Ossetia là hoàn toàn có chủ đích.
Gruzia chắc chắn đã chuẩn bị tâm lý cho kịch bản Nga can thiệp quân sự, tuy nhiên, đòn đáp trả nhanh và mạnh từ Nga khiến nước này “sững sờ”. Việc Mỹ và NATO không tham chiến mà đứng ngoài lên án Nga cũng khiến Gruzia thất vọng.
Phía Nga tuyên bố, quân đội Gruzia đã mất khoảng 4.000 binh sĩ trong trận chiến ở Nam Ossetia, trong khi Nga chỉ tổn thất 18 binh sĩ. Đặc biệt, tốc độ điều quân của Nga khiến Mỹ và NATO bất ngờ khi chỉ mất chưa tới 2 giờ để “phủ kín” Nam Ossetia.
Xe tăng Nga rầm rập tiến vào Nam Ossetia (ảnh: RT)
Sau cuộc đối đầu với Gruzia, quân đội Nga cũng rút được nhiều bài học quý báu khi áp dụng “chiến tranh chớp nhoáng” và nâng cấp kho vũ khí tương đối lạc hậu từ thời Liên Xô.
Ngày 16.8.2008, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký vào thỏa thuận ngừng bắn ở Nam Ossetia (Tổng thống Gruzia Saakashvili thậm chí ký trước đó một ngày). 10 ngày sau, Nga tuyên bố công nhận độc lập cho Nam Ossetia và Abkhazia trước sự bất lực của Gruzia, theo RT.
Trả lời phỏng vấn về việc vì sao xe tăng Nga chịu dừng lại cách thủ đô Tbilisi của Gruzia vài chục cây số mà không tiến xa thêm, ông Medvedev nói:
“Mục tiêu của chúng tôi chỉ là đánh bật quân đội Gruzia khỏi Nam Ossetia, lập lại trật tự, chặn đứng bạo lực chứ không phải nghiền nát Gruzia”.
Cụ bà 79 tuổi tham gia khóa huấn luyện chiến đấu với sung AK-47 đã nhận “cơn mưa lời khen” của dân Ukraine trong bối cảnh quốc gia đông Âu chịu sức ép quân sự lớn từ Nga.
Nguồn: [Link nguồn]