Nga hưởng lợi lớn nhờ chính sách mới của ông Trump?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Những tuyên bố gần đây của Phó Tổng thống J.D. Vance và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã làm dấy lên lo ngại ở phương Tây rằng chính quyền của ông Trump có thể điều chỉnh chính sách theo hướng xa rời châu Âu và xích lại gần Nga. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu vào tháng trước. Ảnh: Sputnik/Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu vào tháng trước. Ảnh: Sputnik/Reuters.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi này có thể mang lại lợi ích to lớn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, giúp ông đạt được tham vọng tái định hình cán cân quyền lực tại châu Âu, báo Mỹ New York Times (NYT) phân tích.

Tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, ông Putin từng chỉ trích ảnh hưởng của Mỹ đối với châu Âu và kêu gọi thiết lập một trật tự an ninh mới có lợi cho Moscow. Khi đó, lời kêu gọi này không được đáp ứng. 

Tuy nhiên, gần hai thập kỷ sau, tại chính hội nghị này, các quan chức hàng đầu của chính quyền ông Trump đã gửi đi một thông điệp khác hẳn. Đó là ông Putin có thể tìm thấy một chính phủ Mỹ sẵn sàng hiện thực hóa tham vọng của Nga.

Những phát ngôn gây chấn động của Mỹ

Trong bài phát biểu tại Warsaw (Ba Lan) trước khi đến Munich, Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth cảnh báo các nước châu Âu rằng họ không nên coi sự hiện diện của quân đội Mỹ là điều hiển nhiên. Lời tuyên bố này đặt ra câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực, nhất là trong bối cảnh chiến sự Ukraine vẫn diễn ra ác liệt.

Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: AFP.

Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, phát biểu của Phó Tổng thống Vance tại Hội nghị An ninh Munich còn gây sốc hơn nữa. Thay vì xác định Nga hay Trung Quốc là đối thủ chính, ông Vance lại công kích các nước châu Âu, cáo buộc họ sử dụng "các biện pháp phi dân chủ" để kiềm chế các đảng cánh hữu, một số trong đó được cho là có sự hậu thuẫn từ Nga. Ông tuyên bố rằng châu Âu cần tôn trọng ý nguyện của cử tri, ngừng kiểm soát thông tin và để các đảng phái cánh hữu phát triển.

“Nếu các vị sợ hãi chính cử tri của mình, thì nước Mỹ không thể giúp gì cho các vị”, ông Vance nói. “Và cũng chẳng có gì các vị có thể làm cho người dân Mỹ, những người đã bầu tôi và bầu Tổng thống Trump”.

Nga hưởng lợi từ chính sách của chính quyền ông Trump?

Theo NYT, Moscow từ lâu được cho là đã tìm cách làm suy yếu châu Âu bằng cách hậu thuẫn các phong trào cực hữu. Ngay trong ngày phát biểu tại Hội nghị Munich, ông Vance đã có cuộc gặp với lãnh đạo đảng cực hữu AfD tại Đức, thế lực đang lên trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Đây là đảng mà Nga đã công khai ủng hộ nhằm gia tăng ảnh hưởng tại châu Âu.

Trong nhiều năm qua, Điện Kremlin đã tìm cách chia rẽ mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, vì một khi liên minh xuyên Đại Tây Dương sụp đổ từ bên trong, Nga sẽ có nhiều cơ hội mở rộng quyền lực, theo NYT. Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Rome, nhận định bài phát biểu của ông Vance mang tính đe dọa trực tiếp đến Liên minh châu Âu.

Binh sĩ Ukraine chiến đấu trong xung đột với Nga vào tháng 11/2024. Ảnh: NYT.

Binh sĩ Ukraine chiến đấu trong xung đột với Nga vào tháng 11/2024. Ảnh: NYT.

“Kịch bản hiện tại là Mỹ đang tìm cách hủy diệt châu Âu”, bà Tocci nói. “Vấn đề không chỉ là Ukraine, mà còn là sự suy yếu có chủ ý – thậm chí là sự phá hủy – của châu Âu. Ukraine chỉ là một phần trong chiến lược này”.

Bà Tocci cho rằng, phát biểu của ông Vance là một cuộc tấn công vào nền dân chủ châu Âu, sử dụng chính những ngôn từ về dân chủ để làm suy yếu nó – một chiến thuật mà Nga đã áp dụng trong nhiều năm qua.

Mỹ đang xích lại gần Nga?

Khi ông Putin trình bày tầm nhìn vào năm 2007, nhiều quan chức Mỹ đã bác bỏ điều này như một tư tưởng từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, theo Alexander Baunov, chuyên gia tại Carnegie Russia Eurasia Center, Moscow vẫn kiên trì với chiến lược này. Trong những tháng trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, ông Putin đã nhấn mạnh rằng phương Tây cần xem xét lại không chỉ chủ quyền của Ukraine mà cả cấu trúc an ninh của toàn bộ châu Âu.

Hiện tại, Washington dường như đang thay đổi lập trường, không phải vì lợi ích của châu Âu mà vì chính lợi ích của Mỹ – và thậm chí một phần để thách thức châu Âu. 

Những thách thức đối với châu Âu càng lớn hơn khi Đức và Pháp – hai cường quốc hàng đầu của EU – đang đối mặt với khủng hoảng lãnh đạo. Cả hai quốc gia này đều chứng kiến sự trỗi dậy của các phong trào dân túy cánh hữu với lập luận tương tự như ông Trump. Trong khi đó, Anh, quốc gia từng đóng vai trò quan trọng trong EU trước khi rời khỏi khối nhờ một chiến dịch mà ông Trump công khai ủng hộ, đã mất đi đáng kể ảnh hưởng trên chính trường châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019. Ảnh: NYT.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019. Ảnh: NYT.

Việc ông Trump có thực sự tiến xa đến mức hợp tác với ông Putin trong vấn đề châu Âu hay không vẫn chưa rõ ràng. Nhưng Nga đang là bên được hưởng lợi lớn nhất, theo NYT.

Chỉ chưa đầy một tháng sau khi quay lại Nhà Trắng, ông Trump đã ra hàng loạt quyết định có lợi cho Moscow, gồm:

• Giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), tổ chức thường xuyên bị Nga chỉ trích.

• Bổ nhiệm hàng loạt quan chức có quan điểm thân Điện Kremlin, bao gồm Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard.

• Làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với châu Âu, đe dọa các đồng minh thân cận nhất của Mỹ bằng một cuộc chiến thương mại.

• Trao quyền lực lớn hơn cho Elon Musk, người đã nhiều lần lan truyền các thông tin có lợi cho Nga trên nền tảng X (trước đây là Twitter) và công khai ủng hộ phe cực hữu tại Đức.

Với tình hình hiện tại, ông Trump đang nắm trong tay quyền lực quyết định cách thức giải quyết cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến 2, thậm chí có thể định hình lại toàn bộ cục diện an ninh khu vực. Các nhà lãnh đạo châu Âu – những người coi các phong trào dân túy cánh hữu là mối đe dọa đối với EU và nền dân chủ châu Âu – đang ngày càng lo lắng về mối quan hệ giữa ông Trump và ông Putin.

“Đây là thời điểm mà châu Âu dễ tổn thương nhất,” bà Tocci nhận định. “Nếu ai đó muốn phá hủy EU, thì đây chính là thời điểm thích hợp nhất”.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng, Brian Hughes hôm 16/2 gọi việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ chối ký thỏa thuận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - NYT ([Tên nguồn])
Quan hệ Nga - Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN