Nước Mỹ thế nào trước ngày bầu cử?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Một ngày trước bầu cử Mỹ, các ứng viên vẫn ráo riết quần thảo ở các bang chiến trường và giới chức liên bang tăng cường triển khai công tác an ninh cho sự kiện được cả thế giới chú ý này.

Kỳ bầu cử Mỹ thu hút sự chú ý toàn cầu sẽ chính thức diễn ra vào ngày 5-11. Kỳ bầu cử Mỹ năm nay gồm các cuộc đua vào Nhà Trắng, lưỡng viện quốc hội, thống đốc bang.

Những nỗ lực giờ cuối

Ở cuộc đua tổng thống, 2 ứng viên Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump của đảng Cộng hòa vẫn quần thảo các bang chiến trường.

Theo hãng tin Reuters, ngày 3-11 (giờ Mỹ), bà Harris vận động tại TP Lansing (bang Michigan) kêu gọi sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Ả Rập, đồng thời gửi thông điệp tới thường dân ở Dải Gaza và Lebanon với cam kết sẽ cố gắng chấm dứt các cuộc chiến ở đó. "Tôi không muốn ghi điểm chính trị, tôi đang muốn [tiến trình hòa bình] đạt bước tiến” - bà Harris nói tại cuộc vận động.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vận động tranh cử tại Michigan ngày 3-11 cho kỳ bầu cử Mỹ năm nay. Ảnh: REUTERS

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vận động tranh cử tại Michigan ngày 3-11 cho kỳ bầu cử Mỹ năm nay. Ảnh: REUTERS

Đáng chú ý, trong bài phát biểu tại Michigan, bà Harris không hề nhắc tên ông Trump mà nhấn mạnh vào thành tựu cá nhân. Các quan chức cấp cao trong chiến dịch tranh cử của bà Harris cho biết bài phát biểu vận động tranh cử cuối cùng của bà trong mùa tranh cử năm nay được thiết kế để tiếp cận một bộ phận nhỏ cử tri chưa quyết định lá phiếu.

Phần mình, trong bài phát biểu vận động tranh cử tại TP Macon (bang Georgia) ngày 3-11, ông Trump tiếp tục chỉ trích bà Harris về vấn đề nhập cư và kinh tế Mỹ. "Tôi muốn bắt đầu bằng cách hỏi bạn một câu hỏi rất đơn giản, bây giờ bạn có khá hơn so với 4 năm trước không? Bà Harris đã phá vỡ [nền kinh tế] và tôi sẽ sửa chữa nó. Nước Mỹ sẽ lớn hơn, tốt hơn, táo bạo hơn, giàu có hơn, an toàn hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta sẽ đánh bại bà Harris và chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” - ông Trump tuyên bố.

Cuộc đua vào Nhà Trắng đang đến chặng cuối và các cuộc thăm dò cuối cùng của tờ The New York Times/Siena College trong đợt bầu cử Mỹ này cho thấy một số kết quả bất ngờ về tỉ lệ ủng hộ Phó Tổng thống Harris và cựu Tổng thống Trump ở các bang chiến trường, nhưng nhìn chung cục diện vẫn ở thế cân bằng. Theo thăm dò, bà Harris hiện đang dẫn trước một cách sít sao ở các bang chiến trường Nevada, North Carolina và Wisconsin, trong khi ông Trump tiếp tục dẫn trước ở bang Arizona.

Hai ứng cử viên đang bám đuổi sát nút ở các bang Michigan, Georgia và Pennsylvania. Kết quả thăm dò ở cả 7 tiểu bang đều nằm trong biên độ sai số, nghĩa là không ứng cử viên nào có lợi thế rõ ràng ở bất kỳ tiểu bang nào.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử ở bang Georgia tối 3-11 cho kỳ bầu cử Mỹ năm nay. Ảnh: REUTERS

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử ở bang Georgia tối 3-11 cho kỳ bầu cử Mỹ năm nay. Ảnh: REUTERS

Có thể thấy qua cuộc thăm dò này, bà Harris có kết quả tốt hơn một chút so với cuộc khảo sát trước đó của The New York Times ở các bang chiến trường mà trước đây bà đã chật vật thu hút sự ủng hộ của cử tri, chẳng hạn North Carolina và Georgia. Trong khi đó, các bang chiến trường “Bức tường xanh” - Michigan, Wisconsin và Pennsylvania - không còn là rào cản đáng ngại đối với ông Trump như trước nữa khi cựu tổng thống đã xóa bỏ khoảng cách dẫn trước của bà Harris ở Pennsylvania.

Cuộc đua giành quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ năm nay kịch tính không kém cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Trong cuộc bầu cử năm nay, tất cả 435 ghế tại Hạ viện sẽ được bầu lại, còn ở Thượng viện là 34/100 ghế. Theo giới quan sát, khả năng sẽ xảy ra kịch bản lần đầu tiên trong hơn 230 năm bầu cử Mỹ: Hạ viện có thể chuyển từ quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa sang quyền kiểm soát của đảng Dân chủ, trong khi Thượng viện có thể chuyển từ quyền kiểm soát của đảng Dân chủ sang quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa.

Về cuộc đua thống đốc, năm nay có 11 bang ở Mỹ bầu lại thống đốc, gồm Delaware, Indiana, Missouri, Montana, New Hampshire, North Carolina, North Dakota, Utah, Vermont, Washington và West Virginia.

Các chuyên gia của tờ The Telegraph nhận định rằng cuộc bầu cử Mỹ năm nay rất khó đoán định, những gì có thể làm lúc này là đợi chính xác kết quả chung cuộc của cuộc đua này. Ông Derek Tisler, chuyên gia về quản lý bầu cử và an ninh tại Trung tâm Công lý Brennan (Mỹ) cho rằng mất ít nhất 4 ngày để biết ai thắng cử, tương tự mùa bầu cử Trump-Biden bốn năm trước.

Gấp rút siết an ninh

Theo tờ The Washington Post, Sở Mật vụ Mỹ cũng đang gấp rút triển khai công tác an ninh để chuẩn bị cho khả năng xảy ra tình bất ổn ở thủ đô Washington, D.C hậu bầu cử Mỹ. Cụ thể, Sở Mật vụ cũng dựng lên nhiều lớp rào chắn cao gần 2,5 m quanh khu phức hợp Nhà Trắng và Bộ Tài chính, các khu vực lân cận Quảng trường Lafayette, cũng như bên ngoài khuôn viên Đài quan sát Hải quân và dinh thự Phó Tổng thống Harris. Điện Capitol đã lắp lại các rào chắn tạm thời có biển báo ghi "Ranh giới cảnh sát: Không được vượt qua" xung quanh khu vực.

Tuần trước, Cảnh sát trưởng Washington D.C. - ông Pamela A. Smith cho biết tất cả 3.300 cảnh sát đủ điều kiện của thủ đô sẽ làm việc theo ca 12 giờ và hầu hết các kỳ nghỉ sẽ bị hủy bỏ ít nhất cho đến hết kỳ bầu cử Mỹ "để đảm bảo chúng tôi có đủ cảnh sát trên đường phố và ở mọi ngóc ngách của thủ đô".

Một nhân viên an ninh canh gác tại Nhà Trắng ngày 3-11 trong bối cảnh bầu cử Mỹ sắp diễn ra. Ảnh: REUTERS

Một nhân viên an ninh canh gác tại Nhà Trắng ngày 3-11 trong bối cảnh bầu cử Mỹ sắp diễn ra. Ảnh: REUTERS

Sở Mật vụ cũng đang thiết lập các biện pháp an ninh bên ngoài trung tâm hội nghị West Palm Beach (bang Florida), nơi ông Trump dự kiến tổ chức tiệc đêm bầu cử. "Cơ quan Mật vụ đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác liên bang, tiểu bang và địa phương tại Washington, D.C và hạt Palm Beach để đảm bảo mức độ an toàn và an ninh cao hơn trong Ngày bầu cử. Những biện pháp này không nhằm ứng phó bất kỳ vấn đề cụ thể nào mà là một phần của các hoạt động chuẩn bị an toàn cho công chúng cho cuộc bầu cử vào ngày 5-11" - cơ quan này cho biết.

Theo hãng tin Bloomberg, nhiều bang ở Mỹ như Maryland, Georgia, Arizona,... cũng đang nỗ lực thiết lập các biện pháp an ninh cho các nhân viên bầu cử và sự an toàn các lá phiếu, không chỉ vào ngày 5-11 mà cho đến khi có kết quả cuối cùng. Quá trình này có thể kéo dài trong nhiều ngày và thậm chí nhiều tuần. Giới chức bang North Carolina đã triển khai công tác an ninh sâu rộng, chuyển các quan chức bầu cử đến một trụ sở mới an toàn hơn được trang bị kính chống đạn và camera giám sát. Trong khi đó, giới chức Wisconsin, Pennsylvania, Michigan,... cũng chi hàng chục triệu USD cho công tác an ninh, từ đầu tư cho máy bỏ phiếu đến đào tạo nhân viên an ninh.

Trước đó, hôm 1-11, Thống đốc bang Washington - ông Jay Inslee cho biết đã huy động bộ phận Lực lượng Vệ binh Quốc gia trực chiến ứng phó khi không may xảy ra bạo lực liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ năm nay.

Mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ

Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) khảo sát 9.720 người trưởng thành (bao gồm 8.044 cử tri đã đăng ký) về 10 chủ đề được cho là những mối quan tâm của cử tri Mỹ, gồm: kinh tế; y tế; bạo lực tội phạm; vấn đề về bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao; nhập cư; chính sách sở hữu súng; vấn đề phá thai; bất bình đẳng sắc tộc và chủng tộc; biến đổi khí hậu; và chính sách đối ngoại, theo pewresearch.org.

Theo khảo sát, có 81% cử tri đã đăng ký cho biết nền kinh tế là vấn đề rất quan trọng khiến họ cân nhắc lá phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Theo tờ The Conversation, tình trạng của nền kinh tế ảnh hưởng đến chi phí hàng ngày trong cuộc sống của người dân. Mặc dù phần lớn những gì quyết định vận mệnh kinh tế là ngoài tầm kiểm soát của tổng thống, nhưng đây luôn là yếu tố chính trong cách mọi người bỏ phiếu.

Bên cạnh đó, có tới 69% cử tri cho biết ít nhất 5/10 vấn đề được hỏi trong cuộc khảo sát là rất quan trọng đối với lá phiếu của họ. Có sự khác biệt lớn giữa những cử tri ủng hộ bà Harris và ông Trump khi nói đến các vấn đề được khảo sát.

Trong số những người ủng hộ ông Trump, nền kinh tế (93%), nhập cư (82%) và tội phạm bạo lực (76%) là những vấn đề hàng đầu. Chỉ có 18% những người ủng hộ ông Trump cho rằng bất bình đẳng về chủng tộc và sắc tộc là rất quan trọng. Và thậm chí chỉ có 11% cho rằng biến đổi khí hậu là rất quan trọng.

Đối với những người ủng hộ bà Harris, các vấn đề như chăm sóc sức khỏe (76%) và bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao (73%) là quan trọng hàng đầu. Phần lớn cũng coi nền kinh tế (68%) và vấn đề phá thai (67%) là rất quan trọng đối với lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử năm nay.

Theo bạn, ai sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ 2024?

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều người Mỹ giàu có đang tích cực tìm kiếm một cuộc sống ở nước ngoài trước cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 5/11.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DƯƠNG KHANG ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN