Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ: Thủ tướng Pháp kêu gọi châu Âu đứng lên chống chọi ông Trump
“Nếu không làm gì cả, số phận của chúng ta rất đơn giản, chúng ta sẽ bị áp đặt. Chúng ta sẽ bị nghiền nát”, Thủ tướng Pháp nói trước thời điểm ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Diễn biến chính
Các nguồn tin của CNN cho hay, ông Biden thức dậy lần cuối cùng tại Nhà Trắng vào sáng ngày 20/1 (giờ Mỹ) và đã sẵn sàng để tham gia một loạt hoạt động theo truyền thống vào Ngày nhậm chức. Ông Biden sẽ tiếp đón ông Trump và phu nhân tại Nhà Trắng để dùng trà. Sau đó, 2 nhà lãnh đạo cùng nhau đi đến Điện Capitol và ông Biden sẽ để lại một lá thư cho người kế nhiệm.
“Điều rất quan trọng đối với ông Biden là tôn trọng truyền thống. Ông ấy mong muốn thực hiện theo đúng quy trình và truyền thống nhiều năm qua”, một quan chức Nhà Trắng nói.
Theo CNN, ông Biden tôn trọng các truyền thống trong Ngày nhậm chức, mặc dù một số nguồn tin cho biết ông tức giận vì bị đảng Dân chủ gây áp lực, buộc phải rời khỏi cuộc bầu cử năm 2024. Ông Biden được cho là cũng không hài lòng khi ông Trump tái đắc cử.
Ivanka Trump và gia đình đi ô tô đến nhà thờ (ảnh: Reuters)
Ivanka Trump (con gái ông Trump) và gia đình đã có mặt tại Nhà thờ St. John ở Washington để chuẩn bị tham dự lễ nhậm chức của ông Trump. Con trai ông Trump là Eric Trump và vợ là Lara Trump cũng đã có mặt tại Nhà thờ St. John.
Gia đình Eric Trump có mặt (ảnh: Reuters)
Theo truyền thống, ông Trump và phu nhân sẽ dự lễ cầu nguyện tại Nhà thờ St. John trước khi ông Trump tuyên thệ và đọc diễn văn nhậm chức.
Nữ Thủ tướng Italia - bà Giorgia Meloni (ảnh: ROPI)
Theo Guardian, bà Giorgia Meloni – Thủ tướng Italia – sẽ là Thủ tướng châu Âu duy nhất có mặt trong lễ nhậm chức của ông Donald Trump.
"Sự xuất hiện của bà Meloni khẳng định vai trò của Italia trong việc củng cố quan hệ giữa châu Âu và Mỹ", Manlio Messina – nghị sĩ Italia – nói.
La Repubblica (nhật báo Italia) đưa tin, bà Meloni thậm chí còn có thể được ông Trump mời gặp riêng sau lễ nhậm chức. Thủ tướng Italia hiện được cho là lãnh đạo châu Âu có mối quan hệ cá nhân tốt nhất với ông Trump.
- Lễ nhậm chức năm 2021 của ông Joe Biden là lần đầu tiên những người tham gia bắt buộc phải đeo khẩu trang và giãn cách xã hội do dịch Covivd-19.
- Lễ nhậm chức năm 2017 của ông Trump là lần đầu tiên buổi lễ được phát trực tiếp trên mạng xã hội Twitter (nay là mạng xã hội X).
- Năm 2008, ông Barack Obama là người da đen đầu tiên nhậm chức Tổng thống Mỹ.
- Năm 2001, người Mỹ lần đầu tiên chứng kiến một cựu Tổng thống (George H. W. Bush) tham dự lễ nhậm chức của con trai mình, George W. Bush.
- Lễ nhậm chức của Lyndon B. Johnson năm 1963, sau vụ Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát, là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ phải nhậm chức trên máy bay.
- Lễ nhậm chức năm 1945 của ông Franklin D. Roosevelt bị đánh giá là tổ chức sơ sài nhất vì khi đó Mỹ trong tình trạng chiến tranh (với phe phát xít). Mọi vật tư đều thiếu thốn.
- Bài diễn văn nhậm chức dài nhất là của Tổng thống Mỹ William Henry Harrison vào năm 1841, với hơn 8.000 từ. Ông qua đời một tháng sau đó vì bệnh viêm phổi.
- Năm 1973, Tổng thống Mỹ George Washington có bài diễn văn nhậm chức ngắn nhất, chỉ chưa đầy 150 từ.
Công tác chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Trump đã sẵn sàng (ảnh: Reuters)
Thủ tướng Pháp Francois Bayrou hôm 20/1 cảnh báo, Pháp và châu Âu phải đứng lên chống chọi ông Trump – Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức – trước các chính sách “mạnh mẽ”, nếu không muốn bị “nghiền nát”.
“Mỹ đã quyết định theo đuổi một đường lối chính trị cực kỳ mạnh mẽ, thông qua sức mạnh đồng USD, thông qua chính sách công nghiệp, thông qua thực tế là họ có thể nắm bắt các khoản đầu tư toàn cầu”, ông Bayrou nói.
“Nếu không làm gì cả, số phận của chúng ta rất đơn giản, chúng ta sẽ bị áp đặt. Chúng ta sẽ bị nghiền nát. Chúng ta sẽ bị gạt ra ngoài lề”, ông Bayrou nói thêm.
Ảnh: Al Jazeera
Theo CNN, cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã quyết định không tham dự buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump.
Các trợ lý của gia đình ông Obama đã từ chối giải thích chi tiết về quyết định bỏ qua lễ nhậm chức của bà Michelle, chỉ nói rằng đó là lựa chọn cá nhân của cựu đệ nhất phu nhân.
Sự không ủng hộ của bà Michelle đối với ông Trump thể hiện rõ sau khi bà đưa ra những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào ông Trump trong chiến dịch tranh cử vào mùa thu năm ngoái.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ không tham dự lễ nhậm chức của ông Trump, một nguồn tin thân cận với kế hoạch của bà nói với CNN. Bà Pelosi đã tham dự lễ nhậm chức đầu tiên của ông Trump vào năm 2017.
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden. Ảnh: Reuters
Theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh "ân xá trước" cho Tướng Mark Milley, Tiến sĩ Anthony Fauci và các thành viên Quốc hội tham gia Ủy ban điều tra sự kiện náo loạn tòa nhà Quốc hội ngày 6/1/2021.
“Đất nước chúng ta phụ thuộc vào những công chức tận tâm, hy sinh mỗi ngày. Họ là huyết mạch nền dân chủ của chúng ta", ông Biden tuyên bố.
“Tuy nhiên, điều đáng báo động là các công chức đã phải đối mặt với những lời đe dọa kéo dài chỉ vì họ thực hiện nhiệm vụ một cách trung thành", ông Biden tiếp tục nói.
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm cũng lưu ý, lệnh ân xá này không ngụ ý rằng những người được ân xá có tội.
“Việc ban hành các lệnh ân xá này không nên bị hiểu nhầm, cũng như việc chấp nhận lệnh ân xá không nên bị coi là sự thừa nhận tội lỗi đối với bất kỳ hành vi nào", ông Biden nhấn mạnh.
Lệnh ân xá trước này được đưa ra sau khi ông Trump cảnh báo về một "danh sách kẻ thù" gồm những người đã đối đầu với ông về mặt chính trị hoặc tìm cách buộc ông chịu trách nhiệm cho nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 và vai trò của ông trong vụ bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ cách đây 4 năm.
Theo CNN, ân xá trước là một quyền đặc biệt của tổng thống Mỹ, được quy định trong Hiến pháp, nhằm tha thứ cho những hành động mà người đó có thể đã thực hiện, dù chưa có phán quyết chính thức từ tòa án.
CNN dẫn lời một quan chức Nhà Trắng sắp nhậm chức cho biết, chủ đề trong bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ là "khôi phục niềm tin" vào nước Mỹ.
“Tôi trở lại chức tổng thống với sự tự tin và lạc quan rằng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một kỷ nguyên mới đầy phấn khích về thành công của quốc gia. Một làn sóng thay đổi đang lan rộng khắp đất nước”, vị quan chức tiết lộ một đoạn ông Trump dự kiến nói trong bài phát biểu.
“Hôm nay, tôi sẽ ký một loạt các sắc lệnh hành pháp mang tính lịch sử. Với những hành động này, chúng ta sẽ bắt đầu khôi phục hoàn toàn nước Mỹ..."
Ảnh: Bryan Woolston/Getty Images
Vào 12h trưa 20/1/2025 giờ địa phương (tức 0h ngày 21/1/2025, giờ Việt Nam), ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ.
Theo Guardian, Phó tổng thống đắc cử JD Vance sẽ tuyên thệ nhậm chức trước, sau đó là tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tiếp đó, ông Trump dự kiến ban hành một loạt các sắc lệnh hành pháp, định hình chương trình nghị sự 4 năm "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: Brandon Bell / Getty Images
Danh sách khách mời đặc biệt
Theo truyền thông Mỹ, ba cựu tổng thống Mỹ - Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton - đều sẽ tham dự. Bên cạnh đó, các lãnh đạo của chính quyền sắp mãn nhiệm, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris không thể vắng mặt.
Danh sách khách mời của ông Trump cũng bao gồm nhiều lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới. Tổng thống Argentina Javier Milei, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, chính trị gia Pháp Eric Zemmour, nghị sĩ Anh Nigel Farage đều dự kiến tham dự. Đây là điều đặc biệt so với các lễ nhậm chức tổng thống khác.
Một số tỷ phú giàu nhất thế giới cũng sẽ góp mặt trong sự kiện đánh dấu sự trở lại của ông Trump, trong đó có tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, CEO Apple Tim Cook và CEO Meta Mark Zuckerberg.
Sự hiện diện của các tỷ phú công nghệ được cho là dấu hiệu cho thấy ngành này đã chấp nhận ông Trump, bất chấp sự dè dặt và chỉ trích trước đây.
Vấn đề biểu tình và an ninh
Khi nhậm chức vào năm 2017, ông Trump phải đối mặt với các cuộc biểu tình rộng khắp cả nước, khi những người biểu tình phản đối ông tràn ra đường phố.
Hơn 200 người biểu tình đã bị bắt trong ngày nhậm chức đầu tiên của ông Trump năm đó.
Vào ngày hôm sau, gần 500.000 người đã tham gia Cuộc tuần hành Phụ nữ tại Washington, đánh dấu một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong một ngày mà thành phố này từng ghi nhận. Trên toàn quốc, gần 4 triệu người đã tham gia các "phiên bản" địa phương của Cuộc tuần hành Phụ nữ.
Tuy nhiên, lần này, phản ứng có vẻ im ắng hơn. Dù dự kiến sẽ có biểu tình, nhưng ít ai kỳ vọng quy mô sẽ lớn như năm 2017.
Theo Al Jazeera, an ninh đã và đang được thắt chặt, đặc biệt sau vụ ám sát ông Trump hồi tháng 7 năm ngoái, khi ông bị bắn và viên đạn sượt vào tai trong lúc vận động tranh cử tại bang Pennsylvania.
Gần 48km hàng rào đã được dựng quanh Tòa nhà Quốc hội, đây là số lượng hàng rào nhiều nhất từng được lắp đặt trong sự kiện tương tự. Với chiều cao 2 mét, hàng rào được thiết kế để ngăn cản những người có ý định trèo qua.
Ước tính khoảng 25.000 nhân viên thực thi pháp luật sẽ tuần tra trong khu vực thủ đô, bao gồm 7.800 thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Chính quyền thành phố Washington, DC, cũng thông báo sẽ có các đoạn đường bị phong tỏa gần khu vực lễ nhậm chức, và những người có vé tham dự sẽ phải qua kiểm tra an ninh nghiêm ngặt.
Tại lễ nhậm chức, điều gì xảy ra? Tại Mỹ, lễ nhậm chức tổng thống là khi tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức và chính thức bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm. Để tuyên thệ nhậm chức, tổng thống đắc cử thường đặt tay lên một cuốn Kinh Thánh, mặc dù một số người đã chọn các cuốn sách khác mang ý nghĩa tâm linh hoặc chính trị. Sau khi đọc lời tuyên thệ nhậm chức, tân tổng thống sẽ phát biểu trước đám đông gồm những người ủng hộ, quan chức chính phủ và các nhà ngoại giao nước ngoài. |
Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ bắt đầu dọn dẹp "bộ máy thất bại và tham nhũng" của nước Mỹ bằng cách đưa ra hàng trăm mệnh lệnh hành pháp ngay...
Nguồn: [Link nguồn]
-20/01/2025 17:10 PM (GMT+7)