Nước láng giềng sắp bầu cử, Ukraine nguy cơ mất đồng minh mạnh mẽ

“Chúng ta là một quốc gia hòa bình. Chúng ta sẽ không gửi một băng đạn nào cho Ukraine”.

Ứng viên thủ tướng Slovakia Robert Fico. (Ảnh: Reuters)

Ứng viên thủ tướng Slovakia Robert Fico. (Ảnh: Reuters)

Đó là tuyên bố mạnh mẽ của ông Robert Fico trước khoảng 300 người ủng hộ tại một sự kiện vận động chính trị ở thành phố Banovce nad Bebravou, miền tây Slovakia, tuần trước.

Trong cuộc bầu cử vào ngày 30/9 tới, vị cựu thủ tướng dân túy có cơ hội chiến thắng để trở thành thủ tướng Slovakia một lần nữa.

Nếu ông Fico thực hiện lời hứa của mình sau khi đắc cử, điều đó sẽ trở thành thay đổi mang tính bước ngoặt đối với Slovakia.

Cho đến nay, Slovakia vẫn là một đồng minh mạnh mẽ của nước láng giềng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Slovakia đang cung cấp vũ khí và dành sự ủng hộ mạnh mẽ về chính trị cho Kiev trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

“Họ sẽ phải ngồi xuống và tìm ra thỏa thuận. Nga sẽ không bao giờ rời khỏi Crimea, không bao giờ rời khỏi những vùng đất mà họ đã kiểm soát”, ông Fico nói trước các cử tri.

Ông Fico chưa chắc chắn sẽ thắng. Có thể không đảng nào giành được đa số và việc thành lập chính phủ liên minh có thể khó khăn. Các nhà ngoại giao phương Tây và giới chức Kiev cho rằng một nước nhỏ như Slovakia không thể làm quá nhiều để gây đảo lộn chính sách của EU và NATO.

Tuy nhiên, chính trị gia 59 tuổi khiến Brussels phải bận tâm khi không chỉ chỉ trích việc áp các biện pháp trừng phạt Nga, mà còn kêu gọi xích lại gần Mátxcơva khi xung đột kết thúc. Ông cũng tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống để ngăn cản Ukraine gia nhập NATO.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Fico nói rằng chiến tranh “nổ ra từ năm 2014 khi những kẻ phát xít ở Ukraine bắt đầu sát hại công dân Nga ở Donbas và Lugansk”.

Đảng của ông Fico đang dẫn trước sít sao, trong bối cảnh dư luận nước này quan tâm đến vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch, giải quyết tình trạng lạm phát do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng gia tăng người di cư trái phép.

Theo các nhà xã hội học, thông tin sai lệch trên mạng xã hội càng gây chia rẽ trong cử tri và góp phần làm tăng tư tưởng hoài nghi ở Slovakia với việc ủng hộ Ukraine.

Những lập luận mà ông Fico đưa ra khiến các đồng minh của Slovakia lo lắng, Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao phương Tây cho biết.

Trong bối cảnh chiến dịch phản công của Ukraine vẫn chưa tạo nên bước đột phá nào, nhiều câu hỏi đang được đặt ra về việc các đồng minh có thể duy trì hỗ trợ tài chính và quân sự bao lâu. Các lãnh đạo EU và NATO phải nỗ lực để có thể duy trì mặt trận thống nhất trong ủng hộ Kiev.

Quan điểm của ông Fico có vẻ tương đồng với Thủ tướng Hungary Viktor Orban, nhà lãnh đạo của châu Âu duy trì quan hệ gần gũi với Nga. Điều này có thể dẫn đến khả năng EU sẽ càng chia rẽ hơn trong các vấn đề về pháp quyền, cuộc xung đột ở Ukraine và di cư.

Các quan chức Ukraine nói rằng họ lo ngại khả năng liên minh của ông Orban trong EU nhiều lên, nhưng lưu ý rằng Hungary thường không tách ra trong những quyết sách quan trọng của khối, vì thế Kiev cho rằng việc ông Fico thắng cử sẽ chỉ gây tác động hạn chế.

Ba Lan thông báo ngừng cấp vũ khí cho Ukraine

Ba Lan - nước thành viên NATO giáp biên giới Ukraine - ngày 20/9 thông báo ngừng cung cấp vũ khí sau khi căng thẳng leo thang giữa hai bên về vấn đề vận chuyển ngũ cốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Linh - Reuters ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN