Nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất Đông Nam Á đối mặt với "đại di tản" 2,5 triệu dân
Hàng triệu người dân tại quốc gia này đang gói ghém đồ đạc và chuẩn bị rời các thành phố lớn để về quê do không thể kiếm sống trong dịch Covid-19. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với hiệu quả của biện pháp phòng chống dịch bệnh tại quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.
2 tuần trước, Okki Soebagio – một chuyên gia tư vấn giải pháp công nghệ thông tin, đã phải đưa cả gia đình rời thủ đô Jakarta (Indonesia) để tới Bali sau khi chứng kiến một người bạn thân của mình tử vong vì Covid-19.
Anh Okki rời thành phố trước khi Jakarta áp đặt các lệnh cấm tụ tập trên 5 người, hạn chế giao thông công cộng và đóng cửa các trường học, doanh nghiệp, nơi thờ tự.
Hôm 9.4, Indonesia đã ghi nhận thêm 40 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày, đưa tổng số người tử vong do virus của nước này lên 280 trường hợp. Indonesia là quốc gia có số người tử vong vì dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á.
Đến ngày 10.4, Indonesia ghi nhận tổng cộng 3.293 ca nhiễm Covid-19.
Phun thuốc khử trùng trên đường phố tại Indonesia (ảnh: SCMP)
Tình hình dịch Covid-19 tại Indonesia đang diễn biến hết sức phức tạp. Thủ đô Jakarta là tâm dịch của quốc gia này với số người nhiễm và tử vong cao nhất cả nước.
Anh Okki lái xe riêng từ Jakarta đến Balia, hành trình kéo dài đến 3 ngày vì không sử dụng phương tiện công cộng và phải đi đường vòng.
“Dân cư ở Bali thưa hơn Jakarta. Tôi cảm thấy đây sẽ là nơi an toàn cho gia đình mình ở thời điểm hiện tại”, anh Okki cho biết và nói thêm rằng bản thân khá may mắn vì công việc của ông có thể làm tại nhà và họp qua video, nhưng nhiều người thì sẽ không được như vậy.
Thủ đô Jakarta của Indonesia có hơn 30 triệu dân, chiếm khoảng 18% tổng GDP của cả nước, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Tiền tệ, cổ phiếu và trái phiếu chính phủ của Indonesia đang giảm giá trị nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này được dự báo sẽ giảm xuống chỉ còn 2,3% trong năm nay.
Chôn cất người tử vong vì Covid-19 tại Indonesia (ảnh: SCMP)
Các chuyên gia y tế cho rằng, thời điểm đỉnh dịch của Indonesia vẫn còn chưa tới. Theo cơ quan y tế, tổng số ca nhiễm Covid-19 của Indonesia sẽ tăng lên 95.000 người vào cuối tháng sau.
Tổng thống Indonesia – ông Joko Widodo, đang hứng nhiều chỉ trích từ dư luận khi cố gắng tránh một kịch bản người di tản giống Ấn Độ và không đồng ý áp dụng một lệnh phong tỏa thủ đô hoặc toàn quốc.
Tại Ấn Độ, hàng triệu người đã đổ ra đường và tìm đường về quê vì không có việc làm và tiền để tiếp tục sống trong các thành phố lớn do lệnh phong tỏa. Nhiều người Ấn Độ đã tử vong vì đói khát và đau ốm trong chuyến hành trình dài tới hàng trăm km trong dịch Covid-19, bất chấp lệnh hạn chế di chuyển và cấm tụ tập của chính phủ.
Hôm 9.4, Tổng thống Widodo đã công bố một khoản ngân sách bổ sung để hỗ trợ cho hàng triệu lao động nhập cư tại Jakarta – những người đang bị mất việc làm vì dịch Covid-19.
Ông Widodo hy vọng gói hỗ trợ sẽ giữ chân những lao động này ở lại Jakarta và không tìm cách về quê, nếu không, Covid-19 có thể “lây lan như cháy rừng”.
Ông Widodo sẽ không ra lệnh cấm di chuyển khỏi thủ đô như lời khuyên của các chuyên gia y tế, thay vào đó, ông sẽ kêu gọi người dân ở lại với các gói hỗ trợ từ chính phủ.
Dân Ấn Đổ đổ về quê thì không có việc làm do lệnh phong tỏa trong dịch Covid-19 (ảnh: Mediaindonesia)
Theo chính quyền Jakarta, ước tính, sẽ có khoảng 2,5 triệu lao động nhập cư rời khỏi thành phố để về quê trong thời gian ngắn sắp tới. Tại một số thành phố lớn khác, hàng nghìn lao động đã kéo ra đường và về quê, gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Chính phủ Indonesia đã quyết định sẽ hỗ trợ cho hơn 1,2 triệu hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Jakarta số nhu yếu phẩm trị giá 37 USD/tháng/hộ, bắt đầu thực hiện ngay trong tuần này.
“Nếu chỉ hỗ trợ bằng hàng hóa thì cũng không đủ vì người lao động nhập cư còn phải trả cả tiền thuê nhà. Vì vậy, nguy cơ hàng triệu người đổ về quê vẫn là rất cao”, Muhammad Habib Abiyan Dzakwan, chuyên gia phân tích kinh tế - xã hội tại Indonesia nhận xét.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nhiều người nghĩ rằng Covid-19 chỉ nhân lên nhiều nhất tại phổi, do phổi người nhiễm có các thụ thể tương thích giúp...
Nguồn: [Link nguồn]