Nước có hơn 24.000 ca tử vong vì Covid-19 chuẩn bị cho nới lỏng phong tỏa
Quốc gia này đang đứng đầu châu Âu về số ca tử vong vì Covid-19 và đứng thứ 2 về số ca nhiễm.
Theo Reuters, Thủ tướng Italia, Giuseppe Conte, hôm 21/4 thông báo, quốc gia châu Âu này có thể bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 4/5. Dù vậy việc nới lỏng, được người dân chờ đợi từ lâu, cần thận trọng và phải được tính toán kỹ lưỡng.
"Chúng ta có lý do để nới lỏng lệnh phong tỏa từ ngày 4/5", ông Conte phát biểu và nhấn mạnh một chiến lược dỡ bỏ lệnh phong tỏa vội vã, vô tổ chức sẽ dẫn đến những mất mát lớn với người Italia.
Để ngăn đại dịch Covid-19 lây lan, chính phủ Italia đã đưa ra các biện pháp hạn chế mạnh tay vào tháng 3, bao gồm yêu cầu người dân ở trong nhà, đóng cửa các trường học và doanh nghiệp trên toàn quốc.
Lực lượng quân đội và an ninh làm nhiệm vụ kiểm soát chống dịch Covid-19 ở gần thành phố Milan, miền bắc Italia, hôm 8/4. Ảnh: EPA
Các biện pháp hạn chế đã gây ra tác động lớn tới nền kinh tế lớn thứ 3 ở khu vực các nước sử dụng đồng euro nhưng mang lại hiệu quả trong kiểm soát đại dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới ngày càng giảm. Thủ tướng Conte cho biết, vào cuối tuần này, ông sẽ công bố kế hoạch của chính phủ về việc nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc.
"Tôi ước có thể ra lệnh rằng: Hãy mở cửa mọi thứ ngay lập tức. Chúng ta sẽ bắt đầu khôi phục hoạt động từ sáng mai. Nhưng quyết định như vậy là vô trách nhiệm", Thủ tướng Italia viết trên Facebook cá nhân.
Ông Conte hứa hẹn "một kế hoạch nghiêm túc và khoa học", có thể bao gồm việc xem xét lại các phương thức giao thông, cho phép người lao động đi lại an toàn, các quy định kinh doanh mới và các biện pháp để kiểm tra xem việc nới lỏng có làm gia tăng số ca nhiễm hay không.
Thủ tướng Italia, Giuseppe Conte. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Thủ tướng Italia không nói cụ thể loại hình doanh nghiệp, cửa hàng nào sẽ được phép mở cửa trở lại đầu tiên hoặc các biện pháp hạn chế nào sẽ được giữ lại khi kiểm soát người dân di chuyển trên toàn quốc.
Theo thống kê mới nhất từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Italia có hơn 183.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 24.600 ca tử vong và 56.000 ca khỏi bệnh. Quốc gia này hiện đứng đầu ở châu Âu về số ca tử vong vì Covid-19 và đứng thứ 2 về số ca nhiễm.
Nhiều nước trên thế giới đang cân nhắc hoặc bắt đầu thực hiện các bước nới lỏng lệnh phong tỏa, dù Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo việc này cần được làm cẩn thận và chỉ nên làm khi có khả năng cách ly các ca nhiễm và lần dấu người tiếp xúc gần.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Châu Âu cùng Mỹ vẫn là các tâm dịch lớn nhất nhì trên thế giới về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19.