Nước Anh với thách thức cho 'bình thường mới'

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Chính phủ Anh nhiều khả năng sẽ không tái kích hoạt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt dù dịch COVID-19 phức tạp trở lại.

Đặt cạnh những nước khác trong cùng khu vực châu Âu, Anh hiện đang là một trong những vùng dịch nghiêm trọng nhất. Cơ quan Y tế Anh công bố số liệu cho thấy nước này trong ngày 19-10 (giờ địa phương) đã ghi nhận 223 ca tử vong mới vì COVID-19 - con số cao nhất kể từ đầu tháng 3. Số ca nhiễm mới ở mức gần 44.000, dù ít hơn so với vài ngày trước song vẫn là con số cao nhất kể từ giữa tháng 7. Một số liệu đáng lo ngại khác là số bệnh nhân trở nặng phải nhập viện cũng tiếp tục gia tăng ở mức trên 10%, theo tờ The Otago Daily Times.

Lý giải số ca nhiễm, tử vong gia tăng ở Anh

Tờ The Japan Times dẫn lời một số chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số ca nhiễm và ca tử vong vì COVID-19 tăng cao tại Anh hiện nay.

Đầu tiên, Anh là quốc gia đầu tiên dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 từ ngày 19-7, sớm hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Âu. Kể từ giữa tháng 7, các tụ điểm vui chơi đông người trong không gian kín như bar, hộp đêm, vũ trường ở Anh đã không còn áp dụng các biện pháp hạn chế và hoạt động gần như bình thường như trước khi xảy ra dịch.

Người dân Anh tập trung tại quảng trường Leicester tại trung tâm thủ đô London hồi tháng 8. Ảnh: AP

Người dân Anh tập trung tại quảng trường Leicester tại trung tâm thủ đô London hồi tháng 8. Ảnh: AP

Theo một khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) thực hiện mới đây, khoảng 15% người trưởng thành ở Anh cho biết không có thói quen đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tỉ lệ này là khá cao so với một số nước châu Âu, như Tây Ban Nha và Ý là dưới 2%, còn Pháp chỉ khoảng 4%. Khảo sát cũng chỉ ra người Anh ít cảnh giác và không ngại sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tham gia các sự kiện tụ tập đông người hoặc đi đến những nơi tập trung đông đúc. 

Nguyên nhân quan trọng thứ hai là tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Anh đang chững lại trong vài tuần gần đây. Tờ The Evening Standard dẫn số liệu của công ty thống kê Statista (Đức) cho thấy sau thời gian xếp đầu châu lục với tốc độ tiêm chủng thần tốc, Anh hiện rớt xuống vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng và bị các nước như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Ý qua mặt.

Tiến độ tiêm chủng những tuần gần đây tại xứ sương mù trung bình hiện chỉ còn đạt hơn 20.000 liều một ngày, sụt giảm đáng kể so với đỉnh cao 800.000 liều một ngày hồi giữa tháng 3. Tính đến ngày 19-10, đã có gần 49,4 triệu người Anh (khoảng 86% dân số) được tiêm ít nhất một mũi, 45,3 triệu người trong số này được tiêm đủ hai liều.

Theo hãng tin Sky News, nhiều khả năng tiến độ tiêm chủng vaccine của Anh bị chậm đi là do chính quyền nước này khởi động chương trình tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi trễ hơn các nước châu Âu khác. Trong khi nhiều quốc gia xung quanh đã bắt đầu tiêm chủng cho đối tượng này từ tháng 6, Anh chỉ mới triển khai từ tháng 9 trở lại đây.

GS Sharifah Sekalala thuộc ĐH Warwick (Anh) còn chỉ ra rằng việc chính quyền Anh ban đầu chỉ giới hạn người cần tiêm vaccine phải từ 18 tuổi trở lên khiến một bộ phận trẻ vị thành niên cho rằng không cần thiết phải tiêm chủng vì không có rủi ro nhiễm COVID-19 như người trên 18 tuổi. Nhiều phụ huynh tại Anh cũng ngần ngại tiêm vaccine cho con trẻ do chưa có nhiều nghiên cứu về vaccine cho trẻ em và hiệu quả của nó so với vaccine dành cho người trên 18 tuổi, dẫn tới tỉ lệ tiêm chủng ở đối tượng này thấp. Việc không tiêm đủ vaccine cho trẻ em trước mắt đã khiến số ca nhiễm ở trẻ em gia tăng sau khi năm học mới bắt đầu và trẻ quay lại trường.

Chính quyền Anh sẽ phản ứng như thế nào?

Trước các dấu hiệu đáng lo ngại này, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19-10 đã ra tuyên bố cho biết chính quyền đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến mới của dịch COVID-19 và khẳng định đã có kế hoạch sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất. Hồi đầu tuần này, ông Johnson cũng trực tiếp lên tiếng cảnh báo người dân Anh cần phải chuẩn bị tinh thần phải đối mặt với một mùa đông đầy thử thách và phải hết sức bảo vệ sức khỏe của mình.

Dù vậy, theo một số chuyên gia như Giám đốc Viện Di truyền học thuộc ĐH London (Anh) Francois Balloux, việc số ca nhiễm tăng cao như hiện nay đã nằm trong tính toán từ trước của chính quyền ông Johnson khi quyết định mở cửa vào tháng 7.

“Việc để tỉ lệ nhiễm gia tăng vào các tháng trong mùa thu như hiện nay sẽ có lợi cho Anh, giúp nước này vượt qua giai đoạn mùa đông khắc nghiệt mà không lo các cơ sở y tế lúc đó bị quá tải giường bệnh. Những người đã nhiễm COVID-19 nếu vượt qua sẽ không nhiễm lại hoặc ít nhất là không trở nặng để phải cần can thiệp y tế” - ông Balloux chia sẻ với tờ Financial Times.

Đồng quan điểm, GS Neil Ferguson thuộc ĐH Hoàng gia London (Anh) - cố vấn cấp cao của chính phủ cũng cho rằng dù không thể biết chắc chắn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, song tình hình hiện nay vẫn chưa ở mức quá nguy hiểm và số ca nhiễm mới có thể giảm kể từ lúc này.

Trả lời phỏng vấn mới đây về các biện pháp đối phó với số ca nhiễm và tử vong gia tăng, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng khẳng định chính phủ hiện không có ý định siết chặt các biện pháp phòng dịch và khẳng định người dân có thể an tâm đi chơi dịp lễ cuối năm mà không nên quá lo ngại, theo The Evening Standard.

Do đó, nhiều khả năng Anh sẽ tiếp tục duy trì trạng thái “bình thường mới”, mở cửa cho các hoạt động kinh tế tự do hiện nay chứ không cân nhắc đóng cửa, phong tỏa trở lại như sáu tháng đầu năm. Có thể London sẽ cân nhắc tiếp tục áp dụng một số quy định như đeo khẩu trang bắt buộc, giãn cách xã hội, khuyến khích lao động làm việc tại nhà, song song với việc thúc đẩy chương trình tiêm vaccine tăng cường để hỗ trợ cho hệ thống y tế quốc gia.

Giới y tế Anh theo dõi chặt biến thể Delta Plus

Cũng trong ngày 19-10, phát ngôn viên của Thủ tướng Boris Johnson cho biết chính quyền Anh đang theo dõi một biến thể phụ tên Delta Plus sinh ra từ biến thể Delta đang có dấu hiệu gia tăng trong các ca nhiễm mới COVID-19 ở nước này, theo đài BBC. Người này cũng nhấn mạnh chưa có bằng chứng biến thể này gây ra đợt gia tăng mạnh số ca nhiễm, tử vong mới gần đây.

Theo BBC, biến thể phụ Delta Plus nhìn chung rất hiếm gặp bên ngoài nước Anh và mới chỉ có chưa tới 10 ca được phát hiện tại Mỹ tính đến thời điểm hiện tại. Tuy biến thể này vẫn lây lan ở mức độ thấp, song giới chuyên gia cảnh báo vẫn cần phải để mắt tới nó. 

Ghi nhận hơn 40.000 ca mắc COVID-19 trong ngày, vì sao Anh vẫn bình thản?

Ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất thế giới và số ca tử vong có xu hướng tăng nhưng Anh quốc hiện nay vẫn tỏ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN