Nữ ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen và mối lo ngại của Liên minh châu Âu
Người ta lo ngại nếu ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen trở thành Tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử vòng 2 vào cuối tháng 4 này, bà sẽ trở thành “ác mộng” với Liên minh châu Âu.
Nhiều chính sách của nữ ứng cử viên Tổng thống Pháp khiến châu Âu lo ngại
Một ngày sau khi lọt vào vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, bà Marine Le Pen tuyên bố không thể rõ ràng hơn: “Tôi không muốn rời EU. Đó không phải là mục tiêu của tôi”. Tuy nhiên, phần lớn những gì mà nhà lãnh đạo cực hữu của đảng Mặt trận quốc gia Pháp muốn làm, cả về kinh tế, chính sách xã hội lẫn nhập cư, đều ngụ ý việc phá vỡ các quy tắc của EU. Thế nên, người ta lo ngại việc bà trở thành lãnh đạo cao nhất của Pháp sau ngày bầu cử 24-4 tới có thể gây ra tai họa cho liên minh 27 thành viên này.
Mặc dù nữ chính trị gia này có thể từ bỏ những cam kết trước đó là đưa Pháp - một thành viên sáng lập và là nền kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu - ra khỏi Khu vực đồng tiền chung euro và EU, nhưng nhiều đề xuất chính sách cụ thể của bà Marine Le Pen đã mâu thuẫn với các nghĩa vụ của tư cách thành viên EU. Đơn cử, chủ nghĩa chủ quyền, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc của bà hoàn toàn trái ngược với cam kết của Pháp đối với hội nhập châu Âu. Chìa khóa cho kế hoạch của bà Le Pen là một cuộc trưng cầu dân ý sớm về một luật được đề xuất về “quyền công dân, danh tính và nhập cư” sẽ sửa đổi hiến pháp để cho phép “ưu tiên quốc gia” cho công dân Pháp trong việc làm, phúc lợi an sinh xã hội và nhà ở công cộng. Biện pháp này không tương thích với các giá trị của EU.
Cuộc trưng cầu dân ý tương tự sẽ thiết lập “tính ưu việt của luật pháp quốc gia so với luật pháp châu Âu” để cho phép Pháp “không chỉ kiểm soát nhập cư mà trong mọi lĩnh vực khác, điều hòa sự tham gia của châu Âu với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo vệ lợi ích của mình” - đảng Mặt trận Dân tộc tuyên bố. Mục đích là để cho phép Pháp lựa chọn áp dụng các quy định của pháp luật EU mà nước này thích và không thích, điều đã bị EU loại bỏ đầu tiên trong các cuộc đàm phán Brexit với Vương quốc Anh. Ông Jean-Louis Bourlanges - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Pháp nói: “Thật là vô lý. Bạn khẳng định tính ưu việt của luật pháp quốc gia, nhưng lại không chấp nhận luật pháp châu Âu. Chương trình của Marine Le Pen không tương thích với việc Pháp tiếp tục trở thành thành viên EU”.
Bà Le Pen cũng đặt mục tiêu thiết lập lại các biện pháp kiểm soát biên giới đối với con người và hàng hóa nhập khẩu trong khối Schengen, đồng thời đơn phương cắt giảm đóng góp của Pháp cho ngân sách EU khi khuôn khổ tài chính nhiều năm của khối cho giai đoạn 2021-2027 đã được sửa đổi. Các kế hoạch tiếp tục cắt giảm thuế đối với các mặt hàng thiết yếu và nhiên liệu sẽ vi phạm các quy tắc thị trường tự do của EU. Vì thế, người ta dự đoán, bà Le Pen làm Tổng thống có thể có nghĩa là một cuộc khủng hoảng “ghế trống” kéo dài 5 năm (gợi lại các sự kiện năm 1965 khi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle lúc bấy giờ liên tiếp tẩy chay các thể chế châu Âu vì vấn đề ngân sách).
Những người phản đối và các nhà bình luận đã gọi chiến lược này là “Frexit trong tất cả - trừ tên gọi”, được hiểu là cách tiếp cận mặc dù không nhằm loại bỏ Pháp khỏi EU, nhưng có thể dẫn đến bế tắc hoặc tê liệt trong quan hệ với Brussels. “Chính sách của bà Le Pen ở EU là: Chúng tôi sẽ cùng trên xe buýt nhưng cho nó lao vào vách đá” - Mujtaba Rahman, Giám đốc châu Âu của Công ty tư vấn Eurasia Group cảnh báo. Nhiều thành viên Liên minh châu Âu cũng lo lắng rằng, một nước Pháp do bà Le Pen lãnh đạo cũng sẽ tạo ra động lực lớn cho các chính phủ theo chủ nghĩa bảo thủ quốc gia ở các nước như Ba Lan và Hungary, điều này dẫn đến khả năng hình thành liên minh tạo chia rẽ sâu sắc hơn trong khối.
Nguồn: [Link nguồn]
Ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp, Marine Le Pen, đối thủ hàng đầu của Tổng thống Emmanuel Macron, bày tỏ quan điểm phản đối châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt năng lượng với...