Nữ Thủ tướng Anh vấp khủng hoảng ngay đầu nhiệm kỳ

Sự kiện: Tin tức Anh

Mấy tuần đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Anh Liz Truss ngập trong khủng hoảng. Chỉ 48 giờ đồng hồ sau khi bà nhậm chức, Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, khiến cả nước chuyển sang những ngày tưởng nhớ và đưa tiễn, kéo theo việc kế hoạch hành động của chính phủ mới cũng bị chậm.

Thủ tướng Anh Liz Truss

Thủ tướng Anh Liz Truss

Sau khi kết thúc giai đoạn quốc tang, Chính phủ Anh công bố hàng loạt chính sách quyết liệt, nổi bật nhất là kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 48 tỷ USD. Kế hoạch này bao gồm cả giảm thuế cho nhóm có thu nhập cao nhất, vì thế bị chỉ trích là có lợi cho người giàu hơn là hàng triệu dân thu nhập thấp hơn.

Theo logic của Chính phủ Anh, việc giảm thuế như vậy sẽ kích thích đầu tư, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong cuộc trả lời CNN tuần trước, bà Truss bảo vệ kế hoạch kinh tế của mình, cho rằng chính phủ đang “khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và cũng có lợi cho người dân bình thường”.

Tuy nhiên, kế hoạch của bà có vẻ vấp phải phản ứng dội ngược ngay lập tức. Ngày 26/9, đồng bảng rơi xuống mức thấp nhất trong gần 4 thập kỷ, chỉ còn một điểm nữa là ngang hàng với đô la Mỹ.

Ngày 28/9, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo sẽ mua trái phiếu Chính phủ Anh nhằm “khôi phục các điều kiện trật tự thị trường” và ngăn chặn “rối loạn” sau khi đồng bảng mất giá.

Tối 27/9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ra tuyên bố hiếm thấy khi chỉ trích kế hoạch giảm thuế của Chính phủ Anh, nói rằng điều này “có thể sẽ làm gia tăng bất bình đẳng”.

Chủ tịch Công đảng Keir Starmer. (Ảnh: CNN)

Chủ tịch Công đảng Keir Starmer. (Ảnh: CNN)

Cơ hội cho Công đảng

Những rối loạn này xảy ra vào thời điểm không thể tốt hơn cho Công đảng đối lập, khi họ chuẩn bị có hội nghị thường niên tại Liverpool trong tuần này.

Trước khi bước vào hội nghị, Công đảng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao chưa từng thấy từ thời ông Tony Blair chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển cử.

Công đảng đi xuống trầm trọng từ khi đánh mất quyền lực năm 2010. Hai nhà lãnh đạo gần đây nhất của họ đều đánh mất uy tín cá nhân trong nhiều vấn đề, từ kinh tế đến an ninh.

Lãnh đạo gần đây của họ là ông Jeremy Corbyn có quan hệ với những người bị cho là cực đoan, phản đối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và bài Do Thái.

Khi người kế nhiệm của ông là Keir Starmer tiếp quản năm 2020, công việc mà ông phải làm là loại bỏ ảnh hưởng của ông Corbyn khỏi đảng rồi trao vị trí cho nhà lãnh đạo mới, có thể phải đến tận năm 2030 thay vì cuộc tổng tuyển cử năm 2024.

Tuy nhiên, trong tuần này, Công đảng có vẻ đang ở vị trí chờ tiếp quản chính phủ. Mới chỉ 1 năm trước, ông Boris Johnson trông giống như một nhà vô địch không thể đánh bại trên chính trường Anh.

Nhưng sau những bê bối kéo tụt uy tín của ông Johnson và tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ, ông Starmer, một luật sư có cách ăn nói nhẹ nhàng và trang phục không ấn tượng, có vẻ sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh.

Trong 2 năm lãnh đạo Công đảng, Starmer đã loại bỏ được nhiều nhân tố trong đảng theo phe Corbyn. Công đảng đã chuyển từ ngôi nhà của những tư tưởng cực tả thành nơi thu hút nhiều nhân vật vận động hành lang cho các công ty, những người sẵn sàng sát cánh với chính phủ tiềm năng tiếp theo.

Nguồn: [Link nguồn]

Bản sắc riêng của nữ Thủ tướng Anh Liz Truss

Nữ Thủ tướng của Anh Liz Truss nhiều lần được so sánh với “bà đầm thép” Margaret Thatcher, nhưng bà Truss khẳng định - "Tôi có bản sắc riêng".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN