Nữ phi công ở Trung Quốc: Nghề hot nhưng khó được tuyển nhất thế giới
Mặc dù Trung Quốc đang thiếu hụt phi công nghiêm trọng, con đường để trở thành nữ phi công ở nước này vẫn rất chông gai, theo Reuters.
Nữ phi công Han Siyuan
Khi Han Siyuan quyết định nộp đơn xin học làm phi công vào năm 2008, cô phải cạnh tranh với 400 nữ sinh trong các bài kiểm tra toàn diện: từ tiếng Anh đến đến chiều dài chân.
Cuối cùng, cô trở thành người phụ nữ duy nhất trong trường đại học của mình được hãng hàng không Spring Airlines, có trụ sở tại Thượng Hải, chọn đào tạo năm đó. Giờ, Han là cơ trưởng của hãng hàng không giá rẻ, nhưng quá trình tuyển dụng nữ phi công ngày nay vẫn chưa dễ dàng hơn ở Trung Quốc.
Han là một trong 713 phụ nữ Trung Quốc (tính đến cuối cuối năm 2017) có giấy phép lái máy bay dân sự, so với 55.052 đàn ông. Trong số 800 phi công của Spring Airlines, chỉ có 6 phi công là nữ.
"Tôi đã quen với việc sống trong thế giới nhiều đàn ông", Han nói với Reuters.
Tỷ lệ nữ phi công của Trung Quốc chỉ là 1,3% - một trong những con số thấp nhất thế giới.
Han là cơ trưởng của hãng hàng không Spring Airlines
Nhưng các hãng hàng không Trung Quốc đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt phi công nghiêm trọng trong bối cảnh nhu cầu đi lại tăng cao.
Các hãng hàng không Trung Quốc sẽ cần 128.000 phi công mới trong hai thập kỷ tới, theo dự báo của hãng Boeing Co. Sự thiếu hụt này đã khiến họ thuê nhiều cơ trưởng người nước ngoài.
Chen Jingxian, một luật sư tại Thượng Hải, người từng học bay tại Mỹ, cho biết: “Nhiệm vụ là bắt đầu dẹp bỏ những khó khăn đầy rẫy trên con đường học làm phi công, giúp những người đi sau có con đường dễ dàng hơn”.
Những nỗ lực nhỏ
Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Tỷ lệ nữ phi công ở Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ít hơn 3%.
Nhưng tại Ấn Độ, nơi giống như Trung Quốc, có một thị trường hàng không phát triển mạnh, mọi chuyện khác hẳn. Nhờ vào việc tuyển dụng và hỗ trợ tích cực, Ấn Độ có tỷ lệ nữ phi công thương mại cao nhất thế giới, ở mức 12%.
Các hãng hàng không Trung Quốc chỉ tuyển học viên trực tiếp từ các trường đại học hoặc quân đội. Họ thường ưu tiên ứng viên nam và rất hiếm khi tuyển nữ.
Han trò chuyện với đồng nghiệp trước giờ bay
Ngoài ra, không giống như ở các thị trường khác, chẳng hạn như Mỹ, Trung Quốc không cho phép chuyển đổi chứng chỉ bay cá nhân sang chứng chỉ bay thương mại.
Li Haipeng, phó giám đốc Viện Quản lý hàng không dân dụng ở Trung Quốc, cho biết nhiều hãng hàng không không muốn thuê phụ nữ vì họ sẽ phải nghỉ thai sản.
Nam phi công sẽ không nghỉ sinh, và sau khi Trung Quốc cho phép sinh hai con, các hãng hàng không không muốn tuyển dụng và huấn luyện phi công nữ vì người này có thể không bay được trong khoảng 5 năm, Li nói.
Li cho biết Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đã có một số nỗ lực để tuyển dụng phi công nữ, nhưng “gần như tất cả các công ty khác thì không”.
Hãng hàng không Xiamen Airlines, một chi nhánh của China Southern, nói với Reuters rằng họ cung cấp tới 540 ngày nghỉ thai sản. Công ty bắt đầu tuyển dụng phi công nữ vào năm 2008 và dừng lại vài năm trước khi bắt đầu lại năm ngoái. Trong số 2.700 phi công của họ, 18 phi công là nữ trong khi 18 người khác đang tập huấn.
"Để phụ nữ trở thành phi công chắc chắn là một cách tốt để tăng cường khả năng bay của một hãng hàng không", phát ngôn viên của hãng cho biết.
Kêu gọi thay đổi
Han hy vọng quá trình tuyển dụng phi công ở Trung Quốc sẽ thay đổi
Các nữ phi công Trung Quốc đang kêu gọi hệ thống tuyển dụng thay đổi.
Vào tháng 3, Hiệp hội Phi công hàng không Trung Quốc (ChALPA) đã thành lập một chi nhánh phụ nữ tại một sự kiện có sự tham dự của các phi công quân đội và các hãng hàng không địa phương.
Luật sư Chen, người cũng là phó chủ tịch chi nhánh phụ nữ ChALPA, cho biết cô và những người khác đã cố gắng truyền bá thông điệp bằng cách nói về vấn đề này tại các chương trình hàng không ở Trung Quốc.
Cuối cùng, tổ chức hy vọng sẽ thuyết phục các hãng hàng không Trung Quốc điều chỉnh chính sách tuyển dụng và thai sản của họ.
Một sự thay đổi cần có khác là cho phép phi công nói chung chuyển đổi sang giấy phép bay thương mại.
“Đó là một vấn đề mang tính hệ thống”, Chen nói. "Chúng tôi hy vọng sự thay đổi có thể xảy ra trong 3-5năm, nhưng đây không phải là điều tùy thuộc vào chúng tôi”.
Han, người gần đây xuất hiện trong các video quảng cáo của Spring Airlines, cho biết cô hy vọng sự quảng bá này sẽ giúp nâng cao nhận thức.
“Tôi không thể trao cho mọi người cơ hội”, cô nói. "Nhưng tôi hy vọng sự quảng bá này có thể từ từ mở cửa cho các công ty hoặc cho các cô gái có ước mơ lái máy bay”.
Nữ phi công Amelia Earhart biến mất trong khi đang bay vòng quanh thế giới vào năm 1937.