Nữ điệp viên xinh đẹp "tổ nghề" của mỹ nhân kế trời Tây
Được mệnh danh là người phụ nữ "không thể cưỡng lại" hồi thế chiến II, Betty Pack sử dụng kỹ năng quyến rũ siêu hạng của mình để lấy thông tin từ kẻ địch.
Betty Pack trong ngày cưới
"Mỹ nhân kế" thường là chiêu trò của những điệp viên đẹp mê hồn. Được coi như phiên bản nữ của điệp viên James Bond, Betty Pack đã dùng sắc đẹp của mình lấy thông tin mật cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Tạp chí Time năm 1963 nhận xét rằng không mấy ai có khả năng như điệp viên Anh-Mỹ này.
Bí danh của Betty Pack tại MI6, cơ quan tình báo Anh là "Cynthia". Hoạt động của cô được cấp trên là Sir William Stephenson coi là "nữ anh hùng thầm lặng của cuộc chiến". Việc phát hiện được mật mã của hải quân Pháp và Ý, giải mã Enigma của Đức đã giúp quân Đồng minh bước trước phe trục và giành chiến thắng.
Amy Elizabeth "Betty" Thorpe sinh tại Minneapolis, Minnesota (Mỹ) năm 1910. Bà là đứa trẻ hiếu động khác thường "Khi còn nhỏ cho tới lớn, tôi vừa muốn được một mình, lại vừa luôn phấn khích với mọi thứ cảm xúc kể cả sự sợ hãi", Betty tâm sự với điệp viên Harford Montgomery Hyde, cũng là người tình lâu năm, trong cuốn tiểu sử The Last Goodnight.
Cô gái nổi loạn yêu quý cha mình, Đại tá George Thorpe và căm ghét bà mẹ Cora. Dù có học vấn cao, Cora chỉ được con gái xem như một người thượng lưu ưa tiệc tùng an nhàn.
Kể từ khi 11 tuổi, cô gái cao, mảnh mai với tóc nâu và mắt xanh lá cây đã thu hút được rất nhiều người. Nhà ngoại giao Ý Alberto Lais say mê cô bé tới nỗi tới trường chỉ để trò chuyện. Điều đó đã khiến Betty trở thành điệp viên thành công sau này.
"Cô ấy có sức hấp dẫn được khuếch đại một cách đáng sợ. Khi vào trung học, Betty đã phát hiện vui thú lớn đó là tình dục, và viết trong nhật ký 'Niềm vui lớn nhất là khi một người đàn ông và một phụ nữ ở cùng nhau". Năm 19 tuổi, Betty có thai và không biết cha đứa trẻ là ai. Trở thành một bà mẹ tuổi teen không khác gì tự sát. Cô nhanh chóng nghĩ ra kế thoát nạn, lẻn vào giường Arthur Pack, tùy viên ngoại giao Anh gấp đôi tuổi mình.
Cả hai kết hôn năm 1930, bắt đầu những năm mà Betty gọi là "lang bạt" theo chồng khắp nơi do nghề nghiệp. Nhưng cô phát hiện ra Arthur ám ảnh với địa vị và danh dự. Lo lắng đứa con không phải của mình, Pack bắt cô đưa đứa trẻ cho một gia đình nuôi hộ. Biết không thể yêu người này, cô bắt đầu ngoại tình. Hồi ở Chile và Tây Ban Nha, Betty, tiểu thư thông thạo ba ngôn ngữ, trở thành một "phu nhân ngoại giao" hoàn hảo.
Bằng tài ăn nói, Betty từng cứu nhiều mối quen biết ra khỏi tù, như người tình Carlos Sartorius bị bắt lúc Tây Ban Nha có chính biến. Cô dần lọt vào mắt xanh của các cơ quan tình báo.
Năm 1938, gia đình chuyển tới Ba Lan. Càng ngày càng xa cách với chồng, Betty ngoại tình với một nhân viên tại Bộ Ngoại giao Ba Lan. Người này chia sẻ nỗi lo về việc Ba Lan bí mật bắt tay với Đức. Người phụ nữ thông minh đã sớm nhìn ra sự nguy hiểm của phát xít lập tức đầu quân cho MI6. Kể từ đó, cô tìm thấy tất cả những gì mình muốn: sự hưng phấn, trí tuệ, và mục đích sống: làm mật vụ cho Nữ hoàng Anh.
Sau đó, Betty Pack nhanh chóng ve vãn bá tước Michal Lubienski, phụ tá Bộ trưởng ngoại giao Ba Lan. Các báo cáo thường nhật của cô luôn được MI6 trông đợi. Nếu không nhờ Betty khám phá ra việc Ba Lan đọc được mật thư từ các máy Enigma của Đức, nhà toán học Alan Turing sẽ không thể nào lắp ráp được chiếc máy giải mã.
Một bức phác thảo của Betty
Sau đó, cô tới Prague (Cộng hòa Séc) ăn trộm tài liệu từ Konrad Henlein, lãnh đạo đảng Sudeten thuộc Phát xít, trong đó có kế hoạch thôn tính Trung Âu trong 3 năm.
Tiếp theo, Betty tới Chile viết báo tuyên truyền chống Đức Quốc xã cho tờ La Nacion dưới tên Elizabeth Thomas, nhưng sớm bỏ chồng và con gái, về Washington làm nhà báo tự do dưới sự đồng ý của Anh để thâm nhập vào xã hội dễ hơn.
Tại đây, cô bắt đầu cuộc sống thoải mái hơn, nhưng lại sớm nhận nhiệm vụ giải mật mã hải quân Ý. Thân thế cao sang giúp cô bẫy Alberto Lais, mật vụ Hải quân Ý. Lais vô tư nói toàn bộ mọi thứ với "cô gái vàng" mà không chút mảy may nghi ngờ. Vì thế mà hải quân Ý luôn thất bại trong chiến tranh.
Alberto Lais
Tiếp theo là nhiệm vụ tương tự nhưng với hải quân Pháp. Tùy viên Pháp Charles Brousse si mê Betty khủng khiếp, dù cô thẳng thắn vạch ra giới hạn "Tôi không thuộc về anh hay bất kỳ ai, mà thuộc về cơ quan tình báo". Betty còn đe dọa "Giờ đang có chiến tranh, và anh đã thề thốt yêu đương mà không giúp tôi thì tôi sẽ tìm cách khác". Brousse nhanh chóng ưng thuận cung cấp mọi bí mật cho Betty.
Tuy nhiên, để lấy được cuốn sách đó không dễ dàng. Cô sắp xếp một kế hoạch táo tợn, thuyết phục người gác đại sứ quán cho cả hai lẻn vào trong. Người này tin rằng anh ta chỉ đang tạo điều kiện cho hai nhân tình vì suốt một thời gian dài họ cố ý quan hệ một cách ồn ào.
Betty bắt đầu đánh thuốc ngủ người lính gác nhưng thất bại. Tới lần thứ 3, biết rằng đã bị để ý, họ ở trần truồng và khiến anh lính một phen xấu hổ. Cũng vào hôm ấy, với sự trợ giúp của người chuyên phá két mật danh "Georgia Cracker" Betty chụp lại toàn bộ cuốn sách.
Betty Pack vẫn đẹp trong những năm cuối đời
Đây hẳn là báu vật cho quân đội Anh và Mỹ. Các nước đồng minh đã thay đổi toàn bộ cục diện cuộc chiến. Không may là sự nghiệp của Betty đổ bể khi vợ Brousse lu loa về nghề nghiệp bí mật của Betty lúc phát hiện đôi nhân tình trên giường.
Sau chiến tranh, Brousse và Betty kết hôn, chuyển về Lâu đài Castelnou trong dãy núi Pyreness. Dù yên bình, cô vẫn bồn chồn khó chịu vì nếu không có một nghề nghiệp thú vị như gián điệp, cô cảm thấy mình rẻ rúng và tầm thường như những phụ nữ mà cô đã coi thường khi còn bé.
Trước khi qua đời vì ung thư năm 1963, khi được hỏi có cảm thấy xấu hổ vì những gì mình đã làm, Betty chế giễu: "Xấu hổ hả? Ít nhất cấp trên của tôi khẳng định tôi đã cứu hàng nghìn mạng người Anh và Mỹ, những kẻ mà muốn sống cuộc sống đứng đắn. Nhưng rất tiếc không thể thắng trong chiến tranh bằng những biện pháp quân tử được".