Nụ cười của Tổng thống Putin với Bộ trưởng Shoigu gửi tín hiệu tới phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã gửi tín hiệu tới phương Tây thông qua cuộc tập trận Vostok 2022.
Phương Tây đã nhận được một tín hiệu quan trọng từ Tổng thống Nga Putin thông qua cuộc tập trận quốc tế mang tên Vostok 2022. Kết luận này đã được trình bày bởi nhà báo người Anh Hanna Leven trên tờ Daily Mirror.
Ông Vladimir Putin có tinh thần phấn chấn khi theo dõi cuộc tập trận Vostok 2022 đang diễn ra ở Nga với sự tham gia của các quân nhân đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, khi cười rất tươi trong lúc trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.
Theo nhận xét của nhà báo Hanna Leven, sự hiện diện của Tổng thống Nga tại cuộc diễn tập quân sự và những cảm xúc mà ông thể hiện có thể được hiểu là một tín hiệu gửi tới phương Tây.
Tác giả bài viết đăng tải trên ấn phẩm Anh nói rõ: “Tổng thống Vladimir Putin mỉm cười và nói đùa với những người chỉ huy quân sự của mình trong khi kiểm tra các khoa mục của cuộc tập trận quốc tế quy mô lớn".
Nhà báo của tờ Daily Mirror lưu ý rằng bản thân cảm thấy bị ấn tượng bởi tâm trạng tốt của Tổng thống Putin, người đang theo dõi cuộc tập trận quân sự với Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Gerasimov.
Sự hiện diện của nhà lãnh đạo tại sự kiện và những cảm xúc của ông cho thấy Quân đội Nga có khả năng tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn như vậy, ngay cả khi đang diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
“Bằng cách tiến hành cuộc tập trận Vostok 2022, ông Putin dường như đang gửi đi một tín hiệu rằng Quân đội Nga có khả năng hoạt động như bình thường, bất chấp tình hình ở Ukraine”, chuyên gia của Daily Mirror nhận xét.
Cuộc tập trận Vostok 2022 bắt đầu diễn ra vào ngày 1 tháng 9, sự kiện quân sự nói trên có sự tham gia của 50.000 quân nhân đến từ một số quốc gia, nổi bật là sự hiện diện của Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngoài ra vào ngày 5 tháng 9, các tàu chiến của Nga và Trung Quốc đã thực hành đẩy lùi một cuộc tấn công đường không của đối phương bằng hệ thống pháo và tên lửa phòng không hạm tàu.
Không chỉ có vậy, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga đã trình diễn việc phóng tên lửa hành trình Calibre, tấn công và tiêu diệt thành công mục tiêu ở khoảng cách lên tới hơn 300 km.
“Quân đội Ấn Độ tham gia cuộc tập trận chỉ vài ngày sau khi Mỹ ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về sự góp mặt của nước ngoài trong các cuộc tập trận do Nga tổ chức”, nhà báo Hanna Leven lưu ý.
Điều này rõ ràng cho thấy không dễ để cô lập nước Nga, đặc biệt khi sau lưng họ vẫn còn hai đối tác hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự mà Mỹ không dễ gì đối phó hay cấm đoán.
Trục liên kết Nga - Trung - Ấn hoàn toàn có thể xem như đối trọng với liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO do Mỹ đứng đầu về quân sự, hay trục Mỹ - EU trên lĩnh vực kinh tế cũng như chính trị.
Không loại trừ khả năng đây chính là nền tảng của một thế giới đa cực mới đang dần được hình thành, thách thức trật tự quốc tế do phương Tây thiết lập bấy lâu nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhật Bản được mệnh danh là “đất nước Mặt trời mọc”, nhưng danh hiệu này phù hợp với Nga hơn, Tổng thống Putin nói.