NASA công bố bức ảnh "Mặt trời cười" cực hiếm
Ảnh vệ tinh của NASA cho thấy Mặt trời “có gương mặt hạnh phúc” và đang “tươi cười”, tuy nhiên, một số người cảnh báo hiện tượng này có thể ảnh hưởng xấu tới Trái đất.
Ảnh “Mặt trời cười” khiến cư dân mạng thích thú (ảnh: NASA)
“Đài quan sát Động lực học Mặt trời của chúng tôi bắt gặp Mặt trời đang mỉm tười. Những mảng tối trên Mặt trời mà chúng ta nhìn thấy là lỗ nhật hoa”, NASA viết trên mạng xã hội Twitter.
Theo NASA, từ các lỗ nhật hoa trên Mặt trời, từ trường sẽ bị đẩy ra ngoài không gian.
Đài quan sát Động lực học Mặt trời thực chất là một vệ tinh được NASA phóng lên vũ trụ vào tháng 1/2010. Vệ tinh này có nhiệm vụ quan sát và tìm hiểu sự liên quan giữa hoạt động của Mặt trời với thời tiết Trái đất. Vệ tinh của NASA cũng có thể thu thập thông tin về từ trường Mặt trời và bầu khí quyển Trái đất.
Bức ảnh “Mặt trời cười” của NASA thu hút rất nhiều chú ý của cư dân mạng, Guardian đưa tin hôm 29/10. Một số người cho rằng Mặt trời giống như người đàn ông đang hạnh phúc, cũng có người nói nó giống quả bí ngô được khắc mặt người trong lễ hội Halloween.
Bất chấp “vẻ ngoài thân thiện” của Mặt trời, một số chuyên gia cảnh báo, hiện tượng lỗ nhật hoa xuất hiện đồng nghĩa với một cơn bão từ trường có thể hướng đến Trái đất vào cuối tuần này.
“Mặt trời tươi cười đang phun những luồng từ trường về phía Trái đất”, Guardian dẫn thông tin từ Spaceweather (trang tin thời tiết vũ trụ của Mỹ).
Hiện tượng lỗ nhật hoa được phát hiện từ những năm 1970. Chúng là những khu vực có nhiệt độ thấp hơn, mật độ plasma cũng mỏng hơn các vùng khác trên bề mặt Mặt trời. Trên ảnh vệ tinh chụp Mặt trời, các lỗ nhật hoa sẫm màu hơn vùng xung quanh.
Từ lỗ nhật hoa, các luồng từ trường của Mặt trời sẽ phun ra ngoài. Nếu chúng hướng về Trái đất, có thể ảnh hưởng đến nguồn điện hoặc gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến.
Hành tinh nằm cách xa Mặt trời nhất và các vệ tinh của nó lộ diện trong bức ảnh chi tiết chưa từng thấy do kính viễn vọng trị giá 10 tỷ USD chụp lại.
Nguồn: [Link nguồn]