NTY: Mỹ cân nhắc hỗ trợ Ukraine tấn công mục tiêu Nga ở bán đảo Crimea
Chính phủ Mỹ đang cân nhắc khả năng trang bị cho Ukraine năng lực và vũ khí cần thiết để đe dọa mục tiêu quân sự Nga trên bán đảo Crimea, theo tờ New York Times (NYT).
Khói bốc lên sau vụ nổ tại một căn cứ quân sự Nga ở bán đảo Crimea vào ngày 9/8/2022.
Các cuộc thảo luận như vậy của giới chức Mỹ nêu bật sự thay đổi dần dần, theo hướng ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với Kiev, dù Washington luôn khẳng định không đối đầu trực tiếp với Moscow.
Sau nhiều tháng do dự, Nhà Trắng hiện đang cân nhắc khả năng Ukraine có thể “cần thêm sức mạnh” để tiến hành các cuộc tấn công có tầm xa hơn, cụ thể là các mục tiêu quân sự Nga ở Crimea, New York Times ngày 18/1 dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ giấu tên, cho biết.
"Giới chức Mỹ đang thảo luận với những người đồng cấp Ukraine về việc sử dụng vũ khí Mỹ cung cấp, từ hệ thống HIMARS cho đến xe bọc thép Bradley và các vũ khí khác để tấn công mục tiêu ở bán đảo Crimea", New York Times cho biết.
Theo quan điểm của giới chức Mỹ, nếu Kiev có thể chứng minh năng lực gây sức ép lên bán đảo Crimea thì điều này sẽ củng cố vị thế trên bàn đàm phán với Moscow trong tương lai.
Trước đây, Ukraine đã nhiều lần nhắm tới tòa nhà chính quyền và sân bay quân sự, kho đạn Nga trên bán đảo. Nhưng chủ yếu chỉ sử dụng máy bay không người lái (UAV).
Không rõ cụ thể Washington muốn hỗ trợ Kiev nhằm gây sức ép lên bán đảo theo cách nào, nhưng xe bọc thép Bradley là "vũ khí tấn công được nhắc tới trong kế hoạch".
Bán đảo Crimea, nơi Nga đặt căn cứ quân sự chiến lược ở cảng Sevastopol, đã được Moscow tăng cường bảo vệ. Cùng với các xe bọc thép khác do Pháp và Đức cung cấp, Ukraine có thể thành lập lực lượng tăng thiết giáp với nòng cốt là vũ khí phương Tây, nhằm mở chiến dịch phản công trong giai đoạn đông - xuân năm 2023, theo New York Times.
Tuy vậy, giải pháp tăng cường sức ép lên bán đảo Crimea vẫn đang để ngỏ do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa quyết định cung cấp tên lửa đạn đạo ATACMS có tầm bắn 30km và xe tăng chủ lực M1 Abrams.
Hôm 18/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng khẳng định rằng Washington không đặt bất kỳ "giới hạn" nào đối với các chiến dịch phản công của Ukraine hoặc "đưa ra quyết định về mục tiêu" thay cho Kiev.
Bán đảo Crimea thuộc quyền kiểm soát của đế quốc Nga từ cuối thế kỷ 18 cho đến khi được Liên Xô chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954. Năm 2014, Nga mở cuộc trưng cầu dân ý và sáp nhập bán đảo sau khi cuộc Cách mạng Maidan nổ ra ở Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]
Sự việc xảy ra sau khi Ukraine từ chối đề xuất ngừng bắn từ phía Nga trong dịp Giáng sinh của Chính thống giáo, báo Nga RT cho biết.