Nóng cuộc đua vũ khí hạt nhân trong năm 2024

Các nhà chuyên gia dự báo trong năm 2024 các quốc gia sẽ tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân nhằm đẩy mạnh năng lực quốc phòng.

Những lo ngại về xung đột hạt nhân tăng cao trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine bùng nổ.

Giới chuyên gia dự báo rằng năm 2024 này những lo ngại về xung đột hạt nhân sẽ càng nóng hơn. Các quốc gia có kế hoạch gì về cuộc đua vũ khí hạt nhân trong năm 2024?

Triều Tiên tăng cường chế tạo vũ khí hạt nhân năm 2024

Ngày 27-12-2023, trong phiên họp hội nghị trung ương khóa VIII lần thứ 9 của đảng Lao động Triều Tiên, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng trong năm 2024 nước này sẽ phóng thêm ba vệ tinh do thám quân sự, tăng chế tạo máy bay không người lái mang vũ khí, tăng chế tạo thêm vũ khí hạt nhân, hãng thông tấn KCNA đưa tin.

“Tình hình nghiêm trọng đòi chúng ta phải đẩy nhanh các công việc tăng khả năng ứng phó chiến tranh” - ông Kim nhận định, đồng thời chỉ trích các chính sách của Mỹ và các đồng minh vì những động thái khiêu khích có nguy cơ đẩy Bán đảo Triều Tiên đến bờ vực xung đột hạt nhân, theo KCNA.

Ông Kim kêu gọi các cơ sở sản xuất vũ khí đạn dược, bao gồm cả sản xuất chế tạo bom hạt nhân và quân đội tăng tốc chuẩn bị để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào.

Theo tạp chí Diplomat, năm 2024 Triều Tiên có thể tập trung phát triển các vệ tinh trinh sát quân sự nội địa và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm tăng cường khả năng quân sự của nước này.

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 được phóng từ một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên, hình ảnh công bố vào ngày 13-07-2023. Ảnh: KCNA

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-18 được phóng từ một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên, hình ảnh công bố vào ngày 13-07-2023. Ảnh: KCNA

Theo đài CNN, trong năm 2023, Triều Tiên đã tiến hành một loạt các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, bao gồm tên lửa tầm xa chạy bằng nhiên liệu rắn có tên Hwasong-18. Các chuyên gia quốc phòng cho biết chương trình tên lửa của Triều Tiên đã “hoàn thiện”.

Nga: Hệ thống tên lửa bất khả chiến bại Sarmat sẵn sàng hoạt động năm 2024

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga có kế hoạch tiến hành 7 vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong năm 2024, theo hãng tin Sputnik.

Trong 5 năm qua, Lực lượng Tên lửa Chiến lược đã thực hiện hơn 20 vụ phóng ICBM để thử nghiệm các hệ thống tên lửa tiên tiến và diễn tập các cuộc tập trận về quản lý lực lượng vũ trang Nga, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat nổ tung trong vụ phóng thử năm 2018 từ bệ phóng Plesetsk ở tây bắc nước Nga. Ảnh: Al Jazeera

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat nổ tung trong vụ phóng thử năm 2018 từ bệ phóng Plesetsk ở tây bắc nước Nga. Ảnh: Al Jazeera

Ngoài ra, Đại tướng Sergey Karakayev - Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga cho biết công việc phát triển hệ thống Sarmat - được xem như hệ thống ICBM bất khả chiến bại - gần như đã hoàn thành. Theo Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos, hệ thống sẵn sàng chiến đấu vào năm 2024, hãng thông tấn TASS đưa tin.

RS-28 Sarmat là hệ thống tên lửa đặt phóng từ hầm ngầm hiện đại nhất của Nga. Hệ thống này được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng có khả năng mang tới 15 đầu đạn hạt nhân, theo kênh Al Jazeera.

Tên lửa này được phát triển tại Trung tâm tên lửa bang Makeyev (thị trấn Miass thuộc vùng Chelyabinsk) để thay thế ICBM R-36M2 Voevoda hoạt động trong Lực lượng tên lửa chiến lược Nga từ năm 1988. Dựa trên ước tính của các chuyên gia, RS-28 Sarmat có khả năng mang đầu đạn MIRVed nặng tới 10 tấn tới bất kỳ địa điểm nào trên toàn thế giới.

Theo Sputnik ngày 14-1, ông Viktor Liina - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga - xác nhận các tàu ngầm Antey 949A của nước này đang được hiện đại hóa và trang bị vũ khí mới.

Các tàu ngầm này được trang bị vũ khí hạng nặng nhất với tối đa 72 tên lửa hành trình, bao gồm tên lửa Kalibr, Oniks và Zircon. Trong đó, tên lửa Kalibr có tầm hoạt động lên tới 4.500 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân?

Theo dữ liệu tháng 12-2023 của Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran đang làm giàu uranium tới mức 60%, gần bằng mức 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân, theo hãng tin Reuters.

Trong một báo cáo, IAEA cho biết kho dự trữ uranium đã làm giàu của Iran ước tính đã gấp hơn 22 lần mức 202,8kg (447lb) đặt ra trong Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Báo cáo cho biết tính đến ngày 28-10-2023 tổng kho dự trữ uranium đã làm giàu của Iran ước tính đạt 4.486,8kg (9.891,7lb), tăng 693,1kg (1.528lb) so với tháng 8-2023, theo Al Jezeera.

Theo tờ Financial Times, các quan chức Mỹ cho biết Iran có khả năng sản xuất đủ vật liệu phân hạch cần thiết để phát triển vũ khí hạt nhân trong khoảng hai tuần.

Tuy nhiên, phía Iran đã phủ nhận thông tin trên và cho rằng đây là âm mưu chính trị của Mỹ và Irasel, nhằm chuyển hướng chú ý của người dân khỏi cuộc xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza.

Vào tháng 7-2015, Iran đã ký kết với nhóm P5+1 (các nước Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức) về Kế hoạch hành động toàn diện chung hay còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Theo thỏa thuận, Iran đồng ý dỡ bỏ các hoạt động hoạt nhân, bao gồm việc không làm giàu uranium ở mức cần thiết cho chế tạo vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế lên nước này. Thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1-2016.

Tuy nhiên, năm 2018, tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt lên Iran. Iran đã đáp trả bằng cách hoạt động lại chương trình hạt nhân.

Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Mỹ sẽ quay trở lại JCPOA nếu Iran tuân thủ thỏa thuận. Sau 2 năm đàm phán, các nước vẫn chưa đạt thêm thỏa hiệp nào và tính đến năm 2024 nhiều điều khoản trong JCPOA đã bắt đầu hết hiệu lực. Ví dụ như các hạn chế về máy ly tâm sản xuất nhiên liệu hạt nhân sẽ được dỡ bỏ.

Kế hoạch hạt nhân của Mỹ

Theo tờ The Guardian hôm 20-8-2023, Lực lượng không quân Mỹ (USAF) được phân bổ khoản tài trợ 50 triệu USD để thực hiện dự án mở đường cho vũ khí hạt nhân vào căn cứ không quân Anh trong năm 2024.

Trình bày lý do xây ký túc xá 144 giường ở căn cứ Không quân Hoàng gia Anh (RAF) Lakenheath ở Suffolk trước Quốc hội Mỹ, USAF cho biết dự án được triển khai nhằm chuẩn bị cho sự gia tăng số quân nhân vào thời điểm thực thi "sứ mệnh bảo đảm" - biệt ngữ được Lầu Năm Góc sử dụng. Theo các chuyên gia, biệt ngữ này đề cập đến việc xử lý vũ khí hạt nhân.

Việc xây dựng ký túc xá dự kiến ​​bắt đầu vào tháng 6-2024 và kéo dài đến tháng 2-2026, và là khâu công tác chuẩn bị mới nhất cho khả năng vũ khí hạt nhân của Mỹ quay trở lại lãnh thổ Anh sau hơn 15 năm.

Tuy nhiên, các tài liệu không chỉ rõ Anh có ý định trở thành căn cứ lâu dài cho vũ khí hạt nhân của Mỹ hay chỉ là căn cứ dự phòng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hay không.

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) báo cáo trong ngân sách quốc phòng năm 2023 rằng Anh đã được thêm vào danh sách các quốc gia đang tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng vào các kho lưu trữ "vũ khí đặc biệt" ở châu Âu, cùng với Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

FAS ước tính có khoảng 100 quả bom trọng lực B61 đang được cất giữ ở 5 quốc gia này. Chúng được rút khỏi Anh vào năm 2007, nhưng các cơ sở lưu trữ bom không được tháo dỡ mà chỉ đóng cửa.

Ngoài ra, theo trang tin Defense News hôm 27-08-2023, Bộ Quốc phòng Mỹ đang phát triển một phiên bản mới của bom trọng lực hạt nhân B61. Lầu Năm Góc cho biết trong thông báo rằng loại bom này có tên là B61-13, sẽ có công suất tương tự B61-7 và thay thế một số loại bom trọng lực cũ. Hiệu suất của B61-7 cao hơn B61-12, loại bom gần đây nhất được bổ sung vào kho vũ khí của quân đội Mỹ.

Nguồn: [Link nguồn]

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố Mỹ là bên gây leo thang căng thẳng trong khu vực và cảnh báo về những phản ứng "mạnh mẽ" hơn từ Bình...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC LAN ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN