Nóng cuộc đua vị trí Tổng thư ký NATO
Bên cạnh hai ứng viên tiềm năng là Bộ trưởng Quốc phòng Anh và nữ Thủ tướng Đan Mạch, nhiều cái tên khác cũng đang được cân nhắc cho vị trí Tổng thư ký NATO tiếp theo.
Cuộc đua tranh chức Tổng thư ký NATO (khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đang dần tăng nhiệt, dù đa phần đều diễn ra ở phía sau hậu trường và hiện chưa có dấu hiệu ai sẽ là người chiến thắng, theo hãng Reuters.
Ông Jens Stoltenberg dự kiến sẽ rời vị trí Tổng thư ký NATO vào tháng 9 tới sau 9 năm đảm nhiệm. Nhiều quốc gia thành viên mong muốn việc chọn tân lãnh đạo của liên minh sẽ hoàn tất trước hoặc trong hội nghị thượng đỉnh NATO vào giữa tháng 7 tại Lithuania.
Đương kim Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO
Bất kể ai trở thành tân Tổng thư ký NATO sẽ phải đối mặt với thách thức kép, đó là duy trì sự đoàn kết của các thành viên trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine, trong khi đảm bảo không cho bất cứ sự leo thang nào trong xung đột Nga-Ukraine có thể kéo NATO trực tiếp tham gia cuộc chiến.
Những gương mặt tiềm năng
Vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã tiết lộ sự quan tâm tới chiếc ghế Tổng thư ký NATO, nói rằng “tôi thích công việc này", theo hãng thông tấn Đức DPA.
“Tổng Thư ký NATO là một công việc tuyệt vời và NATO là một phần quan trọng không thể thiếu trong an ninh của chúng tôi.” - ông Wallace nói, tuy nhiên ông cho biết vị trí lãnh đạo NATO không phải do ông quyết định mà do tất cả các thành viên trong liên minh chọn ra.
Dù vậy nhiều nhà ngoại giao đánh giá thấp khả năng ông Wallace sẽ trở thành người đứng đầu NATO mặc dù ông nhận được sự tôn trọng rộng rãi trong liên minh.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace (trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO
Trong khi đó, nhiều quốc gia thành viên đang thúc đẩy việc chọn ra một nữ Tổng thư ký NATO đầu tiên. Một số người mong muốn một cựu thủ tướng hoặc cựu tổng thống giữ chức Tổng thư ký NATO để đảm bảo người lãnh đạo liên minh có tiếng nói và quyền lực chính trị cấp cao nhất. Bên cạnh đó, nhiều người lại mong muốn Tổng thư ký NATO tương lai sẽ đến từ một quốc gia châu Âu để thắt chặt quan hệ giữa NATO và liên minh châu Âu (EU).
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hiện đang nổi lên như một ứng cử viên tiềm năng và đáp ứng ba tiêu chí nêu trên.
Tin tức về việc bà Frederiksen đang được cân nhắc trở thành người kế nhiệm ông Stoltenberg được tờ VG của Đan Mạch lần đầu đưa tin vào tháng trước. Gần đây, sự phỏng đoán này tiếp tục nhận được sự thu hút của truyền thông sau khi Nhà Trắng thông báo bà Frederiksen sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 6.
Theo truyền thống, vị trí này lãnh đạo NATO thuộc về một người châu Âu, nhưng bất kỳ ứng cử viên nào cũng cần sự ủng hộ từ phía Washington, quốc gia lãnh đạo liên minh.
Một nguồn tin cho biết chính quyền ông Biden vẫn đang còn tranh luận và chưa chọn ra ứng cử viên ưa thích. Trong khi đó một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói "còn quá sớm để suy đoán ai là ứng viên Mỹ sẽ ủng hộ".
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Ảnh: Michele Tantussi/POOL/REUTERS
Mặc dù bà Frederiksen khẳng định bà không phải là một ứng cử viên cho chiếc ghế lãnh đạo NATO, song các nhà ngoại giao NATO tiết lộ rằng các cuộc thảo luận phía sau hậu trường thì nữ Thủ tướng Đan Mạch đang được cân nhắc một cách nghiêm túc. Nếu được chọn làm người kế nhiệm ông Stoltenberg thì bà sẽ là lãnh đạo NATO thứ ba liên tiếp đến từ một quốc gia Bắc Âu.
Bà Frederiksen, 45 tuổi, trở thành Thủ tướng Đan Mạch trẻ nhất vào năm 2019 và tiếp tục lãnh đạo đất nước sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 2022. Tuy nhiên nếu được chọn làm Tổng thư ký NATO, bà sẽ buộc phải từ chức Thủ tướng, điều mà nhiều nhà bình luận cho rằng sẽ đẩy chính phủ mong manh của bà đến bờ vực sụp đổ.
Những ứng viên khác
Bên cạnh hai ứng viên tiềm năng nói trên thì một số cái tên nổi bật đang được các nhà ngoại giao cũng như báo chí thảo luận, bao gồm Thủ tướng Estonia - bà Kaja Kallas, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen và Phó Thủ tướng Canada - bà Chrystia Freeland.
Tuy nhiên các nhà ngoại giao nhận định bà Kallas quá cứng rắn với Nga so với một số thành viên NATO. Trong khi đó, Đức muốn bà von der Leyen tiếp tục điều hành Uỷ ban châu Âu. Còn bà Freeland phải đối mặt với một trở ngại lớn là bà không đến từ một quốc gia châu Âu mà đến từ Canada, một nước bị coi là chậm chạp trong chi tiêu quốc phòng.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen. Ảnh: John Thys/POOL/REUTERS
Một số cái tên khác cũng đang được cân nhắc là Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Nhưng ông Rutte khẳng định ông không muốn làm công việc này, trong khi ông Sanchez đang nỗ lực cho cuộc tổng tuyển cử trong năm nay.
Các cuộc thảo luận về việc chọn ra ai sẽ làm Tổng thư ký NATO thường diễn ra trong các cuộc tham vấn kín giữa 31 lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO cùng với các nhà ngoại giao. Những cuộc tham vấn sẽ tiếp tục cho đến khi tất cả các thành viên NATO đạt được đồng thuận về ứng cử viên phù hợp cho chiếc ghế lãnh đạo liên minh.
Tuy nhiên thời gian cho các cuộc tham vấn trên còn rất ít, chưa tới 4 tháng. Do đó, trong trường hợp liên minh chưa đạt được đồng thuận thì rất có thể nhiệm kỳ của ông Stoltenberg sẽ được gia hạn thêm, ít nhất là cho đến một hội nghị thượng đỉnh NATO khác vào năm 2024. Ông Stoltenberg trước đó từng cho biết ông không muốn ở lại vị trí này lâu hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
NATO chuẩn bị phê duyệt hàng ngàn trang kế hoạch quân sự bí mật lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh về việc phản ứng trước một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.