Sau siêu bão, đảo "thiên đường" biến thành “địa ngục”
Đồ ăn, thức uống, và các khoản viện trợ nhân đạo khác đang được khẩn trương chuyển tới Abaco, một trong những hòn đảo thuộc lãnh thổ Bahamas bị siêu bão Dorian tàn phá nặng nề nhất.
Sự tan hoang đến "chết chóc" của một phần khu dân cư trên đảo Abaco, Bahamas, sau khi bị siêu bão Dorian tàn phá (Ảnh: Reuters)
Siêu bão mạnh nhất đổ bộ vào Bắc Mỹ trong một thập kỷ qua đã phá hủy hoặc gây hư hại nghiêm trọng đối với phần lớn nhà dân trên đảo Abaco, từ cảng Marsh đến khu vực bến du thuyền Treasure Cay, san bằng toàn bộ các khu dân cư và đẩy hàng nghìn người vào cảnh vô gia cư.
Ở những khu vực giàu có hơn trên đảo, trận bão đã làm bật tung nhiều mái nhà và xé toạc các cửa garage ô tô. Nhiều du thuyền bị đánh dạt vào các bến cảng hay bãi cỏ trên bờ, trong khi nhiều xe cộ bị cây cối đè bẹp. Những khu vực nghèo hơn thì đơn giản là bị san phẳng hoàn toàn, với những ngôi nhà tạm bị gió thổi bay, để lộ các mảnh bếp lò nằm ngổn ngang.
Hôm thứ Bảy vừa qua (7.9), Liên Hợp Quốc ước tính có tới hơn 70.000 cư dân tại Bahamas đã bị mất nhà cửa.
“Một số người mất mạng, số khác thì mất sạch những gì họ từng có,” ông Kevin Pritchard, một người dân địa phương, cho biết.
Cơn bão đã phá hủy lưới điện và làm đình trệ dịch vụ di động đối với toàn bộ người dân trên đảo, trừ một số người sống gần tòa nhà chính phủ đã bị đánh sập. Điều này đã làm phức tạp hóa các nỗ lực cứu trợ, vốn phần lớn được triển khai thông qua sóng di động vệ tinh.
“Chúng tôi cần máy phát điện. Chúng tôi cần nhiên liệu, nếu không thì chúng tôi sẽ phải sống mà không có điện trong một thời gian rất dài,” Darnika Farrington, một người dân địa phương khác, cho hay. Cô hiện tại đang ngủ nhờ nhà bà do ngôi nhà của mình đã bị phá hủy.
Một trực thăng cứu trợ bay ngang qua khu dân cư bị bão Dorian phá hủy tại Abaco (Ảnh: USA Today)
“Lạy Chúa, thật khó có thể hình dung đấng tạo hóa lại có thể gây ra điều này,” ông Mark Baker, một nhân viên cứu trợ đồng thời là chủ một công ty xây dựng tại Murfreesboro, bang Tennessee, Mỹ, cho biết. Vốn quen thuộc với những thảm họa thiên tai tương tự do từng có thời gian làm công tác cứu trợ tại Haiti, song thảm họa lần này khiến ông Baker cảm thấy sốc hơn những lần trước, vì gia đình ông từng đến thăm Abaco trong hàng chục năm, và thậm chí từng dành các ngày nghỉ trong dịp lễ Tạ Ơn tại đây.
“Tôi lo ngại chúng ta sẽ không thể kịp phục hồi được hòn đảo từ giờ đến cuối năm nay,” Baker lo lắng, “Thiên đường nhỏ của chúng tôi giờ đã biến thành địa ngục. Dù sao chúng ta cũng nên hy vọng rằng điều này sẽ không kéo dài quá lâu.”
“Hòn đảo đã phải chịu thiệt hại quá lớn từ bão lụt,” Alannah Vellacott, một người dân địa phương, cho biết, “Những ngôi nhà ở khắp mọi nơi đã bị cơn bão khoắng sạch sành sanh. Ghế, thảm, rèm cửa, thậm chí các đồ gia dụng cỡ lớn như tủ lạnh, bếp lò, bồn rửa và máy sấy đều đã bị thổi vương vãi đi khắp nơi.
Tình hình hiện tại đang rất bi quan và chúng tôi vẫn đang phải trông đợi vào công tác cứu hộ trên diện rộng từ bên ngoài, cùng các tình nguyện viên sẵn sàng giúp chúng tôi dọn dẹp, tái thiết nhà cửa, chăm sóc cho người già và những người bị thương.”
“Tôi giờ đang phải cố tìm đường ra khỏi đảo để mua các loại nhu yếu phẩm, đồ gia dụng cần thiết và vật liệu xây dụng để có thể bắt tay xây lại căn nhà của mình,” Vellacott thổ lộ. Nhà của bố cô đã bị phá hủy dù cả gia đình đều an toàn.
Các nỗ lực ứng phó với thảm họa của chính quyền Bahamas và các lực lượng cứu hộ của Mỹ phải mất nhiều ngày mới có thể được triển khai, trong khi các đội ngũ cứu trợ khác vẫn phải chờ sự cho phép của chính phủ để có thể hỗ trợ bác sĩ cùng các thiết bị khác như bình gas, cưa máy hay các loại máy phát điện.
Người dân tại Abaco phải đợi nhiều ngày trời tại sân bay Treasure Key mới nhận được hàng cứu trợ (Ảnh: USA Today)
Tại Sân bay Treasure Key, hàng trăm người sống sót đã phải đợi trong một thời gian dài để được sơ tán bằng máy bay. Hầu hết trong số họ đã phải phơi nắng ngoài trời mà không có nơi tạm trú hay nhà vệ sinh.
Gary Freiberger, một trong những phi công chở hàng cứu trợ, đã bay từ thành phố Fort Lauderdale, Florida, đến giúp đỡ hòn đảo mà ông đã từng viếng thăm vào năm 1980.
Chứng kiến tòa nhà ga sân bay bị phá hủy và các xe chở hành lý bị lật tứ tung, Gary cảm thấy mình bắt buộc phải có trách nhiệm giúp đỡ những người mà ông đã quen biết trong hàng thập kỷ. “Đây là lúc để tôi trả ơn họ,” ông cho biết.
Bên cạnh đó, công tác vệ sinh cũng nhanh chóng trở thành mối quan tâm hàng đầu. Dù nước đóng chai vẫn được tiếp tế đều đặn qua nhiều chuyến bay, người dân trên đảo vẫn cần một số lượng lớn hơn thế cho việc tắm rửa và đại/tiểu tiện. Bất cứ ai lái xe trên đảo đều có nguy cơ bị xịt lốp nếu cán phải các mảnh tàn tích trên đường, trong khi khí gas trở nên khan hiếm đến mức các đội cứu hộ phải hút khí từ những xe cộ bị bỏ hoang.
Ngoài ra, một số cư dân tại Abaco còn lo ngại về một lượng lớn dầu loang ra biển từ một cơ sở cất trữ xăng dầu trên đảo, khi hình ảnh từ vệ tinh mới đây cho thấy đã có vệt dầu đen loang ra từ cơ sở này.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một số lượng lớn dầu tại kho lưu trữ nhiên liệu ở Abaco đã bị loang ra bên ngoài (Ảnh: Maxar Technologies)
Công ty lọc hóa dầu quốc tế Equinor, đơn vị quản lý cơ sở dầu tại Abaco, cho biết họ đang điều tra mức độ thiệt hại từ sự cố trên.
“Chúng tôi đang xem xét sự việc này một cách rất nghiêm túc. Tình hình tại Bahamas về cơ bản vẫn còn gặp rất nhiều thách thức, và cơ sở hạ tầng này đã bị hư hại ở nhiều chỗ.” Erik Haaland, người phát ngôn của Equinor, cho biết vào hôm thứ Bảy vừa qua (7.9), “Dù vậy, đội ngũ đánh giá của chúng tôi vẫn chưa thấy có dấu hiệu loang dầu ra ngoài biển hoặc đại dương.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông “vẫn chưa bao giờ được nghe về một cơn bão cấp 5” bất chấp việc nước Mỹ...