Nơi ngoài hành tinh, NASA tìm ra "thành phần quan trọng cho sự sống"

Một loạt các hợp chất có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình tạo ra sự sống cổ đại trên Trái Đất vừa được tìm thấy ở một thế giới ngoài hành tinh.

"Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Enceladus là nơi chứa một số phân tử quan trọng nhất để tạo ra các khối xây dựng sự sống và duy trì sự sống đó thông qua các phản ứng trao đổi chất" - tờ Sci-News dẫn lời TS Jonah Peter từ Đại học Havard (Mỹ).

Enceladus chính là một trong những "mặt trăng sự sống" nổi tiếng của Sao Thổ.

Tàu Cassini, mặt trăng Enceladus và Sao Thổ khổng lồ - Ảnh đồ họa: NASA

Tàu Cassini, mặt trăng Enceladus và Sao Thổ khổng lồ - Ảnh đồ họa: NASA

Trước cú "tự sát" vào bầu khí quyển dày đặc của Sao Thổ, tàu vũ trụ Cassini của NASA đã kịp để lại di sản khổng lồ là dữ liệu về Sao Thổ và nhiều mặt trăng của nó, trong đó có Enceladus.

Các nhà khoa học khắp thế giới vẫn đang "đãi cát tìm vàng" trong bộ dữ liệu đáng kinh ngạc đó. Một số bằng chứng cho thấy đại dương ngầm dưới vỏ băng của Enceladus có thể hỗ trợ sự sống.

Trong nghiên cứu vừa được TS Peter và các cộng sự - bao gồm các nhà khoa học NASA - công bố trên tạp chí Nature Astronomy, "vàng ròng" trong sinh học thiên văn là hydrogen cyanide đã được tiết lộ thông qua các mô hình toán học và thống kê.

Cùng với nó, acetylene, propylene và ethane cũng được ghi nhận từ Enceladus, cụ thể là từ các chùm hơi nước mà mặt trăng băng giá này liên tục phun thẳng về phía Cassini.

Trên Trái Đất, những hợp chất này có khả năng hỗ trợ các cộng đồng vi sinh vật sống.

Thậm chí các nghiên cứu "ngược dòng" về địa cầu sơ khai còn chứng minh chúng đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy quá trình tổng hợp hữu cơ phức tạp hàng tỉ năm trước, điều dã dẫn đến sự ra đời của sự sống.

"Enceladus dường như không chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản về khả năng để sinh sống mà giờ đây chúng tôi còn có ý tưởng về cách các phân tử sinh học phức tạp có thể hình thành ở đó và các con đường hóa học liên quan" - TS Peter tiếp lời.

Việc phát hiện ra hydrogen cyanide vẫn là thú vị nhất, bởi nó từ lâu được coi là điểm khởi đầu cho hầu hết các lý thuyết về nguồn gốc sự sống.

Nghiên cứu cũng cho thấy có rất nhiều con đường hóa học có thể tạo ra và duy trì sự sống trong đại dương ngầm của Enceladus.

Chính các hợp chất hữu cơ bị oxy hóa trong luồng hơi nước chứa vật chất từ Enceladus lý giải điều đó, bởi quá trình oxy hóa thúc đẩy giải phóng năng lượng hóa học.

Phát hiện này một lần nữa cho thấy NASA đã đúng hướng khi đặt niềm tin vào Enceladus trong hành trình săn tìm sự sống ngoài hành tinh.

Trước đó, cơ quan vũ trụ của Mỹ này đã công bố về một con robot hình rắn đang được thử nghiệm. Nó sẽ được gửi đến Enceladus trong các thập kỷ tới với mục đích chui xuống các khe của bề mặt băng giá, tiếp cận đại dương ngầm và tìm bằng chứng trực tiếp về sự sống.

NASA nỗ lực khắc phục sự cố với tàu thăm dò cách Trái đất 24 tỷ km

Các kỹ sư của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang cố gắng giải quyết sự cố máy tính liên quan đến tàu thăm dò Voyager 1.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN