Nơi Mỹ - Trung dễ đụng độ quân sự nhất thế giới?
Mỹ và Trung Quốc đã đối đầu trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế đến vấn đề Đài Loan, Hồng Kông. Tuy nhiên, Biển Đông mới là nơi hai cường quốc này có nhiều nguy cơ đụng độ cao nhất, theo Bloomberg.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận ở Biển Đông (ảnh: SCMP)
Không nơi nào trên trái đất mà tàu chiến, máy bay giữa Trung Quốc và Mỹ lại “chạm mặt” nhau nhiều như ở Biển Đông. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với cả hai phía.
Nếu đụng độ quân sự xảy ra tại Biển Đông, chắc chắn cả Mỹ và Trung Quốc đều chịu thiệt hại. Trong thời điểm căng thẳng đang gia tăng như hiện nay, những tính toán sai lầm có thể gây hậu quả không thể lường trước.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, Hải quân Mỹ đã tiến hành 4 hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Với đà này, Mỹ sẽ có nhiều hoạt động tương tự tại Biển Đông hơn con số 8 lần vào năm ngoái. Sau thời gian đình trệ do dịch Covid-19, Hải quân Trung Quốc cũng đang chuẩn bị nối lại các cuộc tập trận trong khu vực.
Theo các chuyên gia, Mỹ đang muốn chơi trò “mèo vờn chuột” nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Mặc dù cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ là một khả năng xa vời, nhưng chúng tôi nhận thấy, các phương tiện quân sự của họ đang hoạt động với cường độ cao hơn trong lĩnh vực hàng hải. Các vụ chạm mặt với tần suất cao như vậy tại Biển Đông có thể dẫn đến những tính toán, đánh giá sai lầm và vô tình sử dụng vũ lực. Đây là rủi ro chúng ta không thể lường trước”, Collin Koh Swee Lean – chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore – nhận định.
Tàu khu trục tên lửa Mỹ hoạt động tại Biển Đông (ảnh: Bloomberg)
Cùng với những tranh cãi về dịch bệnh, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông cũng gia tăng trong thời gian gần đây, khi Washington nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh “cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng”.
Mặc dù Mỹ không có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng Mỹ cần bảo vệ tự do hàng hải tại vùng biển này. Không chỉ là con đường hàng hải quan trọng trong vận tải và thương mại toàn cầu, Biển Đông còn rất giàu tàu nguyên thiên nhiên, sinh vật.
Mỹ cũng đã có một số hỗ trợ cho các nước nhỏ hơn, ví dụ như Malaysia, nhằm chống lại các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
Ngược lại, Bắc Kinh cũng triển khai các tàu vũ trang để bảo vệ những tàu cá của họ đang hoạt động tại vùng biển tranh chấp.
Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tạ khu vực Đông Nam Á – ông Reed Werner – đã cảnh báo về một xu hướng “rất đáng lo ngại” giữa Hải quân Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Reed Werner cũng cáo buộc Trung Quốc nhiều lần “quấy rối” hoạt động của các tàu quân sự Mỹ tại vùng biển này. Theo ông Werner, đã có ít nhất 9 sự cố “không an toàn” đã xảy ra giữa lực lượng vũ trang của Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Biển Đông kể từ tháng 3 năm nay.
Hôm 24.5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ám chỉ Mỹ “gieo rắc mối bất hòa giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á”, khi đưa tàu chiến và máy bay quân sự vào Biển Đông.
Tiêm kích tàng hình Mỹ huấn luyện trên biển (ảnh: Southfront)
Hôm 26.5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh cho quân đội nước này tăng cường huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng cho chiến tranh. Trong một động thái hiếm hoi, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa mới đây cũng nêu đích danh Mỹ là thế lực đối đầu chiến lược với Bắc Kinh.
“Tôi khá lo lắng về tình trạng hiện nay. Mối quan hệ Mỹ - Trung đang rơi tự do. Điều này được thúc đẩy bởi những người có lập trường cứng rắn tới từ cả hai phía. Không còn nghi ngờ gì nữa, Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu và đang leo thang. Mọi người nên chuẩn bị tinh thần và khả năng xảy ra ‘chiến tranh nóng’ giữa hai cường quốc ở Biển Đông”, ông Trịnh Vĩnh Niên, giáo sư Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét.
“Tệ hơn là, hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ và Trung Quốc muốn hạ nhiệt căng thẳng”, ông Trịnh nói thêm.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục đẩy mạnh các hoạt động phi pháp tại Biển Đông như cấm đánh bắt cá, thành lập đơn vị hành chính nhằm mục đích quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông liên tục bị các các nước trong khu vực và quốc tế phản đối.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát toàn cầu và Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn để tập trung đẩy lùi dịch bệnh thì Trung...