Nỗi kinh hoàng trong "trại cưỡng hiếp" của Nhật thời chiến

Một phụ nữ giải khuây người Philippines cho biết mỗi ngày có đến 30 lính Nhật cưỡng hiếp bà.

Nỗi kinh hoàng trong "trại cưỡng hiếp" của Nhật thời chiến - 1

Một cựu phụ nữ giải khuây Philippines lau nước mắt trong một cuộc biểu tình ở Manila tháng 1.2017

“Phụ nữ giải khuây” là cụm từ ám chỉ phụ nữ và trẻ em gái bị quân đội Nhật Bản ép làm nô lệ tình dục trong Thế chiến 2. Theo các học giả, quân Nhật đã bắt cóc và buôn bán khoảng 400.000 phụ nữ giải khuây trên khắp châu Á. Sau khi chiến tranh kết thúc, những người sống sót kể lại trải nghiệm kinh hoàng của chính mình trong những nhà thổ quân sự đầy ám ảnh của quân Nhật.

M. Evelina Galang, người Philippines, đã mất gần 20 năm để viết cuốn sách về một trong những sự việc đau buồn nhất của quê hương cô. Đó là chuyện của những “phụ nữ giải khuây” phá vỡ sự im lặng sau chiến tranh - bằng chứng cho thấy sự can đảm và nỗi đau chôn vùi của họ, theo The Huffington Post.

Galang, 55 tuổi, nhà báo và nhà giáo dục người Mỹ gốc Philippines, chia sẻ: "Tôi đã dành cả cuộc đời để viết cuốn sách này”.

Với tên gọi “Ngôi nhà của Lola: Những người sống sót từ các trại cưỡng hiếp thời chiến”, sách của Galang kể về câu chuyện của hàng trăm phụ nữ Philippines bị quân đội Nhật Bản ép làm nô lệ tình dục trong Thế chiến 2.

Nỗi kinh hoàng trong "trại cưỡng hiếp" của Nhật thời chiến - 2

Galang (đứng sau) chụp ảnh cùng các cựu phụ nữ giải khuây cho lính Nhật: Piedad Nobleza, Dolores Molina và Josefa Villamar năm 2007

"Những phụ nữ giải khuây này chủ yếu chỉ 13, 14, 15 tuổi. Họ không hẳn là phụ nữ, chỉ là những bé gái", Galang nói về các nạn nhân - những người hiện nay đã già và được gọi một cách kính trọng là Lola trong tiếng Tagalog của người Philippines. "Họ bị ép phải làm việc và bị cưỡng hiếp 20-30 lần/ngày và mọi ngày. Bi kịch này quá khủng khiếp".

Kể từ năm 1998, Galang, người là giám đốc chương trình viết sáng tạo tại Đại học Miami của Mỹ, nhiều lần đến Philippines để thu thập lời kể cho cuốn sách của cô.

Cho đến nay, cô thu âm được hơn 40 giờ phỏng vấn với 15 “Lola”, dành nhiều tuần để thăm viếng những người phụ nữ này và gia đình họ. Thậm chí, Galang đã đi khắp Philippines với 7 người trong số họ, đến những nơi họ từng bị bắt cóc và giam giữ.

Galang nói về những cuộc gặp mặt này: "Các ký ức tràn về như nước chảy từ đập: những lời kể thật khủng khiếp về hãm hiếp và tra tấn".

Nỗi kinh hoàng trong "trại cưỡng hiếp" của Nhật thời chiến - 3

Prescilla Bartonico bị quân Nhật giam giữ suốt 3 tháng của năm 1943

Một trong những phụ nữ giải khuây Galang gặp là bà Prescilla Bartonico, người chỉ 17 tuổi khi bị lính Nhật bắt.

Đó là vào năm 1943, khi bom dội và súng nổ ầm ĩ bên ngoài, bà Bartonico và một cô em họ đang trốn trong khu trú ẩn ở đảo Leyte cùng gia đình và hàng xóm.

Cánh cửa bỗng nhiên bật mở và binh lính Nhật đột ngột lao vào. Ba tên lính bắt em họ của Bartonico, hãm hiếp rồi giết hại.

Chứng kiến cảnh tượng kinh khủng này, bà Bartonico nói mình khóc như mưa. Tên lính khác tiếp tục trói bà lại và cưỡng hiếp trước mặt gia đình và bạn bè.

"Tôi muốn phản kháng nhưng quá sợ", bà kể. "Vì vậy, tôi bắt đầu chịu đựng dưới bàn tay của những tên lính Nhật”.

Trong ba tháng tiếp theo, Bartonico bị giam trong một căn cứ quân sự ở thị trấn Burauen, Philippines. Bà nói mình bị hãm hiếp nhiều lần mỗi ngày, bởi 5-8 người đàn ông.

"Các vụ hãm hiếp chủ yếu xảy ra vào ban đêm vì chúng tôi buộc phải làm việc vào ban ngày", bà nói.

Nỗi kinh hoàng trong "trại cưỡng hiếp" của Nhật thời chiến - 4

Galang tham gia biểu tình cùng các Lola nhân ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2002

Theo Huffington Post, ước tính có tới 400.000 phụ nữ và trẻ em gái trên khắp châu Á đã bị bắt cóc và buộc phải phục vụ cho quân đội Nhật trong Thế chiến II. Nạn nhân đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, và những lãnh thổ do quân Nhật chiếm như Đài Loan, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Tại Philippines, các nhà nghiên cứu ước tính có 1.000 trẻ em gái và phụ nữ bị Nhật bắt làm nô lệ tình dục. Ngày nay, chỉ có 70 người trong số họ còn sống.

Bartonico qua đời vào năm 2006. Bà không sống đủ lâu để nhận được lời xin lỗi từ chính phủ Nhật Bản về những chấn thương phải trải qua.

Galang, người phỏng vấn Bartonico, kể: “Khi tôi hỏi tại sao các Lola kể ra câu chuyện này, họ có hai lý do. Thứ nhất, họ đang đứng lên bảo vệ mình và đòi công lý. Thứ hai, họ làm vậy để chuyện này không bao giờ tái diễn".

Nỗi kinh hoàng trong "trại cưỡng hiếp" của Nhật thời chiến - 5

Rosa Maria Henson (áo vàng) biểu tình bên ngoài đại sứ quán Nhật ở Philippines năm 1996

Năm 1993, bà Rosa Maria Henson trở thành người đầu tiên công khai về trải nghiệm của mình. Henson chỉ 15 tuổi khi bị lính Nhật bắt. Họ giam bà suốt 9 tháng, và mỗi ngày có đến 30 người cưỡng hiếp bà.

"Tôi nằm trên giường, chân kê lên cao, như những người phụ nữ đi đẻ. Bất cứ khi nào lính Nhật không cảm thấy thỏa mãn, họ trút giận lên tôi. Khi họ cưỡng hiếp tôi, tôi cảm thấy mình như một con lợn", Henson, người qua đời năm 1997, viết trong hồi ký của bà.

Trong nhiều thập kỷ, không ai ngoại trừ mẹ của Henson biết về chuyện này. Thậm chí chồng con của bà cũng không biết.

"Tôi đang kể câu chuyện của mình để họ (lính Nhật) phải cảm thấy nhục nhã”, Henson từng nói với New York Times. "Điều này là sự thật: Tôi là người báo thù cho những người chết”.

Nỗi kinh hoàng trong "trại cưỡng hiếp" của Nhật thời chiến - 6

Phụ nữ Philippines biểu tình ở Manila năm 2016

Được Henson truyền cảm hứng, 174 phụ nữ Philipines khác đã công khai kể về câu chuyện của họ.

"Văn hóa của sự ô nhục và buôn chuyện vẫn còn tồn tại trong xã hội Philippines. Khi bị phát hiện là phụ nữ giải khuây, bà ấy có thể bị mọi người gọi là những gì lính Nhật bỏ lại”, Galang giải thích.

"Một số phụ nữ không được gia đình chào đón trở lại sau chiến tranh. Một số Lola nói ra sự thật phải đối mặt với con cái và chồng của họ - những người tức giận vì họ đã nói sự thật".

Một cựu nô lệ tình dục khác tên Piedad Nobleza cho biết bác của cô có “thái độ khác hẳn” khi cô trở về nhà.

"Bác ấy không nói gì cả", Nobleza nói với Galang. "Tôi chỉ ngồi ở góc, khóc và khóc”.

Nỗi kinh hoàng trong "trại cưỡng hiếp" của Nhật thời chiến - 7

Tấm bảng biểu tình có chữ: "Thủ tướng Shinzo Abe, chúng tôi muốn công lý ngay bây giờ!"

Nobleza bị lính Nhật bắt vào năm 1942. Cô bị kéo vào một nhà thờ gần nhà và bị nhiều người đàn ông cưỡng hiếp.

"Chúng ghép hai chiếc ghế dài trong nhà thờ lại gần nhau. Hai người tranh cãi xem ai nên cưỡng hiếp tôi trước", Nobleza nhớ lại. "Sau đó, bảy người lính Nhật cưỡng hiếp tôi. Cứ 30 phút thì họ lại đến. Và sau đó, trong suốt hai tuần, đêm nào cũng có 2-4 người đến cưỡng hiếp tôi".

Nobleza nói với Galang rằng cô cảm thấy có nghĩa vụ phải chia sẻ câu chuyện của mình với thế giới. "Các cô gái trẻ cần phải biết chuyện gì đã xảy ra”, Nobleza nói.

Galang thêm: "Rất nhiều câu chuyện như thế này bị giấu kín trong 50 năm qua. Một vài phụ nữ nói rằng khi họ kể câu chuyện của mình, họ cảm thấy trái tim nhẹ hơn, nỗi đau cũng giảm".

Nô lệ tình dục TQ kể thời bị lính Nhật cưỡng hiếp tàn tệ

Sau khi tìm cách chạy trốn khỏi nhà thổ quân sự Nhật nhưng không thành, bà Guo đã phát điên và không thể có cuộc sống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - The Huffington Post ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN