Nội các mới của Mỹ sẽ tác động thế nào đến cuộc chiến ở Ukraine?
Những nhân vật mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bổ nhiệm dường như không mấy mặn mà với cuộc chiến ở Ukraine, điều này tác động thế nào đến Kiev?
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố táo bạo rằng ông có thể nhanh chóng kết thúc xung đột Nga-Ukraine.
Mặc dù đến nay ông Trump vẫn không nói rõ sẽ thực hiện điều đó như thế nào, nhưng những lựa chọn gần đây của ông cho các vị trí quan trọng trong nội các phần nào giúp hình dung cách tiếp cận chính quyền sắp tới ở Washington đối với cuộc chiến.
Theo trang Business Insider, ở các vị trí ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia và bộ trưởng Quốc phòng, ông Trump đã ưu ái những nhân vật ít có thiện cảm với Ukraine hơn so những người tiền nhiệm.
Các phát ngôn được biết của những người được chọn thường tập trung vào gánh nặng tài chính khi giúp đỡ Ukraine và cảm giác rằng cuộc chiến đã kéo dài quá lâu.
Một cuộc chiến “bế tắc”?
Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, người được ông Trump chọn làm ngoại trưởng, đã ca ngợi lực lượng Ukraine vì những nỗ lực chống lại Nga trong những ngày đầu của cuộc chiến.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC News vào tháng 9, ông Rubio cho rằng Mỹ đã sai lầm trong vấn đề Ukraine.
Ông Donald Trump (trái) và thượng nghị sĩ Marco Rubio trong một buổi vận động tranh cử vào tháng 11. Ảnh: AFP
Theo thượng nghị sĩ này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tài trợ cho một cuộc chiến “bế tắc”, vốn phải chấm dứt.
Quan điểm của ông Rubio phù hợp với lời khẳng định mà ông Trump đưa ra nhiều lần rằng ông sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, thậm chí chỉ sau một ngày nhậm chức.
Giới lãnh đạo Ukraine có xu hướng coi kịch bản của ông Trump về chấm dứt chiến tranh là một thất bại cho Kiev khi xung đột bị đóng băng trong lúc Nga đang chiếm lợi thế trên chiến trường.
Phía Ukraine lập luận rằng khi xung đột đóng băng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chỉ chờ thời cơ để chuẩn bị cho một cuộc tấn công nữa.
Mỹ cam kết quá mức với Ukraine
Tương tự, người dẫn chương trình của đài Fox News - ông Pete Hegseth, người được ông Trump lựa chọn để lãnh đạo Lầu Năm Góc - cũng đưa ra lập trường hoài nghi về cuộc chiến ở Ukraine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người dẫn chương trình đài Fox News Pete Hegseth tại Nhà Trắng, thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) năm 2017. Ảnh: REUTERS
Trong một tập podcast “Shawn Ryan Show” lên sóng vào tuần trước, ông Hegseth mô tả Ukraine là một thất bại của Mỹ về chính sách tương tự các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.
Theo ông Hegseth, Mỹ đã “đốt tiền trong hai thập niên” ở những quốc gia trên và “muốn làm điều đó một lần nữa” ở Ukraine.
Ông Hegseth bày tỏ nghi ngờ về lập luận của một số học giả phương Tây rằng nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine, Moscow sẽ mở rộng cuộc xung đột sang châu Âu. Ông Hegseth bác bỏ quan điểm này và nói rằng Tổng thống Putin có thể sẽ dừng lại ở biên giới Ukraine-Ba Lan.
Theo Business Insider, ông Hegseth dường như ám chỉ rằng xét cho cùng, thất bại của Ukraine sẽ không tệ như một số người lo sợ.
Cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của Mỹ - Hạ nghị sĩ Mike Waltz, cũng lập luận rằng Washington đã cam kết quá mức với Kiev.
Trong bài bình luận trên Fox News năm 2023, ông Waltz cho rằng viện trợ của Mỹ cho Ukraine nên phụ thuộc vào việc châu Âu có hành động nhiều hơn hay không.
Các quốc gia châu Âu đã cùng nhau cung cấp nhiều viện trợ hơn cho Ukraine, nhưng đến nay Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất.
Dù vậy, ông Waltz đã đưa ra các chính sách có lợi cho Ukraine, bao gồm cả việc cho phép Kiev tấn công nhiều mục tiêu hơn vào Nga bằng vũ khí của Mỹ, một bước đi mà Tổng thống Biden phản đối.
Bà Tulsi Gabbard, người được đề cử làm Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI), được xem là người có lập trường cứng rắn nhất về Ukraine trong số những nhân vật được bổ nhiệm.
Hồi năm 2023, bà Gabbar mô tả Ukraine là một “chế độ chuyên quyền tham nhũng” không xứng đáng được ủng hộ.
Tác động của nội các mới ở Mỹ đối với cuộc chiến ở Ukraine
Những bình luận từ các nhân sự trong nội các sắp tới cho thấy ông Trump sẽ gặp ít sự phản đối nếu ông cắt viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo rằng việc Mỹ cắt viện trợ sẽ khiến Ukraine thua cuộc chiến.
Ông Donald Trump (phải) tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại tòa nhà Trump Tower, TP New York (Mỹ) hồi tháng 9. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Ông Donald John Trump Jr., con trai cả của ông Trump - một nhân vật có ảnh hưởng mặc dù không có vai trò chính thức trong chính quyền mới - đã chia sẻ trên Instagram sau khi ông Trump thắng cử một video có hình ảnh ông Zelensky kèm dòng chú thích: “Góc nhìn: Ông còn 38 ngày nữa là mất trợ cấp”.
Chính quyền ông Biden được cho là đang xem xét nghiêm túc khả năng ông Trump sẽ cắt giảm viện trợ cho Ukraine khi nhậm chức. Truyền thông Mỹ đưa tin rằng ngay từ sau cuộc bầu cử, Nhà Trắng đã nhanh chóng thúc đẩy viện trợ cho Ukraine khi còn có thể.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng vẫn cần chờ xem ảnh hưởng của nội các mới tới quyết định của ông Trump.
“Ông Trump lựa chọn các thành viên trong chính quyền của mình chủ yếu dựa trên lòng trung thành” - Ông Alexander Libman, GS về chính trị Nga và Đông Âu tại ĐH Tự do Berlin (Đức) nói với Business Insider.
Chuyên gia này giải thích rằng ý kiến của những quan chức trong nội các “có thể không quan trọng lắm và phụ thuộc vào những gì ông Trump muốn họ làm”.
Chuyên gia Mark Cancian, một nhà bình luận và là đại tá Thủy quân Lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu, thì cho rằng chính quyền sắp tới của ông Trump có thể cắt giảm một số loại hỗ trợ trong khi vẫn duy trì những loại hỗ trợ khác. Chẳng hạn, Mỹ có thể tiếp tục gửi vũ khí nhưng cắt giảm hỗ trợ phi quân sự cho nền kinh tế Ukraine.
Các quốc gia châu Âu đang ngày càng ủng hộ lập trường của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về việc thúc đẩy hòa bình ở Ukraine. Đây được coi là sự...
Nguồn: [Link nguồn]