Nỗ lực lôi kéo các quốc gia dầu mỏ Trung Đông của Mỹ thất bại?
Tại một cuộc triển lãm quốc phòng đang diễn ra ở Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), các nhà sản xuất vũ khí Nga cũng góp mặt, hứa hẹn sẽ tiếp tục cung cấp thêm trang thiết bị vũ khí cho các quốc gia dầu mỏ Trung Đông.
Vũ khí Nga trưng bày tại triển lãm IDEX ở UAE.
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế (IDEX) diễn ra hai năm một lần tại thủ đô Abu Dhabi, UAE là triển lãm quốc phòng lớn nhất ở Trung Đông. Năm nay, triển lãm có sự tham gia của hơn 1.300 đơn vị sản xuất vũ khí đến từ 65 quốc gia.
Điều khiến triển lãm năm nay trở nên nổi bật là danh sách các đơn vị tham dự, với các nhóm quốc gia đối lập nhau. Các quan chức quân sự và đại diện nhà sản xuất vũ khí đến từ Trung Quốc và Mỹ, Nga và Ukraine, Ấn Độ và Pakistan, Israel và các quốc gia Ả Rập đều góp mặt.
8 nhà sản xuất vũ khí Nga tham dự triển lãm, ví dụ như tập đoàn Kalashnikov và tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport.
Trong thông điệp gửi tới đài CNN, ban tổ chức IDEX tự hào khi nói rằng "triển lãm năm nay có quy mô lớn nhất trong lịch sử 30 năm".
Nga đã từng cử đại diện tham gia triển lãm ở UAE trước đây, nhưng năm nay, sự hiện diện của Nga trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết vì trùng với dịp kỷ niệm một năm xung đột ở Ukraine.
Chính sách cởi mở của UAE, sẵn sàng mua vũ khí Nga cũng là xu hướng của các quốc gia dầu mỏ Trung Đông, bất chấp việc Mỹ cố gắng nỗ lực lôi kéo đồng minh nhằm quay lưng với Nga, CNN cho biết.
"Rõ ràng là kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, các quốc gia đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đã nêu quan điểm trung lập, không ngả về bất cứ phe nào hay tham gia vào cuộc cạnh tranh quyền lực, vốn đang diễn ra ngày càng gay gắt trên thế giới hiện nay", Kristian Ulrichsen, nhà khoa học chính trị tại Viện Nghiên cứu Baker thuộc Đại học Rice ở Houston, bang Texas (Mỹ), nói.
Các đối tác ở Trung Đông vẫn bày tỏ sự quan tâm nhất định với vũ khí Nga.
"Nói cách khác, Mỹ đã thất bại trong việc lôi kéo các đồng minh Trung Đông", ông Ulrichsen nói thêm.
Trên thực tế, các quốc gia vùng Vịnh đã được hưởng lợi đáng kể nhờ giá dầu tăng do xung đột nổ ra. Toàn bộ 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, gồm Ả Rập Saudi, Oman, UAE, Kuwait, Qatar và Bahrain đều ghi nhận thặng dư ngân sách trong năm 2022, với mức tăng lên tới hơn 10 tỷ USD.
Ả Rập Saudi cũng liên kết chặt chẽ với Nga trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu và đối tác (OPEC+) để kiểm soát giá dầu thế giới, bất chấp phản đối của Mỹ.
ở UAE, bất động sản ở Dubai được người Nga đặc biệt săn đón. Nhiều người Nga cũng sang Dubai mở công ty kinh doanh.
"Trái ngược với nỗ lực cô lập Nga của phương Tây, các nước Trung Đông vẫn từ chối áp đặt trừng phạt Nga, coi vấn đề này không đem lại lợi ích", Cinzia Bianco, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, nói.
"Các quốc gia vùng Vịnh hiện đang xây dựng chinh sách dựa trên 'sự mơ hồ chiến lược'. Họ đã phòng ngừa rủi ro như vậy kể từ khi xung đột nổ ra", bà Bianco nói thêm.
Nhưng Mỹ gần đây đã ám chỉ rằng, sự kiên nhẫn với các đồng minh đang cạn dần, rằng các đồng minh không thể đồng thời làm ăn với cả Nga và phương Tây.
Theo CNN, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tập trung gây sức ép với UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm buộc hai nước này ngừng hợp tác với Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman vào năm ngoái.
Tháng trước, một phái đoàn của Bộ Tài chính Mỹ đã có chuyến thăm hai quốc gia đồng minh, cảnh báo về hệ quả nếu UAE và Thổ Nhĩ Kỳ giúp Nga né tránh cấm vận. Mỹ có thể ngăn UAE và THổ Nhĩ Kỳ tiếp cận thị trường của nhóm G7 nếu hai nước này không ủng hộ lệnh trừng phạt Nga.
Hôm 21/2, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo thừa nhận các dữ liệu kinh tế Nga "khả quan hơn so với giai đoạn đầu của cuộc xung đột". Ông Adeyemo khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tác động để các đồng minh tuân thủ lệnh trừng phạt.
"Những quốc gia không tuân thủ trừng phạt Nga sẽ phải lựa chọn giữa làm ăn với các nước trong liên minh phương Tây hoặc tiếp tục làm ăn với Nga - quốc gia đang ngày càng bị cô lập", ông Adeyemo nói.
Mohammed Baharoon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách công ở Dubai, nói sự phân cực giữa phương Tây và Nga đang "tạo ra vấn đề về lâu dài".
"Cho đến nay, lập trường của UAE, Ả Rập Saudi và các nước khác là tìm kiếm một sự thỏa hiệp, tìm kiếm các nỗ lực hòa giải để chấm dứt xung đột", ông Baharoon nói.
Ông Ulrichsen nói UAE nhiều khả năng sẽ quan sát kỹ phản ứng của Mỹ trước khi đưa ra quyết định.
Tại triển lãm quốc phòng ở Abu Dhabi, gian hàng trưng bày của các nhà sản xuất vũ khí Nga nhận được sự quan tâm lớn. "Các nước Trung Đông là đối tác truyền thống và quan trọng của Nga", tổng giám đốc Rosoboronexport, Alexander Mikheev nói.
Trong hai đêm liên tiếp, thành phố Mariupol do Nga kiểm soát hoàn toàn kể từ tháng 5/2022, bị rung chuyển bởi các vụ nổ lớn, theo thông báo của Hội đồng thành phố Mariupol thuộc...
Nguồn: [Link nguồn]