Nổ lớn ở Liban: 300 triệu USD sẽ được gửi tới nếu chính quyền làm được điều này

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang ra sức kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế nhanh chóng gửi tiền viện trợ đến Liban để khắc phục hậu quả của vụ nổ kinh hoàng hôm 4.8.

Cảnh tượng đổ nát ở thủ đô Beirut, Liban sau vụ nổ kinh hoàng (ảnh: AP)

Cảnh tượng đổ nát ở thủ đô Beirut, Liban sau vụ nổ kinh hoàng (ảnh: AP)

“Mục tiêu của chúng ta là hành động nhanh chóng và hiệu quả để điều phối nguồn viện trợ đến tay người dân Liban”, ông Macron nói với các nhà lãnh đạo quốc tế như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ai Cập, đại diện từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế… trong hội nghị ngày 9.8.

Các nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ viện trợ khẩn cấp khoảng 300 triệu USD cho Liban. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng, chính quyền Liban sẽ không có tiền tái thiết thủ đô Beirut nếu không cam kết thực hiện cải cách kinh tế, chính trị theo nguyện vọng của người dân, AP đưa tin.

Hơn 30 nhà lãnh đạo tham gia hội nghị do Pháp chủ trì cũng đề nghị tổ chức một cuộc điều tra “độc lập và đáng tin cậy” về vụ nổ ngày 4.8. Đây cũng là yêu cầu từ những người biểu tình ở Liban.

Hai bộ trưởng thuộc nội các Liban đã từ chức sau thảm kịch, lấy lý do rằng chính quyền nước này không chịu thay đổi, không đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Hôm 9.8, Bộ trưởng Bộ Thông tin Liban Manal Abdel Samad tuyên bố từ chức. Sau đó không lâu, Bộ trưởng Môi trường Liabn Demanios Kattar cũng từ chức, gọi chính quyền là “nhu nhược và vô dụng”.

Việc hai bộ trưởng liên tiếp từ chức cho thấy nội các Liban đang tồn tại nhiều bất đồng vào xáo trộn. Trước đó, Thủ tướng Liban Hassan Diab đã có cuộc họp kín với các bộ trưởng.

Theo các chuyên gia, Liban dường như muốn “điều đình” với các nước muốn gửi viện trợ và người biểu tình trong nước bằng cách cho ra mắt một chính phủ mới.

Hôm 9.8, Thủ tướng Liban Hassan Diab cũng đề xuất tổ chức một cuộc bầu cử sớm trong bối cảnh người dân tụ tập biểu tình, tấn công trụ sở các bộ ngành chính phủ.

“Tổ chức bầu cử quốc hội sớm sẽ được tiến hành. Tôi kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị ở Liban ủng hộ đề nghị này. Tôi và người dân Liban khao khát có sự thay đổi”, Thủ tướng Liban phát biểu.

Người dân Liban tụ tập biểu tình, phản đối chính phủ (ảnh: AP)

Người dân Liban tụ tập biểu tình, phản đối chính phủ (ảnh: AP)

“Chính quyền Liban hiện tại không thể thực hiện bất kỳ cải cách nào trong khi các đảng phái chia rẽ sâu sắc. Ngay cả các bộ trưởng cũng muốn bỏ mặc chính phủ”, Maha Yahya – chuyên gia phân tích chính trị tại Beirut – nhận xét.

Ít nhất 8 nghị sĩ Liban đã tuyên bố rời khỏi quốc hội. Trong khi chính quyền Liban vẫn đang loay hoay tìm cách ổn định, hàng nghìn người đã tham gia vào các cuộc biểu tình, đụng độ với cảnh sát ở Beirut và nhiều nơi khác.

Những người biểu tình ở Liban kêu gọi chính phủ giải tán, cho rằng sự quản lý yếu kém, nạn tham nhũng là nguyên nhân gây ra vụ nổ kinh hoàng ở kho số 12, cảng Beirut.

Người biểu tình thậm chí còn chiếm đóng trụ sở Bộ Ngoại giao Liban, tuyên bố đó là “căn cứ” của họ. Trụ sở các Bộ Kinh tế, Bộ Năng lượng Liban cũng bị chiếm. Nhiều giấy tờ bị lục lọi và người biểu tình tuyên bố họ sẽ công khai bằng chứng cho thấy giới chức đã tham nhũng ra sao.

Các khoản viện trợ gửi tới Liban sẽ tập trung vào việc mua thuốc men, xây bệnh viện, trường học, nhà ở và mua lương thực, thực phẩm cho người dân. Nhiều quốc gia, điển hình là Mỹ tìm tới những tổ chức độc lập để gửi viện trợ cho người dân Liban, không thông qua chính quyền vì e ngại tham nhũng.

“Vụ nổ hôm 4.8 là tiếng sét thức tỉnh. Đã đến lúc giới chức Liban phải hành động, cải cách chính trị và kinh tế, đáp ứng kỳ vọng của người dân”, Tổng thống Pháp phát biểu trong hội nghị.

Nguồn: [Link nguồn]

Nổ ở Liban: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhận xét của ông Trump đúng?

“Có hai khả năng dẫn đến thảm kịch. Đó là kết quả của sự bất cẩn hoặc can thiệp từ thế lực bên ngoài qua tấn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – AP ([Tên nguồn])
Vụ nổ như bom nguyên tử ở Lebanon Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN