Nô lệ tình dục IS bỏ trốn sang Đức, không ngờ gặp lại kẻ đã mua mình
Một cô gái thuộc tộc người thiểu số Yazidi từng bị khủng bố IS ép làm nô lệ tình dục, chạy sang Đức tị nạn nhưng không ngờ gặp lại những kẻ từng mua mình làm nô lệ.
Ashwaq đã về Iraq sinh sống vì không muốn nhìn thấy kẻ từng mua mình làm nô lệ tình dục.
Theo Sputnik, Ashwaq Ta’lo chỉ mới 15 tuổi khi cả gia đình cô chứng kiến cảnh phiến quân Hồi giáo IS tấn công ngọn núi Sinja, mái nhà của người Yazidi.
Ashwaq cùng các chị gái và những cô gái trẻ khác bị khủng bố IS đưa về thành phố Iraq. Tại đây, Ashwaq bị ép trở thành nô lệ tình dục, bán cho người đàn ông tên Abu Humam. Ashwaq tin người đàn ông này cũng là một tay súng IS.
“Tôi ở với anh ta trong 3 tháng, sau đó hắn lại bán tôi cho người khác. Trải qua thời gian, tôi trốn sang tị nạn ở Đức nhưng không ngờ gặp lại hắn”, Ashwaq nói trên Sputnik.
Tại Đức, Ashwaq đoàn tụ với mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Nhưng vào một ngày hồi tháng 2, khi trở về nhà ở Stuttgart, cô không ngờ mình lại nhìn thấy Humam trên phố.
“Tôi nói với mẹ rằng nhìn thấy người đàn ông giống khủng bố IS. Mẹ nói IS không thể ở Đức được, điều đó không thể xảy ra”, Ashwaq trả lời báo Nga.
Vào hôm sau, người đàn ông mà Ashwaq gặp hôm qua đã đến gặp cô nói chuyện trực tiếp.
Phiến quân Hồi giáo IS năm 2014 từng thảm sát người Yazidi, ép phụ nữ làm nô lệ tình dục.
“Khi nhìn tận mặt, tôi biết đó chính là anh ta”, Ashwaq nói. Trong khi người đàn ông đặt câu hỏi rằng liệu cô có phải là Ashwaq không.
“Đúng cô là Ashwaq mà. Tôi là Abu Humam đây”, người đàn ông nói bằng tiếng Ả Rập. “Tôi biết cô sống ở đâu, với ai khi sang Đức”.
Ashwaq sau đó thông báo vấn đề này với nhà chức trách và cảnh sát ở Waiblingen, Stuttgart. “Họ cho tôi số điện thoại để gọi trong trường hợp cần thiết. Họ cũng đến chụp ảnh Humam nhưng không có chuyện gì xảy ra sau đó”.
Sau vụ việc, Ashwaq đã quay trở về sống ở Iraq vì không muốn bị kẻ từng mua mình làm nô lệ tình dục quấy nhiễu.
Theo nhà chức trách Đức, Ashwaq có thể ở lại Iraq trong 6 tháng nhưng sau đó phải quay về Đức, nếu không sẽ bị tước quyền tị nạn. “Dù chuyện gì xảy ra, tôi cũng sẽ không quay lại đó”, cô nói.
Nhưng Ashwaq thừa nhận rằng Iraq vẫn còn rất nguy hiểm. Tình trạng bạo lực chưa chấm dứt và một nửa thành viên trong gia đình cô đã mất liên lạc ở Iraq.
Ashwaq hiện đang tính tới chuyện xin tị nạn ở Úc, bởi hai người anh trai và chị gái của cô đã đến sống ở đây.
Các cô gái người thiểu số Yazidi bị IS bán làm nô lệ tình dục khi nhóm khủng bố này trỗi dậy vào năm 2014. Cho đến năm 2016, Đức đã tiếp nhận 1.100 phụ nữ người Yazidi xin tị nạn.
Một cựu người mẫu Ukraine vừa kể về 7 năm bị nhốt làm “nô lệ tình dục“ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.