Nhượng bộ để gia nhập NATO, quốc gia châu Âu phải đổi cả danh tính
Để gia nhập NATO, một quốc gia có nguyện vọng phải nhận được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong khối. Điều này dẫn đến trường hợp “dở khóc dở cười” khi một ứng viên NATO phải nhấp nhận từ bỏ cả danh tính đã chọn của đất nước để đổi lấy cái “gật đầu” của đồng minh trước khi gia nhập khối.
Hơn 70 năm hoạt động, trong khối quân sự lớn nhất thế giới nhiều lần xảy ra mâu thuẫn và không ít chuyện ly kỳ, khó tin. Loạt bài này sẽ điểm lại một số chuyện kỳ lạ mà ít người nghĩ có thể xảy ra trong NATO. |
Bản đồ Bắc Macedonia với các nước láng giềng (ảnh: Guardian)
Bắc Macedonia là thành viên mới nhất của NATO. Hành trình gia nhập NATO của nước này cũng gian nan bậc nhất.
Sau thế chiến II, Cộng hòa Nhân dân Macedonia được thành lập, trở thành một phần của Liên bang Nam Tư. Năm 1991, Liên bang Nam Tư tan rã, Cộng hòa Nhân dân Macedonia tuyên bố độc lập và đổi tên thành Cộng hòa Macedonia (ngày nay là Bắc Macedonia). Cái tên này đã gây tranh cãi kéo dài gần 3 thập kỷ giữa Bắc Macedonia và nước láng giềng Hy Lạp, theo Business Insider.
Lãnh thổ của Cộng hòa Macedonia nằm ở phía bắc của vùng đất Macedonia cổ đại rộng lớn. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Hy Lạp, cũng được cho là nơi phát tích của Đế chế Macedonia nổi tiếng do Alexander Đại đế xây dựng.
Đáng chú ý, cái tên “Macedonia” cũng được Hy Lạp sử dụng để đặt cho vùng đất ở phía bắc nước này. Vùng này bao gồm 3 tỉnh Tây Macedonia, Trung Macedonia, Đông Macedonia và Thrace.
Bắc Macedonia đã chi tiêu mạnh tay cho quốc phòng với mục tiêu gia nhập NATO (ảnh: AP)
Sự trùng hợp “nhạy cảm” về tên gọi khiến Hy Lạp tỏ thái độ khó chịu khi Cộng hòa Macedonia mới thành lập. Bất chấp việc có diện tích lớn gấp 5 lần, GDP bình quân đầu người cũng cao gấp 2 lần Bắc Macedonia, Hy Lạp vẫn lo ngại việc vùng đất Macedonia của mình có nguy cơ rơi vào yêu sách lãnh thổ của nước láng giềng.
Năm 1992, hơn 1 triệu dân Hy Lạp ở vùng Macedonia đã xuống đường biểu tình, nhằm phản đối một quốc gia non trẻ lấy tên gọi có yếu tố “Macedonia”.
Hy Lạp cũng cáo buộc Cộng hòa Macedonia “đánh cắp” một số biểu tượng của nước này như hình vẽ “mặt trời Vergina” hay hình ảnh Alexander Đại đế. Năm 1995, Cộng hòa Macedonia đã bỏ hình vẽ “mặt trời Vergina” khỏi quốc kỳ, nhưng Alexander Đại đế vẫn được coi là biểu tượng anh hùng của đất nước, theo Guardian.
Tháng 4.1992, các đảng phái lớn ở Hy Lạp đã đạt thỏa thuận, nhất trí phản đối yếu tố “Macedonia” trong tên của nước láng giềng. Do phản ứng gay gắt từ Hy Lạp, Cộng hòa Macedonia gặp nhiều trở ngại khi muốn gia nhập các tổ chức lớn như Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt là NATO.
Năm 1993, Cộng hòa Macedonia phải lấy tên là “Cựu Cộng hòa Nam Tư Macedonia” để gia nhập Liên Hợp Quốc.
Năm 1993, Cộng hòa Macedonia bày tỏ nguyện vọng gia nhập NATO. Năm 1999, nước này tham gia vào Chương trình hành động thành viên (MAP) của NATO. Năm 2002, Cộng hòa Macedonia thậm chí còn triển khai quân đội để hỗ trợ lực lượng của NATO thực hiện nhiệm vụ ở Afghanistan. Tuy nhiên, với tư cách thành viên NATO và có quyền phủ quyết, Hy Lạp vẫn không chấp nhập để Cộng hòa Macedonia tham gia khối.
Ngay cả khi 28 nước thành viên NATO thể hiện sự ủng hộ về mặt nguyên tắc đối với việc Cộng hòa Macedonia gia nhập, Hy Lạp vẫn một mực phản đối. Năm 2008, trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Bucharest (Romania), Hy Lạp đã dùng quyền phủ quyết để ngăn cản NATO mời Cộng hòa Macedonia gia nhập, theo Guardian.
Tháng 2.2018, trong khi Cộng hòa Macedonia thúc giục Athena chấp thuận cho nước này gia nhập NATO, hơn 140.000 người Hy Lạp đã biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội, nhằm bày tỏ phản đối về cái tên “Macedonia”.
Tháng 6.2018, bế tắc 27 năm giữa Hy Lạp và nước láng giềng có dấu hiệu được khai thông khi Cộng hòa Macedonia tuyên bố sẽ đổi tên thành “Cộng hòa Bắc Macedonia” (tên gọi ngày nay).
“Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận lịch sử”, Thủ tướng Cộng hòa Macedonia – ông Zoran Zaev – khi đó phát biểu.
Ngày 17.6.2018, tại khu vực Prespes (biên giới giữa Hy Lạp và Cộng hòa Macedonia), ngoại trưởng 2 nước đã ký kết thỏa thuận. Theo đó, Cộng hòa Macedonia sẽ đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia.
“Thỏa thuận lịch sử giữa Hy Lạp và Bắc Macedonia là minh chứng cho sự cởi mở của ngoại giao nhằm giải quyết mối bất đồng đã tồn tại quá lâu. Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy Bắc Macedonia trở thành thành viên NATO và củng cố an ninh ở khu vực Balkan”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận xét.
Đáng chú ý, trong cuộc trưng cầu dân ý của Bắc Macedonia về việc đổi tên nước, chỉ có 36% cử tri nước này tham gia bỏ phiếu. Tháng 6.2018, hàng nghìn người dân Bắc Macedonia đã biểu tình ở thủ đô nhằm phản đối đổi tên nước, theo Turkish Policy.
Cờ NATO được treo lên ở thủ đô Skopje của Bắc Macedonia (ảnh: Guardian)
Ngày 9.2.2019, Hy Lạp phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Bắc Macedonia. Ngày 27.3.2020, Bắc Macedonia chính thức gia nhập NATO.
“Tư cách thành viên NATO sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Macedonia. Lực lượng vũ trang của các bạn đang đóng góp cho hòa bình và an ninh thế giới”, ông Stoltenberg khi đó phát biểu.
Tư cách thành viên NATO khiến Bắc Macedonia phải trả cái giá quá đắt, theo Turkish Policy. Trước hết, một quốc gia kinh tế không mấy dư dả như Bắc Macedonia phải dành nhiều tiền hơn cho quân đội. Trên thực tế, Bắc Macedonia đã hoạt động như một nước thành viên từ trước khi gia nhập NATO, gây ra gánh nặng về ngân sách.
Thứ hai, quan trọng hơn, Bắc Macedonia phải đánh đổi danh tính đất nước để trở thành thành viên của một khối quân sự. Điều này gây phản ứng không mấy tích cực của người dân và sự chia rẽ trong nội bộ của Bắc Macedonia.
____________
Pháp là đồng minh thân cận của Mỹ và có tiếng nói nhất nhì NATO. Tuy nhiên, Pháp từng có lần "giận dỗi" và rút khỏi cơ quan đầu não của NATO khiến các thành viên còn lại "đứng ngồi không yên". Mời bạn đọc tìm hiểu về câu chuyện thú vị này trong bài kỳ tới, xuất bản lúc 19h ngày 6.6.2022 trên mục Thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc người dân Đan Mạch đồng ý tham gia Chính sách an ninh và phòng thủ chung (CSDP) của Liên minh châu Âu (EU) đánh dấu một "bước ngoặt” đối với tình hình an ninh châu Âu,...