Những vụ xả thải thủy ngân khốc hại trên thế giới
Thủy ngân trong không khí và nguồn nước đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng con người và hệ sinh thái – điều này đã được chứng minh trong nhiều vụ bê bối thải thủy ngân diện rộng trên thế giới.
Bệnh nhân mắc bệnh Minamata, căn bệnh do nhiễm độc thủy ngân tại Nhật Bản
Việc phát hiện thủy ngân trong không khí ở Hà Nội đã khiến người dân hoang mang lo lắng về tác hại thực sự của kim loại này. GS TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa hóa học trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, mới đây đã trả lời báo chí: thủy ngân là kim loại rất độc, nếu có trong không khí càng độc hơn gấp bội. Ngộ độc thủy ngân cấp tính có thể gây chết người, ông cho biết.
Trên thực tế, thủy ngân là một chất độc thần kinh rất mạnh, có tác động đến chức năng và sự phát triển của hệ thần kinh trung ương ở cả người và động vật. Tiếp xúc với thủy ngân đặc biệt nguy hiểm cho phụ nữ mang thai, cho con bú cũng như trẻ em.
Tiếp xúc với thủy ngân ở mức độ cao có thể gây tổn hại cho não, tim, thận, phổi và hệ thống miễn dịch của con người ở mọi lứa tuổi. Trẻ sơ sinh trong bụng mẹ có thể tiếp xúc với thủy ngân khi mẹ ăn cá và động vật có vỏ chứa thủy ngân. Việc này có thể gây tổn hại cho hệ thần kinh đang phát triển của trẻ, ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và học hỏi.
Thủy ngân trong không khí hay nguồn nước sẽ đều rất nguy hiểm cho tính mạng con người và hệ sinh thái
Theo các trang thông tin sức khỏe nước ngoài, phương thức chính con người tiếp xúc với thủy ngân là khi ăn cá và các loài động vật có vỏ chứa hàm lượng cao methylmercury, một dạng thủy ngân rất độc. Tiếp xúc với thủy ngân trong không khí là phương thức thứ hai, ít phổ biến hơn, thường xảy ra khi thủy ngân bị thải ra từ một thùng chứa hay một thiết bị chứa thủy ngân bị vỡ. Nếu không lập tức dọn sạch số lượng thủy ngân bị lọt ra ngoài môi trường, nó có thể bốc hơi, trở nên vô hình, không mùi nhưng rất độc.
Trên thế giới, đã từng có rất nhiều vụ nhiễm độc thủy ngân gây chấn động. Chết chóc nhất là vụ nhiễm độc thủy ngân ở Minamata, Nhật Bản, nơi đầu tiên căn bệnh Minamata được phát hiện và đặt tên.
1. Nhật Bản
Tại thành phố Minamata, quận Kumamoto vào năm 1956, nhà máy hóa học Chisso đã thải một lượng thủy ngân lớn ra biển Shiranui. Đây là khu vực có một lượng thủy sản dồi dào và khoảng 200.000 người hành nghề đánh bắt thủy sản và những nghề liên quan.
Người dân đã quen với việc ăn thủy sản là món ăn chính trong cả năm. Nhiều người còn ăn 500 gram/ngày. Khi ăn phải những loài vật bị nhiễm thủy ngân, họ bị nhiễm “bệnh lạ” mà sau này được gọi theo tên thành phố, là bệnh Minamata. Trong khi chó mèo và con người liên tục chết trong vòng 36 năm, chính phủ hầu như không làm gì để ngăn chặn.
Hàng nghìn người Nhật đã chết do bị nhiễm độc thủy ngân ở Minamata
Đến tháng 3.2001, hơn 2.000 nạn nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh Minamata do ăn phải cá nhiễm thủy ngân. Nhiều trẻ em bị mắc Minamata bẩm sinh do mẹ mắc bệnh này khi đang mang thai. Hơn 1.500 người đã chết và hơn 10.000 người nhận được đền bù tài chính từ Chisso. Năm 2003, tập đoàn Chisso đã phải trả khoảng 86 triệu USD đền đền bù và được yêu cầu phải dọn sạch sự ô nhiễm do mình gây ra.
Bàn tay dị tật của bệnh nhân Minamata
2. Canada
Năm 1969, một hệ thống sông ở Ontario, Canada đã bị nhiễm thủy ngân thải ra bởi một nhà máy làm giấy ở thượng nguồn. Người dân sống dọc theo con sông này đã bị nhiễm độc do ăn cá nhiễm thủy ngân. Giá trị thủy ngân đo được trên tóc của người dân đã vượt quá nhiều lần so với mức cho phép.
Các nhà khoa học đã tìm thấy những triệu chứng thần kinh nhẹ trong số những người nhiễm thủy ngân. Người dân ở đây buộc tội nhà máy làm giấy này, cho rằng kế hoạch khai thác gỗ của công ty đã khiến bi kịch ngộ độc thủy ngân đang diễn ra trong cộng đồng của họ kéo dài và nghiêm trọng hơn.
Chính phủ Canada công nhận vụ nhiễm độc thủy ngân, nhưng phủ nhận sự xuất hiện của bệnh Minamata, cho rằng không có trường hợp điển hình nghiêm trọng nào được phát hiện.
Con sông bị nhiễm thủy ngân ở Canada
3. Trung Quốc
Sông Tùng Hoa nằm ở phía đông bắc là một trong 7 con sông lớn nhất ở Trung Quốc và đã bị nhiễm thủy ngân nghiêm trọng từ chất thải của Công ty hóa chất Cát Lâm, hoạt động từ năm 1958. Quá trình này về cơ bản giống như vụ nhiễm độc thủy ngân chết chóc của công ty Chisso ở Minamata, Nhật Bản.
Từ năm 1958 đến 1982, nhà máy Cát Lâm đã thải ra tổng cộng 113,2 tấn thủy ngân và 5,4 tấn chất methylmercury vào sông Tùng Hoa. Ngoài ra, một số nhà máy nhỏ sử dụng thủy ngân như nhà máy nhuộm Cát Lâm, nhà máy sản xuất đạo cụ khí tượng, một vài công ty khai thác vàng khác cũng bị phát hiện xả thủy ngân ra con sông này.
Sông Tùng Hoa, Trung Quốc nhiễm thủy ngân nghiêm trọng từ năm 1958
Tác hại lên sức khỏe của ô nhiễm thủy ngân rõ nhất với ngư dân địa phương. Nồng độ thủy ngân trung bình trong tóc của ngư dân đạt 13,5 mg/kg (năm 1970), và một số ngư dân đã có triệu chứng của bệnh Minamata bao gồm giảm thị giác, mất cảm giác ở bàn tay và bàn chân, khiếm thính, thoái hóa thần kinh.
Một cuộc khảo sát tiến hành năm 1997 cho thấy nồng độ thủy ngân trung bình trong tóc của ngư dân đã giảm 1,8 mg/kg. Mối đe dọa ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm thủy ngân trong sông Tùng Hoa cũng giảm đáng kể từ khi các công ty dừng việc xả thải thủy ngân ra sông.