Những vũ khí Ukraine sử dụng để 'trị' tên lửa và UAV của Nga
Trong bối cảnh Nga dồn dập tấn công tên lửa và UAV nhằm vào Ukraine, Mỹ và Anh cùng một số quốc gia khác đang cung cấp cho Kiev lượng lớn hệ thống phòng không được cho rất hiệu quả trong việc chống lại máy bay, trực thăng và tên lửa hành trình.
Thời gian qua Nga dồn dập tấn công tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng khác của Ukraine. Trong bối cảnh này Mỹ và Anh cùng một số quốc gia khác đang đẩy mạnh cung cấp cho Kiev lượng lớn hệ thống phòng không khác nhau. Những vũ khí này được cho rất hữu ích trong việc chống lại máy bay, trực thăng và tên lửa hành trình. Một số vũ khí khác thì chuyên dùng để đối phó UAV.
Tên lửa phòng không gần TP Lyman thuộc miền Đông Ukraine hôm 28-4. Ảnh: YASUYOSHI CHIBA/AFP/ GETTY IMAGES
Các nước phương Tây đến nay vẫn chưa đồng ý cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine để thay thế phi đội máy bay có từ thời Liên Xô đã lỗi thời. Theo trang Business Insider, việc bổ sung các vũ khí phòng không cũng từ thời Liên Xô mà Ukraine hiện có như S-300 sẽ gặp khó khăn do hiện nay không có nhiều quốc gia ngoài Nga sử dụng hệ thống này. Vì thế, những vũ khí phòng không của phương Tây trở nên quan trọng với Ukraine.
Dưới đây là một số hệ thống vũ khí mà Ukraine nhận được.
NASAMS
Trong bối cảnh thủ đô Kiev của Ukraine bị tấn công tên lửa, Mỹ quyết định gửi hệ thống tên lửa phòng không vốn bảo vệ thủ đô Washington DC từ năm 2005.
Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) là vũ khí phòng không tầm trung, đối phó hiệu quả máy bay, trực thăng, UAV và thậm chí cả tên lửa hành trình bay chậm.
NASAMS được phát triển như một dự án hợp tác giữa công ty quốc phòng Kongsberg của Na Uy với công ty Raytheon của Mỹ, và ban đầu được quân đội Na Uy triển khai trong những năm 1990.
Hệ thống phòng không NASAMS. Ảnh: Raytheon
NASAMS có tầm bắn khoảng 40 km, tầm cao đánh chặn khoảng 15 km. Một tổ hợp NASAMS gồm một radar trinh sát MPQ-64 Sentinel và ba bệ phóng, mỗi bệ phóng được trang bị sáu tên lửa. Phiên bản NASAMS II có radar tiên tiến hơn và bốn bệ phóng, mỗi bệ phóng có ba tên lửa. Hệ thống này có tính cơ động cao, có thể đặt trên xe kéo hoặc xe tải cỡ vừa.
Điều đặc biệt quan trọng là thay vì sử dụng các tên lửa đất đối không được thiết kế riêng thì NASAMS có thể bắn các tên lửa không đối không hiện có được sửa đổi để phóng từ mặt đất.
NASAMS có thể phóng tên lửa dẫn đường bằng radar AIM-120 AMRAAM cũng như tên lửa tầm nhiệt AIM-9X, phiên bản mới nhất của Sidewinder được triển khai từ những năm 1950.
Theo báo New York Times, giới chức quân sự Mỹ nhận định hệ thống NASAMS sẽ đặc biệt hữu ích với Ukraine vì các bệ phóng triển khai trên mặt đất có thể bắn các tên lửa có giá cả tương đối vừa phải vốn được chế tạo cho các tiêm kích trong chiến đấu trên không. Đây cũng là loại tên lửa mà các đồng minh của Ukraine có với số lượng lớn.
Avenger
Hôm 10-11, Mỹ thông báo gửi bốn hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger để giúp Ukraine bảo vệ binh sĩ cùng các cơ sở hạ tầng quan trọng trước mối đe dọa từ trực thăng và UAV.
Hệ thống phòng không Avenger. Ảnh: Military.com
Hệ thống Avenger bao gồm một xe Humvee với tháp pháo xoay gắn phía sau thùng xe. Tháp pháo gồm hai ống phóng, mỗi ống phóng có bốn tên lửa Stinger. Hệ thống phòng không Avenger không quá phức tạp. Tên lửa tầm nhiệt Stinger có tầm bắn chỉ 5 km và không có radar dù nó có laser tầm ngắn và cảm biến hồng ngoại.
Tuy nhiên, tính tự động cao cùng sự cơ động và độc lập đủ để hoạt động ở các địa hình gồ ghề hay các khu vực lầy lội khiến chúng hữu ích với binh sĩ Ukraine.
Aspide
Đây là tên lửa của Ý, gồm phiên bản đất đối không và không đối không, được phát triển dựa trên tên lửa dẫn đường bằng radar AIM-7 Sparrow và Sea Sparrow do Mỹ thiết kế.
Phiên bản Aspide đầu tiên có từ những năm 1970 và cũng có một vài phiên bản nâng cấp, trong đó có Aspide 2000.
Tên lửa phòng không Aspide. Ảnh: Mil.in.ua
Tây Ban Nha cam kết cung cấp hệ thống Aspide cho Ukraine. Tây Ban Nha có cả phiên bản cũ và mới hơn, song chưa rõ phiên bản cụ thể nào được gửi sang Ukraine. Phía Kiev mong muốn nhận một trong số 13 hệ thống Skyguard mà Tây Ban Nha loại biên gần đây. Skyguard được trang bị tên lửa Aspide 2000 có tầm bắn 25 km.
IRIS-T
Ukraine đã nhận bốn hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn IRIS-T đầu tiên của của Đức.
Với tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại tầm ngắn dự kiến thay thế AIM-9 Sidewinder, IRIS-T có thể được vận hành trên máy bay hoặc các bệ phóng mặt đất. IRIS-T có tầm bắn 40 km và có thể đạt tốc độ Mach 3 (3.675 km/giờ).
Đức đã bị chỉ trích vì chậm chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, IRIS-T chỉ mới hoàn tất thử nghiệm vào cuối năm 2021, và thậm chí quân đội Đức cũng chưa được nhận hệ thống này.
Báo cáo của Viện dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng các hệ thống IRIS-T và NASAMS đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine bảo vệ cơ sở hạ tầng điện lực.
Gepard
Đức cũng cam kết gửi 50 pháo tự hành phòng không Gepard cho Ukraine. Gepard được quân đội Đức triển khai lần đầu trong những năm 1970 và bị loại biên năm 2010.
Pháo tự hành phòng không Gepard. Ảnh: Mil.in.ua
Đặt trên khung gầm bọc thép bánh xích, pháo hai nòng 35 mm của Gepard có thể bắn trúng máy bay và UAV cũng như bộ binh và xe quân sự đối phương cách tới 6 km.
Báo cáo của RUSI đánh giá Gepard có hiệu quả cao khi đối phó các UAV nhỏ, bay chậm và bay tầm thấp như UAV Shahed-136 của Iran.
Vampire
Trước khi Nga triển khai UAV để tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine vào mùa thu, Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch gửi hệ thống chống UAV Vampire cho Ukraine.
Vampire có thể phóng tên lửa cỡ nhỏ dẫn đường bằng laser chẳng hạn như APKWS – phiên bản dẫn đường bằng laser của hệ thống rocket không đối đất Hydra 70 vận hành trên trực thăng AH-64 Apache.
BAE Systems, công ty sản xuất APKWS, gần đây tiết lộ gói nâng cấp, trong đó nâng cấp tầm bắn của tên lửa lên 12 km.
Có thể điều quan trong nhất với Ukraine là tính thích ứng của Vampire. Hệ thống này và các rocket 254 mm có thể đặt phía sau xe bán tải hoặc xe tải hạng nhẹ.
Video mới được công bố ngày 16/11 cho thấy máy bay không người lái (UAV) cảm tử Lancet của Nga lao thẳng vào hệ thống pháo tự hành CAESAR do Pháp cung cấp cho Ukraine
Nguồn: [Link nguồn]